Trước thềm đón Xuân Ất Mùi 2015, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã trả lời phỏng vấn về công tác Mặt trận trong năm 2014 và phương hướng hoạt động năm 2015.
PV: Năm 2014 được xem là một năm đầy sôi động của công tác Mặt trận. Xin đồng chí cho biết những dấu ấn nổi bật trong một năm qua?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Hoạt động của Mặt trận gắn liền với với hoạt động chung của đất nước, chỉ đạo của Đảng, hoạt động của Chính phủ cũng như tình hình kinh tế - xã hội. Năm 2014 là năm tổ chức thành công từ Đại hội Mặt trận các cấp cho đến Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ VIII. Đây là dịp chẳng những Mặt trận mà cấp uỷ, chính quyền các cấp cùng nhìn lại hoạt động của Mặt trận để thấy được những đóng góp cũng như hạn chế, từ đó phối hợp làm tốt công việc trong thời gian tới, nhất là trong cơ chế phối hợp giữa Mặt trận, Đảng và chính quyền các cấp.
Đặc biệt, trong Đại hội đại biểu Mặt trận các cấp, các địa phương chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư khi lựa chọn Chủ tịch Mặt trận các cấp phải là trong cấp uỷ, cơ cấu tối đa trong thường vụ và so với trước tỉ lệ này tăng thêm. Đồng thời từ những ý kiến đóng góp, thảo luận của các địa phương, của các đại biểu, Đại hội lần thứ VIII MTTQ Việt Nam đã hình thành được 5 chương trình hành động cho nhiệm kỳ mới.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân |
Năm 2014 đã xảy sự kiện biển Đông, làm cho nhân dân lo lắng và ai ai cũng muốn thể hiện tình cảm yêu nước của mình. Vai trò của Mặt trận lúc này là tuyên truyền cho nhân dân hiểu đúng tình hình, đồng thời khuyến khích tình cảm của đồng bào đối với ngư dân, kiểm ngư, cảnh sát biển và các chiến sĩ đang ngày đêm bảo vệ những vùng biển trời thiêng liêng của Tổ quốc. Trong năm qua, Mặt trận đã kêu gọi và vận động hơn 12 tỷ đồng ủng hộ biển đảo. Toàn bộ số tiền này đã được chuyển giao cho các địa phương để phân bổ về các địa chỉ cụ thể. Có thể nói, 12 tỷ đồng này là chưa đủ nhưng qua sự kiện này, chúng ta đã củng cố tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, lòng yêu nước và thể hiện tình cảm cũng như ứng xử hợp lý.
Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Mặt trận triển khai giám sát, phản biện xã hội theo Hiến pháp năm 2013 và chỉ đạo của Bộ Chính trị theo Quyết định số 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quyết định số 218-QĐ/TW về ban hành quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Trong năm, Mặt trận đã phối hợp với các bộ, ngành ký 5 chương trình phối hợp giám sát, trong đó có chương trình giám sát thực hiện chính sách người có công và bảo hiểm cho người lao động được nhân dân rất đồng tình.
PV: Với vai trò là liên minh chính trị, là tổ chức rộng rãi của nhân dân, là cơ sở chính trị của chính quyền, theo đồng chí, Mặt trận đang có những thuận lợi và những khó khăn nào?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Mặt trận đang có rất nhiều thuận lợi. Mặt trận có truyền thống lâu đời, hiện có 46 tổ chức thành viên, trong đó có có 5 đoàn thể chính trị - xã hội,… cùng với sự quan tâm của Đảng ngày càng cụ thể hơn, thể hiện qua Quyết định 217, 218, đặc biệt Hiến pháp 2013 đã khẳng định Mặt trận là người đại diện cho quyền lợi của nhân dân. Điều 9 trong Hiến pháp đã làm rõ Mặt trận có trách nhiệm giám sát phản biện xã hội.
Tuy nhiên, công tác Mặt trận vẫn còn đó những khó khăn. Bởi hoạt động Mặt trận nếu đọc thoáng qua thì hiểu, báo cáo năm nào cũng làm từng đó việc: là các phong trào, các cuộc vận động, làm từ thiện. Vậy làm thế nào để Mặt trận làm tốt hơn vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước và nhân dân nếu như không đổi mới thực sự nội dung, phương thức hoạt động. Chỉ riêng việc nhân dân suy nghĩ, góp ý gì, Mặt trận phải tập hợp một cách có hệ thống, có tổ chức, phản ánh đúng chỗ, kịp thời để tiếp thu, khắc phục... không phải là việc dễ dàng.
