Mỗi chiến công, thành tích của Công an nhân dân đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ kính yêu; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự thương yêu, giúp đỡ của đồng chí, đồng bào cả nước - Đại tướng, GS. TS Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ kính yêu, nhân dân ta đã đấu tranh ngoan cường, giành được những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang, mở ra thời đại đẹp nhất của dân tộc ta, thời đại nhân dân Việt Nam đánh thắng các thế lực đế quốc xâm lược hung bạo nhất, hoàn thành sứ mệnh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Quá trình lãnh đạo cách mạng, suốt 85 năm qua, Đảng ta luôn quan tâm, chăm lo xây dựng lực lượng Công an nhân dân về chính trị, tư tưởng và tổ chức.
Ở mỗi giai đoạn cách mạng, căn cứ tình hình, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước, Đảng luôn đề ra các chủ trương, định hướng công tác công an và liên tục bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong từng thời kỳ, được khẳng định qua các kỳ Đại hội của Đảng.
Dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, lực lượng Công an nhân dân luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các quan điểm, chủ trương của Đảng, khẳng định rõ vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; luôn thể hiện rõ bản chất cách mạng trong sáng, mưu trí, dũng cảm, lập nhiều chiến công, thành tích to lớn, xây đắp nên truyền thống anh hùng vẻ vang, xứng đáng là “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền, để bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng, Đảng đã thành lập, lãnh đạo, chỉ đạo các đội Tự vệ đỏ, Tự vệ công nông, Tự vệ cứu quốc, Danh dự trừ gian, Danh dự Việt Minh... đấu tranh phòng, chống mật thám, chỉ điểm và bọn phản động tay sai; chú trọng bảo vệ nội bộ, giữ bí mật cách mạng, chống bọn “AB” giả danh cộng sản, làm nội gián chống phá Đảng ta.
Trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, lực lượng cách mạng đã trấn áp bọn phản động ngoan cố, có nhiều nợ máu với nhân dân, khoan hồng những người lầm đường, thật thà hối cải, lập công chuộc tội, góp phần đập tan bộ máy đàn áp của địch, thiết lập và củng cố chính quyền cách mạng.
Cách mạng tháng Tám thành công, trước nguy cơ “thù trong, giặc ngoài”, phải đối phó với nhiều kẻ thù cùng một lúc và trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền” [1]; lực lượng Công an đã mưu trí, dũng cảm, kịp thời phát hiện, trấn áp, bóc gỡ nhiều tổ chức, đảng phái phản động, đặc vụ Tưởng cấu kết với mật thám, gián điệp Pháp chống phá chính quyền cách mạng non trẻ, bảo vệ Đảng, chính quyền và thành quả cách mạng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, được đường lối đúng đắn của Đảng soi sáng, lực lượng Công an đã xây dựng các phong trào “Ba không”, “Ngũ gia liên bảo”, “Bảo mật, phòng gian”, bảo vệ tuyệt đối an toàn khu căn cứ địa cách mạng, các cơ quan đầu não của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân và các chiến dịch quân sự; chủ động triển khai có hiệu quả các hoạt động điệp báo, diệt ác, phá tề, trừ gian, trấn áp các tổ chức phản động, bảo vệ an ninh, trật tự vùng tự do, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mở ra một giai đoạn mới của cách mạng nước ta, giai đoạn xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Đảng chủ trương “Tăng cường lực lượng Công an thành một công cụ chuyên chính tuyệt đối trung thành với Đảng, có liên hệ mật thiết với quần chúng, thành một lực lượng chiến đấu vững mạnh, có tính chất vũ trang, có tổ chức chặt chẽ, thông thạo về nghiệp vụ và có trình độ khoa học, kỹ thuật. Toàn Đảng phải nắm chắc lực lượng Công an và phải coi việc tăng cường lực lượng Công an là một nhiệm vụ chính trị quan trọng” [2].
Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, lực lượng Công an đã “vừa chiến đấu, vừa xây dựng phát triển lực lượng”, ngày càng trưởng thành về mọi mặt, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân, các cấp, các ngành xây dựng và phát động ở miền Bắc “Phong trào bảo vệ trị an, xây dựng xã, khối phố vững mạnh về chính trị và trật tự, an ninh” và “Phong trào bảo mật phòng gian, xây dựng đơn vị an toàn trong các cơ quan, xí nghiệp, đơn vị bộ đội”.
Đấu tranh, khám phá hàng trăm toán gián điệp, biệt kích, nhiều tổ chức phản động, đập tan âm mưu, hoạt động gây bạo loạn, chiến tranh tâm lý của chúng; trấn áp mạnh các loại tội phạm, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân; tích cực góp phần bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và chi viện hàng vạn cán bộ công an ưu tú cho tiền tuyến lớn miền Nam.
