Gia đình xã hội
Sớm hoàn thành việc di dời các hộ dân ra khỏi vùng sạt lở
09:11, 10/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trước tình trạng sạt lở đất liên tục xảy ra ở núi Pu Căm, bản Xốp Mạt, xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, từ năm 2012, Chính phủ, UBND tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương đã kịp thời chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư ở Na Sám Hở (xã Lượng Minh) để di dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đồng thời, dự án cũng hỗ trợ một phần kinh phí giúp người dân tháo dỡ, vận chuyển đến nơi ở mới, ổn định cuộc sống. Vậy nhưng, đã 2 năm trôi qua, việc di dân đến nơi ở mới vẫn còn nhiều dang dở.
Theo số liệu thống kê của các ngành chức năng huyện Tương Dương, năm 2012, bản Xốp Mạt có 38 hộ dân nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm, cần phải di chuyển gấp đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn tính mạng cho người, tài sản và ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, cho đến nay, tức là hơn 2 năm sau khi triển khai kế hoạch di dời, mới chỉ có 14 hộ gia đình đã chuyển đến nơi ở mới, số còn lại, người dân vẫn đang bám trụ lại nơi ở cũ trong nỗi thấp thỏm, lo âu trước nguy cơ sạt lở.
Ban đầu, theo kế hoạch, dự án sẽ di chuyển 38 hộ dân vùng sạt lở bản Xốp Mạt đến khu tái định cư ở điểm Piêng Có Phương (bản Na Sám Hở, xã Lượng Minh). Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng khu tái định cư ở Piêng Có Phương lại xuất hiện một số điểm sạt lở tương tự như ở Xốp Mạt nên dự án phải tìm kiếm một địa điểm mới ở đồi K1 (Bản Lạ). Song, việc xây dựng điểm tái định cư tại Bản Lạ đến nay vẫn đang còn nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.
Ngôi nhà ở điểm tái định cư mới đang bị xói lở |
Qua tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân khiến công tác di dời dân ở vùng sạt lở đến nơi ở mới gặp khó khăn là vì, khu tái định cư mới chưa hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng, công trình nước sạch, đất sản xuất... Ngoài ra, các hộ gia đình phản ánh, số tiền dự án hỗ trợ di chuyển mỗi ngôi nhà sàn kê là 25 triệu đồng, nhà nền đất hỗ trợ 23 triệu đồng và nhà chôn cọc 22 triệu đồng là không đủ cho việc vận chuyển nhà, các vật dụng phục vụ sinh hoạt đến nơi ở mới. Mặt khác, tại điểm Piêng Có Phương thuộc bản Na Sám Hở cũng đang bị sạt lở nguy hiểm không kém ở Xốp Mạt, vì thế, không ai muốn chuyển từ điểm sạt lở cũ đến điểm sạt lở mới. Về vấn đề này, ông Lô Thanh Bình, chuyên viên Phòng Công thương huyện Tương Dương thừa nhận: “Khi đang thi công ở Piêng Có Phương thì gặp mạch nước ngầm lớn nên bị sạt lở, đành phải tìm nơi khác”.
Những hộ dân đã di chuyển đến khu tái định mới cho biết, trước kia, khi còn sinh sống ở nơi cũ, bà con phát nương làm rẫy, không thiếu đất canh tác, nhà ít cũng có vài hecta đất để sản xuất. Nhưng từ khi chuyển về nơi ở mới, quỹ đất sản xuất không có, lại xa nương rẫy ở bản cũ nên cuộc sống người dân càng khó khăn hơn…
Trưởng bản Lương Văn Thiện cho biết: “Hiện tại, cả bản có 44 hộ gia đình (tính cả những hộ mới tách - P.V), trong đó, 38 hộ được hỗ trợ tiền di dời đến nơi ở mới, còn 6 hộ phát sinh mới tách thì không được hỗ trợ. Thêm vào đó, do nơi ở mới (đồi K1, Bản Lạ) chưa có điện, nước, thiếu đất sản xuất và xa nương rẫy nơi ở cũ nên bà con không chịu ra. Năm 2013 được hỗ trợ mỗi khẩu 15 kg gạo nhưng năm 2014 thì chưa thấy hỗ trợ gì cả”.
Những ngôi nhà dưới núi Pu Căm, bản Xốp Mạt cần phải di dời sớm |
Hiện tại, cuộc sống của người dân ở khu tái định cư mới thuộc đồi K1, Bản Lạ đang gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ bề do thiếu nước, thiều đất sản xuất. Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Xốp Mạt là điểm có nguy cơ sạt lở cao nên huyện đã huy động toàn hệ thống chính trị vào cuộc, kiên quyết di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nhưng do điểm tái định cư mới cũng sạt lở, nên huyện chỉ đạo ban quản lý dự án tìm địa điểm mới bên cạnh điểm tái định cư bị sạt lở. Mỗi hộ dân di chuyển được hỗ trợ 20 triệu đồng, ngoài ra các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm. Với số tiền này không đủ để người dân trang trải cuộc sống cho nơi ở mới, nhưng đó là quy định”.
Việc di chuyển gấp dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất là cần thiết, phòng tránh các rủi ro về người và tài sản. Tuy nhiên, lựa chọn điểm tái định cư tuyệt đối an toàn và hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo tư liệu sản xuất đầy đủ để người dân tái định cư ổn định cuộc sống, lao động sản xuất cũng không kém phần quan trọng.
PV