Nhân dân có nhiều tầng lớp do đó công tác Mặt trận là phải lắng nghe nhiều người một cách có chọn lọc để phản ánh kịp thời. Ví dụ, một năm có 2 kỳ họp Quốc hội, năm nào cũng vậy, mỗi kỳ, Mặt trận tập hợp trên dưới 2.000 ý kiến nhưng chỉ được trình bày trong 15 phút trước Quốc hội. Năm vừa rồi Mặt trận đã thay đổi cách làm. Khi tiếp nhận ý kiến, chúng tôi đã phân loại ý kiến nào chiếm tỉ lệ cao, có được minh hoạ thống kê hoặc phải là những ý kiến chọn lọc thì mới lựa chọn. Và năm qua, Mặt trận chỉ nêu 6 vấn đề được đông đảo cử tri đồng tình. Sau mỗi lần như thế, có từ 6 - 9 Bộ trưởng đã viết thư phúc đáp ý kiến Mặt trận nêu.
Cùng với đó, đổi mới nội dung và phương thức thực hiện đang là nhiệm vụ tiên quyết của công tác Mặt trận, đặc biệt là các cuộc vận động, các phong trào. Yêu cầu đổi mới lúc này là hoạt động của Mặt trận phải đi đôi với việc phát huy vai trò các tổ chức thành viên. Ví dụ, trong công tác giảm nghèo, không thể một hộ thoát nghèo ai cũng nhận. Mặt trận phải phối hợp với các tổ chức thành viên để mỗi nơi phải nhận một việc cụ thể. Ở một xã còn 50 hộ nghèo thì Hội Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ...phải có trách nhiệm đứng ra, chia nhau mỗi nơi đỡ đầu bao nhiêu hộ thoát nghèo….
Có thể nói, nhiệm vụ then chốt của Mặt trận hiện nay chính là tuyên truyền, vận động nhân dân; phản ánh ý kiến nhân dân tới Đảng, Nhà nước và giám sát, phản biện. Tất cả những việc này phải cho làm đạt yêu cầu thì nhiệm vụ của MTTQ mới hoàn thành.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao tiền ủng hộ của nhân dân cho lực lượng giữ gìn biển đảo Tổ quốc |
PV: Giám sát và phản biện xã hội là cơ sở để phát huy và tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, đây là một việc rất khó. Vậy trong thời gian tới đây, phương thức hoạt động của Mặt trận cần tiếp tục phải đổi mới như thế nào để hoàn thành được nhiệm vụ quan trọng này, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Năm 2014 cũng là năm đầu tiên Mặt trận triển khai chức năng giám sát, phản biện. Lâu nay, giám sát quyền lực, Quốc hội đã làm nhưng Đại biểu Quốc hội cũng chỉ có gần 500 người, đại biểu hội đồng nhân dân cũng vài trăm người trong khi đó nhân dân thì có hàng chục triệu người. Làm thế nào để những người còn lại cũng có khả năng giám sát…
Theo đó, Mặt trận phối hợp với Chính phủ để thực hiện vai trò giám sát của mình và yêu cầu các bộ, ngành tham gia. Năm 2014, bước đầu giám sát rõ cơ chế, giám sát Mặt trận là giám sát của nhân dân nên nhân dân thấy chỗ nào có nhu cầu thì Mặt trận giám sát. Nhưng giám sát này phải theo cơ chế chỉ đạo của Đảng, nhà nước quản lý, cho nên Mặt trận phải phối hợp với chính quyền. Năm 2014, Mặt trận đề xuất và ký kết với một số cơ quan triển khai giám sát 5 vấn đề nhân dân bức xúc: rà soát chính sách đối với người có công; giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội trong các loại hình doanh nghiệp; giám sát thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp; giám sát việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; giám sát nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở và Chương trình phối hợp trong lĩnh vực tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của công dân. Và theo đó, các bộ, ngành, các địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận vì Mặt trận không thể làm một mình…
Về cơ bản, giám sát của Mặt trận sẽ triển khai từ các địa phương chứ không phải Trung ương. Trung ương chỉ định hướng, chỉ đạo và tạo cơ chế. Đó cũng là xu hướng giám sát mà Mặt trận sẽ tiến hành thực hiện trong năm 2015 và những năm tiếp theo.