Trên chiến trường miền Nam, lực lượng An ninh đã kiên cường bám đất, bám dân, tham gia diệt ác, phá kìm, đấu tranh làm thất bại các hoạt động tình báo, gián điệp, các chiến dịch càn quét, “bình định”, “chiêu hồi” của Mỹ - ngụy; chiến đấu dũng cảm, trừng trị bọn ác ôn có nợ máu với nhân dân; bảo vệ tuyệt đối an toàn Trung ương Cục, các căn cứ kháng chiến; bảo đảm an ninh, an toàn các cuộc hành quân, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm chi viện chiến trường; bảo vệ phong trào cách mạng, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới cũng như tính chất công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Đảng đã tăng cường lãnh đạo, từng bước đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo đối với Công an nhân dân.
Tại Đại hội lần thứ VI của Đảng, lần đầu tiên tổ chức đảng trong Công an nhân dân được quy định trong Điều lệ Đảng, xác định rõ nguyên tắc, mô hình tổ chức, cơ chế lãnh đạo của Đảng, của Đảng ủy Công an Trung ương và cấp ủy Công an các cấp.
Bộ Chính trị (Khóa VI) đã ban hành Quyết định số 110-QĐ/TW thành lập Đảng ủy Công an Trung ương, đánh dấu bước chuyển từ cơ chế lãnh đạo đảm bảo sang lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và đã 04 lần sửa đổi, bổ sung, qua đó củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức và cấp ủy đảng Công an các cấp theo hướng tập trung, thống nhất, phù hợp với tính chất, đặc điểm công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.
Bộ Chính trị (Khóa XI) đã ban hành Quyết định số 92-QĐ/TW quy định về tổ chức đảng trong Công an nhân dân, trong đó quy định khi bổ nhiệm, luân chuyển Giám đốc Công an địa phương thì Ban Bí thư có quyết định bổ sung vào cấp ủy và tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy.
Ban Bí thư Trung ương Đảng (Khóa XI) cũng ban hành Quy định số 216-QĐ/TW về thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên ở Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động - Bộ Công an.
Đây là những chủ trương, định hướng quan trọng, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao chất lượng công tác đảng, công tác chính trị trong Công an nhân dân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, lực lượng Công an nhân dân đã làm tốt công tác nắm tình hình, chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là về những vấn đề cơ bản, chiến lược, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành và của toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, đẩy lùi nguy cơ, loại trừ các yếu tố gây mất ổn định chính trị - xã hội, phục vụ thắng lợi sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.
Lực lượng Công an nhân dân luôn nhận thức sâu sắc: Mỗi chiến công, thành tích của Công an nhân dân đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ kính yêu; sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự thương yêu, giúp đỡ của đồng chí, đồng bào cả nước.
Trong tình hình hiện nay, để tiếp tục giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân, bảo đảm Công an nhân dân luôn giữ vững bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, kiên định công cuộc đổi mới xây dựng chủ nghĩa xã hội, vững vàng trước mọi khó khăn, thử thách, vấn đề tiên quyết là phải thống nhất nhận thức, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào cũng phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân, đây là yếu tố quyết định mọi thắng lợi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước.
Tập trung chăm lo xây dựng các tổ chức đảng trong Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh; thường xuyên đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, thường xuyên tự phê bình và phê bình; tăng cường đoàn kết, nhất trí trong từng tổ chức đảng và đơn vị. Bám sát và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm an ninh, trật tự, nhất là Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, thật sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Tăng cường xây dựng lực lượng Công an vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống, coi đó là nền tảng để nâng cao sức chiến đấu, chất lượng các mặt công tác công an.
Không ngừng thấm nhuần và quán triệt sâu sắc nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Công an nhân dân, bảo đảm Công an nhân dân thật sự là lực lượng nòng cốt trong cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tiếp tục học tập, làm theo tấm gương Bác Hồ vĩ đại và Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, luôn nêu cao ý thức cảnh giác cách mạng, đề cao trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành, địa phương, nhất là với Quân đội nhân dân trong xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân kết hợp với thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh.
Tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân, có nhiều hình thức phù hợp để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với Công an nhân dân.
Phấn đấu thực hiện lý tưởng cao đẹp là lấy hạnh phúc của nhân dân làm niềm vui, lẽ sống; lấy xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, lấy sự nghiệp cách mạng quang vinh của Đảng làm mục tiêu giáo dục, rèn luyện và công tác, chiến đấu của lực lượng Công an nhân dân.
1. Hồ Chí Minh: Vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1970, tr. 302.
2. Nghị quyết số 40-NQ/TW, ngày 20 tháng 1 năm 1962 của Bộ Chính trị (Khóa III) về vấn đề củng cố và tăng cường lực lượng Công an.
Đại tướng, GS. TS Trần Đại Quang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an
.