Gia đình xã hội

Bức thư xúc động gửi Bộ trưởng Thăng từ... viện K

10:41, 24/12/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
"Chẳng biết rồi mai đây, các bệnh nhân còn có cơ hội được nhìn thấy chiếc cầu vượt dành cho người qua đường trước cổng bệnh viện K Tân Triều hay không? Tôi viết thư chỉ để chia sẻ với Bộ trưởng về một thực tế đang hiển hiện hàng ngày; để mong mỏi rằng có một điều gì đó làm ấm lòng những người đang rên xiết trong cơn đau bởi căn bệnh ung thư quái ác... " - bức xúc trước những hiểm họa giao thông, độc giả Bình Nguyên nhờ VietNamNet chuyển đến Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng bức thư này. 
 
Kính thưa Bộ trưởng!
 
Gần đây tôi có dịp phải vào Bệnh viện K – cơ sở 3, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Tôi sẽ không kể cho ông bộ trưởng về những con người đang ngày đêm chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác; càng không phải biên thư để nói chuyện của mình. Ông là Bộ trưởng Bộ GTVT nên dĩ nhiên, tôi muốn chia sẻ với ông về câu chuyện giao thông, chỉ mong ông có thời gian để đọc đến dòng cuối cùng.
 
1. Bệnh viện K cơ sở 3 Tân Triều vừa được đưa vào sử dụng chưa lâu nhưng đã khám và điều trị cho hàng triệu lượt bệnh nhân trên cả nước. Với hệ thống cơ sở vật chất tốt và đội ngũ y bác sĩ giỏi, tâm huyết, đây là địa chỉ tin cậy cho rất nhiều bệnh nhân ung thư.
 
Bệnh viện hoạt động, kéo theo hàng trăm dịch vụ ăn theo, biến khu vực này nhộn nhịp và một độ dân cư dày thêm. Bên này đường là bệnh viện, bên kia là hệ thống dịch vụ, từ siêu thị mini, các cửa hàng gia dụng đến quán hàng ăn vặt hàng ngày phục vụ bệnh nhân và người nhà chăm sóc. Và, con đường 70 trở thành 'vật cản ngăn cách' bệnh nhân từ bên này sang bên kia....
 Muốn qua đường, các bệnh nhân phải dìu nhau thành từng tốp để tránh xe cộ
Muốn qua đường, các bệnh nhân phải dìu nhau thành từng tốp để tránh xe cộ
2. Chắc Bộ trưởng sẽ thắc mắc rằng: Tại sao bệnh nhân đang điều trị lại sang bên kia đường để làm gì? Lẽ ra phải nằm trên giường bệnh chứ..? Đó là vì đặc thù điều trị căn bệnh này. Sau những đợt hóa trị, xạ trị, bệnh nhân có thể đi lại để tự chăm sóc bản thân, cũng là để khuây khỏa sau hàng giờ ngồi ngắm đống chai lọ và mớ dây truyền.
 
Lúc đó, nhiều bệnh nhân đã sang bên kia đường để hòa vào cuộc sống hàng ngày, để quên đi nỗi đau đang day dứt, để tạm xa bệnh viện – nơi chỉ toàn thuốc men và bệnh tật. Nhưng, mỗi lúc qua đường, họ lại phải dắt díu nhau, tập hợp thành từng nhóm nhỏ để cùng nhau tránh dòng xe đang gầm gào lao tới.
 
Nhất là lúc tan tầm, nhìn những người mặc bộ quần áo bệnh nhân dò dẫm từng bước sợ sệt giữa dòng phương tiện, chắc hẳn ai cũng cảm thương. Phần lớn bệnh nhân đều ở vùng quê nghèo, trải nghiệm giao thông ít nên 'kĩ năng' tránh xe lúc qua đường cũng hạn chế và nghiệp dư.
 
Trong lúc đó, nơi này không có đèn xanh đèn đỏ, không có vạch kẻ đường cho người đi bộ, càng không có một cây cầu vượt dành cho người qua đường...
 
