Gia đình xã hội

Tâm nguyện nhỏ của ông chủ vườn cò bạc tỉ

14:45, 21/12/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Hơn nửa thế kỷ qua, ba thế hệ của gia đình anh Vũ Văn Ngân, ở xóm 10, xã Lý Thành, huyện Yên Thành đã chăm sóc, bảo vệ vườn cò của gia đình. Nhưng giờ đây, nạn “cò tặc” hoạt động mạnh với nhiều thủ đoạn tinh vi nên gia đình anh luôn lo lắng vườn cò có thể bị xóa sổ.

Thương cò như thương con

Cứ vào mỗi sáng sớm hay chập tối, người dân xã Lý Thành lại ngẩng đầu lên trời xem đàn cò trắng với hàng nghìn con bay rợp, tiếng kêu, tiếng vỗ cánh làm huyên náo cả một vùng quê. Theo quy luật, sáng sớm đàn cò bay đi khắp nơi để kiếm ăn, khoảng 5 giờ chiều lại kéo nhau về, bay lượn tìm chỗ đậu tại khu vườn của gia đình anh Vũ Văn Ngân.

Anh Ngân, chủ vườn cò hiện nay cho biết: “Tính đến thời điểm này, vườn cò đã tồn tại qua ba thế hệ. Theo lời kể của ông nội thì cò xuất hiện ở vườn từ năm 1950, lúc đầu trong vườn chỉ có khoảng hơn chục con, dần dần chúng kéo về nhiều hơn. Vào những mùa sinh sản, đàn cò lại bay về đây trú ngụ, làm tổ nhiều”.

1924 anhup.zip
Hàng nghìn con cò bay lượn cả bầu trời mỗi khi chiều về

Từ khi tiếp quản lại vườn cò, vợ chồng anh Ngân đã phải vất vả làm lụng, lấy tiền xây đập để giữ nước, trồng thêm cây cho cò sinh sản. Nhiều lúc túng thiếu anh muốn chặt cây bán để lấy tiền trả nợ nhưng lại không đành. Cách đây một năm, có người ở TP Vinh đến đặt vấn đề mua lại vườn cò với giá 2 tỉ đồng, nhưng anh đã từ chối. “Tiền bạc thì gia đình tôi rất cần. Nhưng đây là vườn cò cha ông để lại, giờ bán đi lỡ may họ chặt hết cây, tối về cò ngủ ở đâu?”, anh Ngân chia sẻ.

Để có được vườn cò đông đúc như ngày hôm nay, gia đình anh Ngân đã bỏ bao công sức giữ gìn và bảo vệ. Rạng sáng, cò đậu trắng phau như cây sứ trổ trắng bông, khi đi ăn chúng bay thật êm đềm, chiều về mỗi đàn bay về đúng hướng của mình.

Khi cò bay đi ăn, vợ chồng anh Ngân rảo khắp vườn xem có con nào chết, con nào bị thương xệ cánh, gãy chân, con non nào rớt ổ còn nằm lại thì đem vào nhà dưỡng thương, đi mua tép, bắt cá về đút cho chúng ăn. Có nhiều con bị thương nặng, anh phải chăm cả tháng trời rồi mới thả cho bay theo đàn. Từ khi tiếp nhận vườn cò của cha ông để lại, anh Ngân đã cứu sống hàng nghìn con bị như vậy.

Theo anh Ngân, mùa sinh sản của đàn cò vào khoảng tháng 4 đến tháng 6 âm lịch. Việc chăm sóc, bảo vệ đàn cò với mong muốn bảo tồn sinh thái và tăng thêm vẻ đẹp cho thiên nhiên, chứ gia đình anh cũng không có thu nhập gì từ vườn cò.

Tâm nguyện của ông chủ vườn cò

Trước thực trạng săn bắn, tận diệt chim trời đang diễn ra như hiện nay, vợ chồng anh Ngân lo lắng rồi một ngày nào đó, cò sợ tiếng súng mà bỏ gia đình anh chị bay đi vùng đất khác. “Mỗi lần nge tiếng súng xa, vợ chồng tôi lại bỏ hết công việc để trông coi vườn cò. Thấy có người đứng bên khe chĩa súng để bắn, tôi lại phải sang năn nỉ họ đừng bắn vì cò sợ. Nhiều người thì họ hiểu cho, còn một số khác, tôi đành phải nhắm mắt bắt cò trao đổi”, anh Ngân chia sẻ.

Giờ đây, không kể ngày hay đêm, vợ chồng anh Ngân phải thay nhau ở nhà làm việc vặt để trông coi vườn. Tiếng súng không chỉ làm cho con người rùng rợn mà cánh cò cũng xào xạc chẳng yên. Không chỉ có nạn săn bắn mà một số hộ gia đình xung quanh dùng đá, sào dài... để xua đuổi cò đi.

Chị Ánh, vợ anh Ngân cho biết: “Nhiều lúc thấy cò bị bắn thương, máu chảy đầm đìa mà nước mắt tôi cứ tuôn trào. Vào những đêm gió rét, thấy có tiếng động mạnh ngoài vườn là anh Ngân lại cầm đèn ra xem có ai săn, bắt trộm hay không. Những lúc như vậy, tôi cứ bảo thôi kệ, nhưng anh vẫn một mực đi ra xem để ngăn cản họ săn bắn”.

Mỗi khi xế chiều, khu vườn phủ kín màu trắng xóa của đàn cò đi kiếm ăn trở về. Cảnh tượng đó thật đẹp, thật tuyệt, nhưng rồi sẽ ra sao nếu một ngày cuộc sống không còn tiếng cò vạc? Đó là điều trăn trở của gia đình anh Ngân. Giờ đây, anh chỉ hy vọng làm sao khoanh vùng để bảo vệ đàn cò. Anh mong rằng, chính quyền cũng như người dân sẽ tâm huyết giữ gìn tự nhiên để khu vườn mãi mãi là chốn đi về của đàn cò.

Đặng Duyên

Các tin khác