Gia đình xã hội
Sai phạm của chính quyền sao lại bắt dân gánh hậu quả? (Kỳ2)
Kỳ 2: Chính quyền làm sai, dân lãnh đủ
08:52, 23/12/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Đó là câu chuyện có thật diễn ra tại xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc. Năm 2008, UBND xã Nghi Tiến ký hợp đồng thầu khoán ao hồ có thời hạn 10 năm để các hộ dân nuôi trồng thủy sản. Khi các hộ dân đầu tư hàng chục triệu đồng đắp bờ, làm cống thoát nước, đi vào sản xuất, nuôi trồng được 3 năm thì xã mời lên thanh lý hợp đồng với lời hứa hẹn sẽ đền bù, hỗ trợ 400 đồng/m2 mặt nước. Tuy nhiên, ký nhận diện tích đã 3 năm nhưng đến nay, các hộ dân vẫn “dài cổ” chờ tiền đền bù.
Dự án đường D4 do BQL Khu kinh tế Đông Nam làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2010, đi qua địa bàn xã Nghi Tiến gần 4 km. Đến thời điểm này, công tác đền bù, GPMB tại xã Nghi Tiến đã được tiến hành 7 đợt. Tuy nhiên, các con số thống kê về tổng diện tích thu hồi, số tiền đền bù, ông Hoàng Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã và ông Trần Văn Trí, cán bộ địa chính xã Nghi Tiến đều không nắm rõ.
Ao đầm đã biến thành đường nhưng các gia đình không được nhận tiền đền bù |
Thế nhưng, ông Đức lại khẳng định chắc nịch, số diện tích nuôi trồng thủy sản (trừ 5 hộ dân là cán bộ, nguyên là cán bộ xã) được giao cho 7 hộ dân thầu khoán từ năm 2005, đáo hạn vào năm 2010. Lúc đáo hạn cũng là thời điểm UBND xã Nghi Tiến tiến hành thanh lý hợp đồng để bàn giao cho đơn vị thi công tuyến đường D4. Ông Đức cho rằng, vì các hộ dân trên yêu cầu số tiền đền bù, GPMB quá cao nên UBND xã Nghi Tiến đành để đáo hạn hợp đồng rồi mới thu hồi, bàn giao diện tích cho đơn vị thi công(?).
Theo hồ sơ P.V thu thập được, hợp đồng của UBND xã Nghi Tiến và các hộ dân nói trên đều được thực hiện vào tháng 7/2008, thời hạn 10 năm, đáo hạn vào tháng 7/2018. Tuy nhiên, đến ngày 27/6/2011, tức là chưa đầy 3 năm sau ngày ký hợp đồng kinh tế, UBND xã Nghi Tiến ra thông báo yêu cầu các hộ dân lên UBND xã để thanh lý hợp đồng. Về vấn đề này, ông Đức và cán bộ địa chính xã Nghi Tiến tự nhận mình đã... nhầm lẫn về thời gian đáo hạn hợp đồng và lại tiếp tục cho rằng, các hộ dân tự nguyện thanh lý hợp đồng để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Tuy nhiên, khi P.V dẫn lời khẳng định việc UBND xã Nghi Tiến hứa hẹn đền bù, hỗ trợ để các hộ dân chấp nhận thanh lý hợp đồng trước thời hạn thì ông Đức phủ nhận: “Ai hứa tôi không biết, nhưng các hộ dân đã thanh lý hợp đồng thì đất thuộc quyền quản lý của UBND xã, tiền đền bù diện tích mặt nước ao hồ đương nhiên do UBND xã nhận, nộp vào kho bạc”.
Để biện minh cho việc “ép” dân thanh lý hợp đồng trước thời hạn mà không chịu đền bù, hỗ trợ, ông Đức và cán bộ địa chính xã Nghi Tiến lại viện ra một cớ khác. Theo ông Đức, ngày 23/11/2009, UBND huyện Nghi Lộc đã ra Công văn số 904/UBND-TTg, đề nghị UBND xã Nghi Tiến phải thực hiện ký lại hợp đồng đất công ích 5% đối với các hộ dân đã được hợp đồng với thời hạn 10 năm. Thực hiện Công văn chỉ đạo này, ngày 15/12/2009, ông Lưu Quang Thượng, Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến đã ký Quyết định số 123/QĐ-UBND về việc hủy bỏ hợp đồng nuôi trồng thủy sản sai thời gian quy định.