3. Một buổi chiều nọ, một cô gái khoảng 20 tuổi quê ở mãi Hà Giang qua đường vào chăm bố đang điều trị căn bệnh ung thư gan. Chẳng quen với dòng xe cộ vun vút lao qua, cô gái lóng ngóng một bước lùi hai bước tiến.
 
Bất ngờ, chiếc ô tô 4 chỗ từ phía sau lao đến va quẹt vào lưng khiến cô gái ngã sõng soài. Cô bị gãy chân phải vào điều trị ngay tại Bệnh viện K, cách đó vài dãy nhà là bố cô đang phải vật lộn với bệnh tật.
 
Tình cảnh trớ trêu khiến người mẹ già lại phải bỏ ruộng nương, lặn lội xuống phố chăm 2 cha con...
 
 
4. Vào buổi sáng cách đây không lâu, người mẹ và cậu bé đang điều trị bệnh ung thư xương tại khoa Nhi sang bên kia đường để lấy cháo từ thiện. Nhà em nghèo nên mỗi lúc có tin phát cơm cháo từ thiện, em thường xuất hiện đầu tiên.
 
Sau khi có 2 phần cháo nóng hổi, 2 mẹ con dò dẫm trở về bệnh viện. Lúc qua đường, chiếc xe máy do 3 thanh niên phóng nhanh lướt vù qua. Người mẹ vội kéo con sát bên mình. Cậu bé hét toáng lên rồi ôm cứng vào người mẹ không chịu buông ra. Còn mẹ cậu thì bị xây xát nhiều vì ngã.
 
2 bát cháo đổ lênh láng ra mặt đường – bữa sáng của 2 mẹ con đã không còn. Bên kia đường vẫn còn phát cháo từ thiện, nhưng mẹ và cậu chẳng dám quay lại để xin...
 
Thưa Bộ trưởng, tất cả chỉ vì thiếu một cây cầu vượt dành cho người qua đường.
Phần lớn bệnh nhân và người nhà ở tỉnh lẻ nên 'kinh nghiệm' qua đường ở thủ đô rất hạn chế
Phần lớn bệnh nhân và người nhà ở tỉnh lẻ nên 'kinh nghiệm' qua đường ở thủ đô rất hạn chế
 
5. Thưa Bộ trưởng! Tôi vẫn biết ông bận rộn với trăm công nghìn việc, chẳng có thời gian nào để cuốc bộ qua một ngã tư nhộn nhịp. Nhưng, nếu lúc nào đó có dịp qua Bệnh viện K – Tân Triều, xin ông hãy xuống xe và đi bộ qua bên kia đường; lúc đó, ông sẽ hiểu thứ mà hàng ngàn bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang phải đối phó hàng ngày...
 
6. Tôi vẫn biết, để xây dựng một công trình giao thông (từ một cây cầu vượt cho người đi bộ đến hệ thống đường sắt trên cao) đều phải có lộ trình; phải nghiên cứu, khảo sát, đo đạc, đề xuất, trình duyệt...
 
Nhưng nếu có thể, xin ông cho được 'ứng' trước một chiếc cầu vượt cho người qua đường ở khu vực này. Chỉ đơn giản vì đó là lợi ích sát sườn của mỗi người dân, là cái hiển hiện hàng ngày mà nếu chưa giải quyết, có thể phải trả giá bằng máu, thậm chí là tính mạng. Nếu được vậy, người dân biết ơn ông nhiều lắm...
 
7. Chẳng biết rồi mai đây, các bệnh nhân còn có cơ hội được nhìn thấy chiếc cầu vượt dành cho người qua đường trước cổng bệnh viện K Tân Triều hay không? Tôi viết thư chỉ để chia sẻ với Bộ trưởng về một thực tế đang hiển hiện hàng ngày; để mong mỏi rằng có một điều gì đó làm ấm lòng những người đang rên xiết trong cơn đau bởi căn bệnh ung thư quái ác...
 
Rất mong Bộ trưởng cảm thông về sự đường đột này!
 
Kính thư!
 
Bình Nguyên

Nguồn: VietNamNet.vn

Các tin khác