(Congannghean.vn)-Ông bị mù cả hai mắt, bà bị liệt đôi chân, hai số phận đến từ hai hoàn cảnh khác nhau, cuộc sống mưu sinh đưa đẩy họ vào trung tâm bảo trợ xã hội. Tình yêu lên tiếng, hai phận đời thiếu may mắn và kém lành lặn tìm thấy nhau ở sự đồng cảm. Họ đã vượt qua mọi sự cấm cản của gia đình và xã hội để xây dựng mái ấm hạnh phúc xưa nay chưa từng có trong tiền lệ của trung tâm. 25 năm sống nghĩa vợ chồng, thành quả lớn nhất của ông bà là 2 đứa con đều bước chân vào giảng đường đại học. Hiện, ông bà cũng đang chuẩn bị được bế trên tay đứa cháu ngoại đầu lòng.
Tròn 25 năm, trong khuôn viên của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An, có một mái ấm hạnh phúc được nhiều thế hệ biết đến và được ví như câu chuyện cổ tích giữa đời thực, khi hai vợ chồng, người bị khiếm thị, người bị khuyết tật đôi chân nhưng vẫn nương tựa vào nhau và xây đắp hạnh phúc. Kỳ tích hơn, 2 đứa con sinh ra đều khỏe mạnh, lành lặn và nhờ sự tảo tần của cha mẹ nên được ăn học thành người. Cặp vợ chồng mà tôi muốn nhắc đến trong bài viết này là ông Vương Đình Sơn (SN 1957) và vợ là bà Phan Thị Thủy (SN 1960), đều là đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại mái nhà chung này.
Tình yêu kỳ diệu
Ông Vương Đình Sơn sinh ra trong gia đình nghèo có 5 anh chị em ở xã Vân Diên, huyện Nam Đàn. Tuổi thơ lành lặn như bao đứa trẻ khác, chỉ đến lúc lên 3 tuổi, sau lần đau mắt, cậu bé Sơn đã uống thuốc kháng sinh liều cao dẫn đến cả 2 mắt đều bị mù. Những bất hạnh của cuộc đời ập đến với Sơn bắt đầu từ ngày đó. Tuổi thơ bầm dập, bố mẹ cũng vì cơm áo gạo tiền nên không có điều kiện chăm sóc con cái, Sơn cứ thế lớn lên, thu mình trong bóng tối.
Khi trưởng thành, không bằng lòng với tình cảnh phải ăn bám gia đình, Sơn đã tự mưu sinh kiếm sống bằng nghề bán tăm tre dạo cho các cơ sở tình thương. Bước chân không đoán định của chàng thanh niên mù lòa bắt đầu lang thang, vô định khắp nơi từ ngày đó. Cho đến đầu năm 1984, khi đang bán tăm dạo tại huyện Đô Lương, Sơn được người dân thương tình đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội đóng trên địa bàn xã Giang Sơn Đông. Ông quyết định chọn nơi này làm ngôi nhà chung của đời mình.
Trong khi đó, bà Phan Thị Thủy quê ở xã Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) có hoàn cảnh éo le không kém khi cũng có tuổi thơ lành lặn nhưng năm lên 8 tuổi, sau trận phong thấp hành hạ, Thủy đã mất khả năng đi lại khi 1 chân bị liệt hoàn toàn, còn chân kia cũng bị di chứng nặng nề nên teo tóp, co rút lại. Bố mất, mẹ tần tảo với ruộng đồng nên đã gửi Thủy vào Xí nghiệp thương binh may Can Lộc để học nghề và sinh sống. Cuộc đời của cô thôn nữ tật nguyền tưởng như đã an bài với công việc may vá hàng ngày để đắp đổi lấy niềm vui sau những đêm trường tủi phận.
Cho đến năm 1990, khi những người như bà Thủy được chuyển từ Xí nghiệp may ra gia nhập vào ngôi nhà chung tại Trung tâm bảo trợ và duyên phận đưa lối cho bà gặp một nửa của đời mình. Bà Thủy nhớ lại, ngày đó, bà làm tại xưởng tăm, còn ông Sơn là người đi bán tăm dạo. Sau 1 ngày rong ruổi, ông Sơn lại trở về Trung tâm để lấy tăm. Sau nhiều lần tiếp xúc, bà Thủy thấy ông Sơn vui tính, hiền lành lại dễ mến nên đã nảy sinh tình cảm, thường xuyên giúp đỡ người đàn ông mù lòa này một số công việc trong sinh hoạt đời thường. Về phía ông Sơn, dù không nhìn thấy bằng mắt, nhưng ông đã nghe bằng đôi tai và cảm nhận bằng trái tim tình cảm của bà Thuỷ dành cho mình nên đã mở lòng đón nhận. “Từ nhỏ đến lớn, tôi luôn nghĩ rằng mình là kẻ tật nguyền, coi như đã bỏ đi. Đến lúc cảm nhận được tình yêu của Thủy, tôi vừa hạnh phúc vừa lo lắng. Song, sức mạnh của tình yêu đã chiến thắng tất cả”, ông Sơn tâm sự.