Theo đó, nội dung quyết định này không đề cập đến việc đền bù thiệt hại do việc hủy bỏ hợp đồng gây ra. Và không hiểu vì lẽ gì, hợp đồng thời hạn 5 năm tiếp theo lại không được UBND xã Nghi Tiến tái ký để đảm bảo quyền lợi cho người dân. Hợp đồng sửa đổi theo lời khẳng định của ông Đức là có nhưng ông lại... chưa tìm thấy.
Bản thân các hộ dân nhận thầu khoán xác nhận, họ không nhận được Quyết định số 123/QĐ-UBND của UBND xã Nghi Tiến nên vẫn tiếp tục nuôi trồng, sản xuất trên diện tích được giao khoán đến ngày bị “ép” thanh lý hợp đồng(?). Theo các hộ dân này, nếu không có những lời hứa đường mật của cán bộ xã thì họ sẽ không dễ gì chấp nhận để UBND xã Nghi Tiến thanh lý hợp đồng khi đã bỏ ra cả một đống tiền cải tạo ao đầm phục vụ kế hoạch nuôi trồng, sản xuất lâu dài.
Ông Đức tiếp tục vòng vo, biện minh: “Xã đã giải quyết sự việc rất có lý, có tình. Biết việc ký hợp đồng thuê đất thời hạn 10 năm là vượt quá thẩm quyền của cấp xã, nhưng vì muốn tạo điều kiện cho người dân yên tâm sản xuất, nuôi trồng lâu dài nên xã vẫn làm. Thanh lý hợp đồng trước thời hạn, dân không được đền bù, UBND xã cũng không được nhận số tiền đền bù, hỗ trợ sản phẩm trên mặt nước nhưng lại lợi cho tỉnh, cho dự án...(?)”.
Tuy nhiên, các hộ dân lại cho rằng, nếu việc hợp đồng thầu khoán 10 năm vượt quá thẩm quyền của UBND xã thì tại sao, khi nhận được công văn chỉ đạo của UBND huyện Nghi Lộc, UBND xã Nghi Tiến không thông báo cho dân biết và ký lại hợp đồng với thời hạn 5 năm. Bên cạnh đó, 5 hộ dân là cán bộ, nguyên cán bộ xã được giao đất nuôi trồng thủy sản với thời hạn 20 năm vì sao lại không bị coi là vượt quá thẩm quyền? Việc các hộ dân này được cấp GCNQSDĐ với thời hạn 20 - 50 năm liệu đã công bằng và minh bạch?
Với việc “thu hồi” một loạt diện tích đất 5%, hiện nay UBND xã Nghi Tiến đã có trong ngân sách hàng tỉ đồng tiền đền bù, hỗ trợ GPMB. Người dân Nghi Tiến lo ngại, với cách quản lý tài chính thiếu minh bạch, số tiền trên không chóng thì chầy sẽ bị quan chức địa phương này “xân xiu”, sử dụng vào những mục đích không vì lợi ích chung của người dân(?).
Rõ ràng, việc đền bù, GPMB tuyến đường D4 đoạn đi qua xã Nghi Tiến đang có những dấu hiệu khuất tất. Một số hộ dân cho rằng, số diện tích đất công ích 5% nói trên thực chất là đất nằm ngoài sổ sách, được UBND xã cho các hộ dân thuê, lấy tiền tư túi. Khi dự án đi qua, UBND xã đứng đầu là ông Lưu Quang Thượng đã dùng trăm phương, nghìn kế “đoạt lại” nhằm nhận hết tiền đền bù, hỗ trợ GPMB về mình(?). Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc, tìm hiểu, làm rõ sự việc, tránh gây thiệt thòi cho người dân vùng biển Nghi Tiến.
Võ Văn Dũng