Gia đình xã hội
Ước mơ bình dị của cô gái mắc bệnh teo cơ
09:32, 06/11/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Cuộc sống không may mắn đã khiến Nghĩa mang trong mình căn bệnh teo cơ. Nhưng với nghị lực và sự quyết tâm không đầu hàng trước số phận, Nghĩa luôn ấp ủ hoài bão trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ.
Vượt hàng chục km, tôi tìm đến nhà của em Nguyễn Thị Nghĩa ở xóm 11, xã Nam Xuân, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Trong cái se lạnh của tiết trời tháng 10, Nghĩa đang vật vã với những cơn đau trên chiếc giường ọp ẹp được đặt ngay bên cạnh bàn thờ của cha.
Qua những lời tâm sự thấm đẫm nước mắt của mẹ Nghĩa, tôi được biết, Nghĩa sinh ra trong gia đình có 2 chị em gái, Nghĩa là con gái đầu. Lúc sinh ra, Nghĩa cũng là cô bé bình thường như bao đứa trẻ khác, nhưng số phận kém may mắn đã bắt Nghĩa mang trong mình căn bệnh teo cơ. Cha qua đời lúc chị em Nghĩa còn nhỏ. Đau lòng trước cái chết đột ngột của cha, Nghĩa khóc ngất trên đường đưa tiễn.
Chứng kiến cảnh Nghĩa nằm co ro trên chiếc giường ọp ẹp, chốc lát lại nhăn nhó vì những cơn đau mà lòng tôi không khỏi xót thương. Ngồi bên cạnh con, mẹ Nghĩa không giấu nổi những dòng nước mắt đang chảy dài trên đôi mắt gầy và sâu. Nhiều lúc nhìn lên mẹ mà Nghĩa cũng nức nở theo. Nghĩa chia sẻ: “Em lúc sinh ra cũng bình thường, nhưng vì trời không thương mà bắt em bị bệnh. Nhiều lúc nhìn mẹ lam lũ mà thương mẹ, thấy mình như gánh nặng”. Trước đây, Nghĩa cũng khỏe mạnh, là học sinh chăm ngoan, siêng năng trong học tập nên được thầy thương, bạn quý. Cô học trò ngày ấy luôn mang trong mình niềm mơ ước giản đơn là trở thành cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ. Vậy mà từ lúc mắc bệnh hiểm nghèo, Nghĩa suy sụp hẳn, cơ thể ngày một gầy yếu.
Em Nghĩa với cơ thể gầy yếu ngồi bên mẹ |
Học hết lớp 6, vì không thể tiếp tục đến trường được nữa nên Nghĩa xin mẹ nghỉ học về giúp gia đình. Nhưng vì sức khỏe không đảm bảo nên Nghĩa chỉ có thể làm những việc nhẹ trong nhà. Rồi một lần không may, Nghĩa sơ ý làm đổ phích nước nóng vào người khiến em bị bỏng nặng. Mẹ Nghĩa vừa lau nước mắt vừa nói thêm: “Cha mất sớm khi chị em nó còn nhỏ tuổi. Nó đã bệnh nay lại thêm bị bỏng khiến sức khỏe yếu đi nhiều, nhất là lúc trái gió trở trời. Thương con nhưng tôi cũng không làm được gì, vì nhà nghèo mà tôi thì không đủ sức!”. Cũng từ ngày đó, cuộc sống của Nghĩa phải gắn liền với chiếc giường, ngay cả sinh hoạt cá nhân cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ.
Mặc dù bị tật nguyền nhưng em không bao giờ từ bỏ ước mơ trở thành cô giáo. Hàng ngày, em vẫn luôn chịu khó tìm tòi, học hỏi từ các cô, dì hàng xóm những việc đơn giản, phù hợp với hoàn cảnh của mình. Hơn thế nữa, Nghĩa cũng dần trở thành “cô giáo” đối với những đứa trẻ trong làng. Những lúc rảnh rỗi, Nghĩa cần mẫn học thêu thùa, khâu vá quần áo cũ, tối về lại kèm cặp mấy đứa trẻ trong làng học chữ, bởi Nghĩa hiểu được sự thiệt thòi khi thiếu cái chữ như thế nào. Nhờ sự khéo léo trong đường kim mũi chỉ mà người dân trong làng đã mang quần áo đến nhờ Nghĩa khâu vá.
Có lẽ niềm khao khát được trở thành người có ích đã không bao giờ tắt trong tiềm thức của Nghĩa. Vì vậy, Nghĩa đã xin mẹ mua một chiếc máy khâu để may vá, vừa vận động cơ thể để có thêm sức khỏe, vừa tạo việc làm, lại có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh gia đình kho khăn, thu nhập chủ yếu của gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng nên đến nay, mẹ Nghĩa vẫn chưa thể thực hiện mong muốn đó của con.
Chia tay gia đình Nghĩa, tôi chỉ biết thầm nguyện cầu cho em luôn có sức khỏe để chống chọi với bệnh tật và hơn thế nữa, để em có thể bước tiếp tới ước mơ bình dị, trở thành cô giáo dạy chữ như em hằng mong muốn. Hy vọng một ngày không xa, khi tôi có cơ hội trở lại thăm Nghĩa, mong rằng em đã có chiếc máy khâu để thực hiện được ước muốn của mình, trở thành người có ích cho xã hội.
Phạm Đông