PV: Gần 85 năm qua kể từ khi thành lập đến nay, MTTQ Việt Nam đã góp phần hết sức quan trọng vào việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng của Đảng, của dân tộc. Xin đồng chí cho biết, trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng khối đại đoàn kết có gì khó khăn, trở ngại gì?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Lịch sử MTTQ Việt Nam đã bước sang năm thứ 85. Nhưng có thể nói, ở ngay thời điểm này, trong đội ngũ những người làm Mặt trận cũng chưa hiểu hết Mặt trận. Chúng tôi đang bàn về sự cần thiết có một cuộc tìm hiểu trong hệ thống Mặt trận để ôn lại lịch sử. Thông qua cuộc tìm hiểu này, người làm Mặt trận sẽ hiểu thêm vai trò Mặt trận qua mỗi thời kỳ và mỗi thời kỳ đều phải chịu sự thách thức ra sao. Có thách thức thì cũng là chuyện bình thường nhưng phải nhận biết và chỉ rõ được thách thức đặc thù để có giải pháp thực hiện mà vươn lên.
Có thể nói, sau 30 năm đổi mới, đất nước ta có những thành tựu về kinh tế, xã hội, ai cũng thừa nhận nhưng rõ ràng vẫn còn nhiều khó khăn, yếu kém. Phải nhìn thẳng vào sự thật để mỗi người cùng góp phần khắc phục những khó khăn, yếu kém đó. Trong khi đó trên một số phương tiện truyền thông không chính thống lại tìm cách phủ định những thành tựu đáng ghi nhận, gây hoang mang cho nhân dân. Chẳng hạn chúng ta nói: năng lực cạnh tranh quốc gia còn yếu kém nhưng có phải yếu kém mãi không? Nếu năng lực cạnh tranh yếu kém làm sao có xuất khẩu từ 50 tỷ đến 150 tỷ USD. Người ta không mua hàng của Việt Nam vì yêu người Việt Nam mà vì sự chất lượng đích thực.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trò chuyện với những người có uy tín dân tộc Mông tỉnh Hòa Bình |
Xây dựng khối đại đoàn kết thì trước hết đồng thuận về sự phát triển, phải hiểu đúng tình hình và chia sẻ trách nhiệm. Muốn thế thì phải đổi mới nhận thức, phối hợp vận động. Đại đoàn kết có những thách thức nhưng tôi tin rằng, với tấm lòng yêu nước của mỗi người, nỗ lực của Mặt trận và sự lãnh đạo của Đảng thì sự nghiệp đại đoàn kết sẽ được phát huy.
PV: Thưa đồng chí, trong lần trao đổi với báo chí gần đây, đồng chí từng nói rằng: Hạnh phúc của người dân sẽ là thước đo hiệu quả hoạt động của Mặt trận. Vậy cùng với việc tăng cường giám sát và phản biện, MTTQ Việt Nam sẽ làm gì để thực hiện được điều này trong thời gian tới?
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân: Trước khi sang làm công tác Mặt trận thì tôi làm giáo viên sau đó công tác về hệ thống chính quyền. Trong suốt mấy chục năm công tác, tôi luôn suy nghĩ rằng động lực gì giúp cho chúng ta tồn tại trong cuộc đời này không chỉ là giàu lên cho nhanh. Ông cha ta từ mấy nghìn năm trước chỉ đầu trần chân đất mà vừa chống thiên tai vừa chống giặc ngoại xâm, gian khổ vô cùng nhưng vẫn vui vẻ, lạc quan, vì nếu không lạc quan thì không có chúng ta ngày nay. Bài học của cha ông cho thấy, trong khó khăn chúng ta vẫn có được hạnh phúc. Hạnh phúc chính là cái tình, thể hiện sự gặp nhau giữa mong muốn và sự nỗ lực để đạt được cuộc sống tốt hơn.
Hiện nay, chúng ta còn nhiều khó khăn nhưng nếu mỗi người biết đặt ra mục tiêu phấn đấu và thấy rằng mục tiêu của mình đạt được và mục tiêu đất nước đạt được thì sẽ thấy hạnh phúc. Hạnh phúc cái chung trong cái riêng nên công tác Mặt trận góp phần làm cho người dân hạnh phúc là một điều rất quan trọng. Bằng cách để người dân tin vào tương lai đất nước, họ thấy tiếng nói của họ được Đảng, Nhà nước lắng nghe. Vấn đề là ở sự đo đếm. Đo đếm thế nào thì Mặt trận chưa có công cụ. Chúng tôi mới bàn với bên Bộ Nội vụ sẽ triển khai chương trình này bằng cách đánh giá sự hài lòng của người dân đối với chính quyền cơ sở. Đây sẽ là tiền đề lâu dài để có thể xây dựng chỉ số hạnh phúc của người Việt Nam.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí. Kính chúc đồng chí và gia đình sức khỏe, hạnh phúc, đón năm mới với niềm tin mới, thắng lợi mới!
.