Gia đình xã hội

Những hình ảnh chưa đẹp

10:14, 09/11/2014 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, TP Vinh đã và đang có những bước tiến vững chắc trong quá trình xây dựng, phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, mang một diện mạo tươi mới hơn. Tuy nhiên, để xây dựng TP Vinh trở thành đô thị văn minh, hiện đại, xanh - sạch - đẹp thì vẫn còn nhiều vấn đề cần sớm được giải quyết dứt điểm nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị.
 
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi tiếp tục phản ánh một số thực trạng đã xuất hiện từ lâu nhưng vẫn tồn tại dai dẳng, khiến người dân và du khách đến TP Vinh cảm thấy khó chịu và điều này đã phần nào làm mất hình ảnh của một đô thị đang trên đà phát triển. 
Sau các đợt ra quân xử lý thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tiếp tục tái diễn
Sau các đợt ra quân xử lý thì tình trạng lấn chiếm vỉa hè vẫn tiếp tục tái diễn
1. Trước tiên là vấn nạn quảng cáo, rao vặt tràn lan khắp nơi. Có thể nói, hầu như tất cả mọi ngõ ngách của TP Vinh đều xuất hiện những biển, bảng quảng cáo vô tội vạ trên bờ tường, gốc cây, cột điện… với đầy đủ các thông tin không mấy đẹp mắt như: Khoan cắt bê tông, hút hầm vệ sinh… Theo quan sát của chúng tôi, những thông tin quảng cáo, rao vặt thường được in trên một tờ giấy hoặc in trực tiếp bằng sơn, dán lên bất cứ chỗ nào có thể. Những hình ảnh nhếch nhác ấy đã khiến cho tất cả người dân đều khó chịu. 
 
 Theo tìm hiểu của phóng viên, những người được thuê “rải” thông tin quảng cáo, rao vặt đa phần là học sinh, sinh viên và họ thường đi làm vào ban đêm. Vì vậy, khi bị các cơ quan chức năng mật phục, bắt giữ cũng rất khó xử lý, có chăng chỉ xử phạt hành chính rồi thả họ ra. Mặt khác, đối với các đơn vị quản lý viễn thông, quản lý các thuê bao (số điện thoại) in lên thông tin quảng cáo thì lại không muốn đụng tới khách hàng.
 
Vậy nên, cho đến nay, dù nạn quảng cáo, rao vặt diễn ra khắp nơi trong TP Vinh nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Mặc dù hàng năm, các khối xóm, tổ chức, đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ… ra quân tổng dọn vệ sinh, loại bỏ biển, bảng quảng cáo rao vặt trái phép. Thế nhưng, tất cả chỉ như “muối bỏ biển”, nay xóa bỏ thì mai lại mọc lên như nấm sau mưa…
 
2. Bên cạnh đó, nạn ăn xin và bán hàng rong cũng len lỏi khắp các ngõ ngách, nhà hàng, quán sá... Đối tượng ăn xin là những ông già, bà lão già yếu. Để tăng thêm sự “bi đát” số phận, những người phụ nữ hoặc đàn ông đi ăn xin thường bồng bế thêm trẻ tàn tật… Họ lân la khắp nơi, mọi chốn, chìa tay xin bố thí. Ngoài ra, còn có một hình thức chèo kéo khác, đó là nạn bán hàng rong gồm: Bút, kẹo, tăm tre… Đối tượng bán hàng này thường là những đứa trẻ, có khi chúng đóng giả “người câm” để khách hàng động lòng trắc ẩn mà mua hàng. 
 
3. Tình trạng tái lấn chiếm lề đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán... cũng chưa có biện pháp giải quyết triệt để. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè còn khiến việc đi lại của người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các hàng, quán còn xả rác bừa bãi, ảnh hưởng tới môi trường và mỹ quan thành phố.
 
Có một thực tế, sau mỗi đợt các cơ quan chức năng ra quân rầm rộ, tháo dỡ, tịch thu, xử phạt những hộ lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì y như rằng, TP Vinh sạch đẹp, thông thoáng hơn. Và giá như, vẻ sạch đẹp, thông thoáng ấy được duy trì thường xuyên. Vậy nhưng, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lề đường chỉ tạm lắng khi các cơ quan chức năng làm căng trong đợt ra quân, còn sau đó, mọi việc đâu lại vào đó, chẳng khác nào “ném đá ao bèo”. 
 
Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đình Thông, Phó Chánh Thanh tra đô thị Vinh cho biết: Hàng năm, thành phố đều có kế hoạch mở những đợt ra quân giải toả nạn lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. Sau khi giải tỏa, lực lượng liên ngành bàn giao lại cho các phường, xã quản lý nhưng nhìn chung, các địa phương không giữ được địa bàn sạch. Do lực lượng quản lý đô thị tại các phường, xã còn mỏng, bên cạnh đó, một số phường, xã chưa quyết liệt.
 
Mặt khác, do cuộc sống mưu sinh, nhiều hộ gia đình bám vỉa hè để kinh doanh nên họ chấp nhận chịu phạt để sau đó lại kinh doanh tiếp. Vì vậy, để giải quyết dứt điểm tình trạng này, cần phải có quy hoạch buôn bán tập trung tại một điểm nhất định, nếu không thì không thể giải quyết nổi. Còn với nạn quảng cáo, rao vặt, vừa rồi, chúng tôi có bắt và xử lý một số trường hợp nhưng xem ra rất khó để giải quyết vấn nạn này!

Đ.T

Các tin khác