Gia đình xã hội

Cảnh báo đột quỵ gia tăng do trời rét

16:16, 22/12/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Mùa lạnh, người có bệnh tim mạch, cao huyết áp chuyển biến xấu hơn, nguy cơ suy tim, đột quỵ, tai biến… tăng cao hơn 15% so các mùa khác. Người già khả năng miễn dịch và tính chịu đựng cơ thể kém nên rất dễ mắc.

Cần giữ ấm cơ thể

TS-BS Đồng Văn Thành, Phó trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai, cho biết do thời tiết chuyển lạnh, số bệnh nhân bị các bệnh lý về tim mạch, huyết áp, xương khớp, hô hấp đến khám ở mức cao hơn các tuần trước khoảng 10 - 15%. Thời tiết lạnh dẫn đến hiện tượng co mạch đột ngột khiến huyết áp tăng cao sẽ gây nên tai biến mạch máu não, đột quỵ. Cao huyết áp cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt ca tử vong do biến chứng tai biến mạch máu não, nhưng hầu hết bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng.

Nhiều người ở độ tuổi 30 - 40 đã bị cao huyết áp, thậm chí đã có trường hợp ở lứa tuổi này hoặc trẻ hơn bị tai biến mạch máu não gây liệt do huyết áp tăng cao. Vì vậy, cần giữ ấm cơ thể vào mùa đông, kiểm soát huyết áp chặt chẽ… Việc giữ gìn sức khỏe tim mạch cần được lưu ý từ khi còn trẻ, nên phòng tránh bằng cách ăn uống điều độ, cân nặng hợp lý, kiểm soát mỡ máu, không hút thuốc lá, không để thừa cân béo phì, duy trì thể thao, thể dục hàng ngày phù hợp.

Các bác sĩ cũng lưu ý mặc dù thể dục thể thao tốt cho tim mạch nhưng những ngày trở lạnh, người cao huyết áp, tim mạch cần giữ ấm, không để lạnh đột ngột gây co mạch khiến huyết áp có thể tăng đột ngột, gây nguy hiểm cho sức khỏe, tăng nguy cơ đột quỵ. Những người có thói quen tập thể dục vào buổi sáng nên chuyển việc tập thể dục sang buổi chiều vì khi đó nhiệt độ môi trường đã ấm áp hơn và cơ thể cũng đã có thích nghi trong ngày. Nếu thể dục buổi sáng nên tập nhẹ nhàng trong nhà và nguyên tắc cơ bản là luôn giữ ấm cơ thể, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột khi ra khỏi chăn ấm, khi đi vệ sinh lúc sáng sớm hay trong đêm, khi ra khỏi nhà.

Bên cạnh đó, khi trời lạnh, các cụ ông, cụ bà thường ít vận động, dẫn tới tăng cân. Tăng cân cũng là yếu tố làm huyết áp tăng và tăng nguy cơ bị đột quỵ. Tăng huyết áp được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”, bởi người bị huyết áp cao có thể không thấy bất cứ dấu hiệu cảnh báo gì, từ đó dẫn tới tâm lý chủ quan. Khi không được điều trị thường xuyên và theo dõi hằng ngày, tình trạng tăng huyết áp có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim và suy thận. Nhiều bệnh nhân bị cao huyết áp nhưng không uống thuốc đều đặn. Một số người uống thuốc một thời gian thấy huyết áp trở lại bình thường thì tự ý ngưng thuốc bởi hai lý do. Một là những người này nghĩ mình đã khỏi bệnh, hai là sợ huyết áp đã bình thường, uống thêm thuốc làm huyết áp tụt. Vì vậy những bệnh nhân cao huyết áp không được bỏ thuốc và cần hiểu mình phải sử dụng loại thuốc này suốt đời.

Cách nhận biết triệu chứng đột quỵ

Đa số bệnh nhân đột quỵ khi chuyển tới bệnh viện đều trong tình trạng muộn màng, hậu quả là họ phải sống tàn phế suốt đời hoặc tử vong. Để kịp thời giúp người thân được cứu sống và có cơ hội phục hồi khi bị đột quỵ, thân nhân cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện trong ba giờ đồng hồ kể từ khi xuất hiện các triệu chứng sau: Bệnh nhân đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân, bỗng dưng không nói được, hoặc nói nhảm, mất thị lực (đặc biệt chỉ xuất hiện triệu chứng ở một bên mắt), đau đầu dữ dội, chóng mặt, cơ thể mất thăng bằng, không thể vận động theo ý muốn.

Với những người đã từng bị đột quỵ, được điều trị hồi phục, cần lưu ý đến khả năng tái phát. Tỷ lệ đột quỵ tái phát trong 5 năm đầu tiên là 25%. Để giảm thiểu nguy cơ tái phát đột quỵ, những bệnh nhân này cần uống thuốc đúng theo đơn của bác sĩ và tái khám đều đặn.

Nguồn: Anninhthudo.cn

Các tin khác