Vợ chồng tật nguyền nuôi 2 con vào đại học
Hai người yêu nhau đã vấp phải sự phản đối, cấm cản từ cả phía Trung tâm lẫn gia đình và xã hội. Họ là 2 con người tật nguyền, tự bản thân mình còn chưa lo được, nếu lấy nhau sẽ trở thành gánh nặng cho xã hội. Trong khi đó, theo nguyên tắc, ông Sơn và bà Thủy là 2 đối tượng của Trung tâm Bảo trợ xã hội nên việc yêu nhau và nên nghĩa vợ chồng là vi phạm quy định. Dẫu vậy, bất chấp mọi rào cản, hai người vẫn kiên định với tình yêu của mình và đến với nhau bằng trái tim chân thành.
Năm 1993, khi chuẩn bị sinh đứa con gái đầu lòng, sợ bị đuổi ra khỏi Trung tâm nên bà Thủy đã phải trốn về Can Lộc để sinh con. 3 năm sau đó, đứa con thứ 2 chào đời, hai ông bà đã gặp thêm muôn vàn khó khăn nhưng vẫn quyết tâm rau cháo nuôi nhau. Thậm chí, có lúc hai vợ chồng còn bị dọa đuổi ra khỏi Trung tâm vì lúc bấy giờ, nhiều người sợ sẽ bị liên lụy. Những cán bộ tại đây dù rất đồng cảm với gia đình nhưng không dám làm trái quy định, chỉ dám cấp 2 suất ăn.
Đến bữa cơm, hai vợ chồng lại chia thành 4 phần để cả gia đình cùng ăn. Thương con, mặc cho mù lòa nhưng ông Sơn vẫn rong ruổi đi bán từng gói tăm, bó đũa khắp mọi nơi, không chỉ đến tất cả các địa bàn trong tỉnh mà còn vào tận các tỉnh miền Nam. Trong khi đó, bà Thủy dù tật nguyền vẫn gắng gượng chăm con, nuôi thêm con gà, con lợn để tăng thu nhập. Khó khăn lớn nhất là giai đoạn cả 2 đứa cùng đến trường. Có thời điểm, tiền ăn, tiền học phí cứ thi nhau ập đến, khiến vợ chồng có lúc phải nghĩ đến trường hợp cho con nghỉ học. Nhưng rồi, nghĩ phận đời mình thiệt thòi, hai ông bà đã đi đến quyết tâm, còn sống thì không thể để con cái thất học. Cứ như vậy, những khó khăn của cuộc sống đã phải “cúi đầu” nhờ sự kiên định và tình yêu thương con của hai vợ chồng.
Năm 2002, ông Nguyễn Xuân Phú lên làm Giám đốc Trung tâm, trong một lần đến nhà ăn, tận mắt chứng kiến cảnh 2 vợ chồng sẻ nửa phần cơm chia cho 2 đứa con, thấy thương cảm quá nên ông đã họp đơn vị và đề xuất việc tiếp nhận thêm 2 suất bảo trợ là 2 đứa con của ông Sơn, bà Thủy vào Trung tâm. Tiếp đó, cũng chính ông Phú đã tạo điều kiện để cấp cho gia đình 1 khu nhà trong khuôn viên để có chỗ cho các cháu học hành.
Đến nay, sau 25 năm sinh sống tại Trung tâm, gia đình ông Sơn và bà Thủy đã làm nên một “thiên cổ tích tình yêu” giữa đời thực. Không chỉ vượt qua số phận, xây đắp nên mái ấm gia đình mà 2 vợ chồng còn viết tiếp kỳ tích bằng việc nuôi 2 đứa con khôn lớn, trưởng thành. Cô con gái đầu Vương Thị Hoài Lam đã tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa Vinh, vừa mới lập gia đình cách đây 2 tháng. Hiện, ông bà đang háo hức chờ đợi đứa cháu ngoại đầu lòng chào đời để ẵm bồng cho khuây khỏa tuổi già. Cậu con trai thứ 2 Vương Đình Trường trong kỳ thi đại học năm vừa qua đã thiếu 2 điểm để vào Học viện Kỹ thuật quân sự. Cuối tháng 10 vừa qua, Trường cũng đã hoàn tất thủ tục để vào học tại Trường Đại học Y khoa Vinh theo kết quả xét tuyển nguyện vọng 2.
Ông Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, trường hợp của 2 vợ chồng ông Sơn, bà Thủy là hi hữu nhất từ trước tới nay. Cảm phục trước sự nỗ lực vượt qua nghịch cảnh này nên hàng năm, mỗi khi có các đoàn công tác xã hội đến, Trung tâm luôn ưu ái giới thiệu về trường hợp của ông bà nhằm giúp đỡ, hỗ trợ họ vượt qua khó khăn. Tuổi cao, sức yếu nhưng hiện tại, ông Sơn vẫn phải miệt mài rong ruổi mưu sinh để kiếm tiền nuôi con học đại học.
Hai vợ chồng chia sẻ, ngày đó, phần vì yêu, phần nữa là đồng cảm với nhau nên về sống chung dưới một mái nhà để đỡ đần nhau trong cuộc sống chứ 2 người không tổ chức lễ cưới vì không có điều kiện. Dẫu vậy, nghĩa vợ, tình chồng trong suốt 25 năm qua đã giúp vợ chồng gắn bó keo sơn, mật thiết chẳng kém cạnh bất cứ cặp đôi tổ chức tiệc cưới linh đình nào. Niềm vui mỗi ngày của 2 ông bà là được nhìn thấy các con khỏe mạnh và tự đứng vững trong cuộc sống bằng chính đôi chân của mình. Chỉ cần vậy thôi, 2 vợ chồng cũng đã cảm thấy đủ đầy và giàu có hơn bất cứ ai khác trong chốn trần ai này.
.