(Congannghean.vn)-Sau cuộc điện thoại cuối cùng vào tối hôm trước, sáng hôm sau, anh lên đường làm nhiệm vụ nhưng không may, tai nạn thảm khốc đã khiến anh và các đồng đội tử nạn, bỏ lại bố mẹ già ở quê cùng người vợ trẻ và hai đứa con thơ với ước mơ mua đất, xây nhà cho vợ con còn dang dở.
Vợ và con gái Trung tá Lê Hồng Quân trước thi thể của chồng, cha mình |
Trực thăng rơi, 4 chiến sĩ hy sinh
Trước đó, vào 7 giờ 15 phút ngày 28/1, chiếc trực thăng quân sự UH-1 mang số hiệu 7912 của Trung đoàn 917, Sư đoàn không quân 370 cất cánh từ Tân Sơn Nhất để bay huấn luyện, hướng theo tuyến Tân Sơn Nhất - Trảng Bàng - Bến Cát. Trên trực thăng có 4 người kể cả tổ lái, bao gồm Thượng tá Trần Văn Đức, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn không quân 917; Thượng tá Đỗ Văn Chính, quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên cơ giới trên không; Thiếu tá Lê Hồng Quân, phi công kiêm dẫn đường trên không và Trung úy Nguyễn Việt Cường, phi công đang đào tạo lái chính.
Khoảng 8 phút sau khi rời sân bay, máy bay mất liên lạc tại huyện Bình Chánh. Sau nỗ lực tìm kiếm, đã phát hiện máy bay rơi ở khu vực nông trường Phạm Văn Hai, cách địa điểm xuất phát khoảng 15 km trong tình trạng máy bay bị cháy, hỏng hoàn toàn và cả 4 người có mặt trên chiếc trực thăng đều đã hy sinh.
Trung tá Lê Hồng Quân cùng con gái đầu lòng |
Ngày 1/2, Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đã đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân dẫn đến việc máy bay bị rơi. Theo đó, trong khi bay, trực thăng UH-1 đã phát sinh hỏng hóc nghiêm trọng liên quan đến hệ thống điều khiển. Tổ bay gồm 4 người đã cố gắng xử lý nhưng do độ cao quá thấp dẫn đến tai nạn.
Được biết, chiếc máy bay được sản xuất vào năm 1970, do Việt Nam thu được của Mỹ và từng sửa chữa lớn tại Mỹ vào tháng 7/2012. Giờ hoạt động của máy bay là 4.285 giờ, sử dụng sau sửa chữa mới 187 giờ. Xét về mặt kỹ thuật, máy bay hoàn toàn có thể sử dụng. Cũng theo Trung tướng Võ Văn Tuấn, 4 quân nhân hy sinh khi đang làm nhiệm vụ nên đều được phong là liệt sĩ. Ba người được truy thăng một cấp quân hàm và một người là quân nhân chuyên nghiệp được chuyển nhóm lương vượt khung.
Nỗi đau từ quê nhà
Sáng 30/1, Quân chủng phòng quân không quân đã tổ chức lễ truy điệu cho các sĩ quan của Trung đoàn không quân 917 hy sinh trong tai nạn máy bay UH1-7912 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng (TP Hồ Chí Minh). Sau đó, thi thể các nạn nhân được đưa về quê nhà để an táng. Một trong 4 chiến sĩ hy sinh trên chuyến bay “định mệnh” đã được truy thăng một cấp quân hàm, từ Thiếu tá lên Trung tá.
Đó là đồng chí Trung tá Lê Hồng Quân, quê ở phường Nghi Thu, TX Cửa Lò. Chiều 31/1, thi thể của Trung tá Lê Hồng Quân đã được đưa về đất mẹ Cửa Lò, nơi bố mẹ của liệt sĩ đang sinh sống. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, Quân chủng phòng quân không quân, UBND phường Nghi Thu và gia đình đã tổ chức lễ viếng và tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ cuối cùng.
Chúng tôi có mặt tại gia đình bố mẹ của Trung tá Lê Hồng Quân là ông Lê Văn Tiến (SN 1946) và bà Lê Thị Huệ (SN 1948) trú tại phường Nghi Thu, TX Cửa Lò trong khi cả gia đình đang đau đớn chờ đón thi thể con từ phương xa được đồng đội, đồng chí đưa về trong nỗi tiếc thương vô hạn. Bà Huệ vốn đã ốm đau từ lâu, từ khi nghe tin con trai tử nạn trên chuyến bay, bà lại thêm phần suy sụp, kiệt sức.
Trưa ngày xảy ra tai nạn, với linh cảm chẳng lành, ông bà đã gọi điện thoại liên tục cho con trai nhưng không liên lạc được, gọi điện cho con gái đang theo học tại TP HCM bảo đến đơn vị anh trai nghe ngóng tình hình thì cô bảo anh trai vẫn bình an vô sự. Đến tối xem thời sự biết tin, ông bà mới “rụng rời hết chân tay”. Sau khi nhận được tin từ đơn vị báo về, ông Tiến đã tức tốc bay vào với con.
Bà Huệ vốn đã ốm đau từ lâu, nghe tin con tử nạn, bà ngất xỉu, nằm một chỗ gọi tên con trong nước mắt và không chịu ăn uống, cũng không ngủ. Theo lời kể của gia đình, anh Quân có niềm đam mê với nghề phi công từ nhỏ. Năm học lớp 12, khi đang học tại Trường THPT Thanh Chương I, Quân đã trốn gia đình đi sơ tuyển phi công. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Quân thi đỗ vào Học viện Phòng không không quân. Sau 8 năm được rèn luyện, đào tạo, Quân về nhận công tác tại Trung đoàn 917, Sư đoàn 370, Quân chủng Phòng không không quân.
Quân là con thứ 2 trong số 5 người con của ông Tiến, bà Huệ. Vào năm 2007, khi đã 35 tuổi, anh mới lập gia đình với chị Nguyễn Thị Hiền, là giáo viên tiểu học, người cùng quê ở Thanh Chương. Đứa con gái đầu lòng Lê Thị Hồng Phương năm nay mới hơn 6 tuổi, con gái thứ hai Lê Thị Hồng Ân mới hơn 12 tháng tuổi. Bà Huệ cho biết thêm, tối hôm trước khi xảy ra tai nạn, Quân có gọi điện thoại về hỏi thăm bố mẹ. Không ai ngờ được, đó là lần cuối cùng bà được trò chuyện với con trai.
Trước đó, anh Quân hẹn về thăm và ăn Tết cùng gia đình nhưng vì phải trực nên không về được. Cũng vì tính chất công việc nên gần như anh phải ở lại đơn vị thường xuyên, thời gian dành cho gia đình chỉ được tính trên đầu ngón tay. Được biết, gia đình Trung tá Lê Hồng Quân là gia đình giàu truyền thống cách mạng, ông nội là chiến sĩ bị địch bắt và phải chịu tù đày, hai cậu là liệt sĩ, bố mẹ anh cũng tham gia cách mạng.
Từ nhiều năm nay, để vợ chồng, con cái được gần nhau, Trung tá Lê Hồng Quân đã thuê căn nhà cấp 4 trong con hẻm thuộc khu phố 3, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 (TP HCM). Anh Quân ra đi mang theo ước mơ còn dang dở là gom góp tiền mua đất xây nhà, để vợ con đỡ khổ khi phải sống trong căn nhà thuê tạm bợ nhưng giờ đây, ước mơ ấy đã mãi mãi không bao giờ có thể trở thành hiện thực.
.