Gia đình xã hội
Nghịch cảnh về 3 điều 'nhất'
08:12, 04/11/2014 (GMT+7)
Danh hiệu “quán quân” trong khu vực Đông Nam Á về uống bia dẫn đến 60% số vụ tai nạn giao thông do rượu bia và “chót bảng” về năng suất lao động chắc chẳng ai trong mỗi người Việt Nam muốn thừa nhận. Tuy nhiên, nó đang là một “nghịch cảnh” không thể chối cãi. Càng ngẫm càng thấy buồn!
Trong những ngày qua, tại diễn đàn Quốc hội, đại biểu Nguyễn Bắc Việt (tỉnh Ninh Thuận), đã một lần nữa nhắc lại “nghịch cảnh” 3 điều nhất mà một số tổ chức quốc tế đánh giá về Việt Nam để lại cho chúng ta nhiều suy ngẫm. Những cái “được” họ xếp hạng “cao” cho Việt Nam là tai nạn giao thông, uống rượu bia nhiều, trong khi cái bị họ xếp hạng thấp là năng suất lao động.
Điều đáng “đau lòng” là trong khi người Việt Nam tự hào vì luôn nằm trong “top” đầu về xuất khẩu gạo trên thế giới với khoảng 6,61 triệu tấn gạo/năm, trị giá 2,95 tỉ USD thì cả nước lại “nướng” vào bia đúng con số 3 tỉ USD trong năm 2013, trở thành “quán quân” uống bia ở khu vực ASEAN và thứ 3 châu Á, chỉ sau Trung Quốc và Nhật Bản. Như vậy, chỉ sau một thập niên, tốc độ tiêu thụ bia của người Việt tăng gần 200%. Trước thực tế “đau lòng” này, tổng giám đốc một công ty xuất khẩu nông sản ở Thành phố Hồ Chí Minh phải “thốt” lên rằng. “Cày cuốc cả năm, bán mặt cho đất bán lưng cho trời thì hàng triệu nhà nông Việt cũng chỉ mang về bằng số tiền chúng ta đang “nốc” bia hằng năm”.
Năng suất lao động của người Việt được đánh giá ở vị trí chót bảng so với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương - Ảnh chỉ có tính chất minh họa |
Điều đáng buồn nữa là những con số không dừng ở lại ở đó, bởi theo dự báo của Bộ Công Thương, đến năm 2015, con số này sẽ tăng lên 4,5 tỉ lít bia. Thậm chí, các nhà đầu tư vào bia đang kỳ vọng con số này sẽ tăng lên 60 đến 70 lít bia/người/năm.
Hệ lụy từ rượu bia mang lại là những con số “giật mình”. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, 60% số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu, bia. Viện Chiến lược và Chính sách y tế cho biết, 4,4% người dân Việt Nam phải gánh chịu bệnh tật do hậu quả của rượu bia.
Trong khi tốc độ tiêu thụ bia tăng “phi mã” theo mỗi năm và làm cho tai nạn giao thông luôn ở mức cao thì năng suất lao động của người Việt Nam theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN - 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và ở vị trí "chót bảng" so với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Cụ thể, năng suất lao động người Việt chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Năng suất lao động thấp là do nhiều nguyên nhân từ trình độ công nghệ của Việt Nam thấp, số lượng người lao động được đào tạo còn ít, xuất phát điểm của nước ta với các nước hoàn toàn khác nhau… Có một thực tế là các quốc gia dẫn đầu về năng suất lao động hiệu quả cũng không hề có tên tuổi trên bản đồ tiêu thụ bia rượu.
Nói về mối quan hệ của 3 điều “nhất” nêu trên, PGS.TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) cho rằng: Năng suất lao động không là ngoại lệ với rượu bia. Bởi khi uống vào, mắt mũi kèm nhèm rồi, còn tỉnh táo đâu để làm việc nữa. Thứ nữa, việc uống bia ngay trong giờ hành chính là ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc, thậm chí không làm được gì, nhất là uống vào giờ ăn trưa…, thậm chí nghỉ luôn cả buổi chiều để uống thì làm sao năng suất không thua người ta, không tụt lại phía sau được.
Về góc độ kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, nhận xét, nếu lượng tiền dùng cho bia, rượu được đầu tư cho phát triển kinh tế chắc chắn sẽ tạo ra được giá trị gia tăng tốt hơn. Việc tiêu thụ rượu, bia quá lớn phá hủy lợi ích kinh tế khi nó trở thành “tệ nạn xã hội”. Theo đó, năng suất lao động khó nói đến hai chữ hiệu quả.
Các tài liệu thống kê gần đây của Tổ chức Y tế thế giới chỉ ra rằng một phần ba tổng số các tai nạn chết người xảy ra trong lúc say rượu bia. Theo bất cứ báo cáo nào về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông của các địa phương trong nhiều năm qua đều có nêu ra, một trong những nguyên nhân gây tai nạn giao thông hàng đầu là do người điều khiển phương tiện khi đã có nồng độ cồn trong máu vượt quá mức cho phép.
Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) Vũ Thị Minh Hạnh nêu rõ, thực trạng tăng chi tiêu vào sản phẩm bia là tình trạng đáng báo động, ảnh hưởng đến phát triển bền vững của đất nước. Tháng 7 vừa qua, một thống kê của Bộ Y tế đưa ra cho thấy tỷ lệ nam giới tử vong do tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia là hơn 36%.
Dù chưa có kết luận chính thức nào về mối liên hệ “mật thiết” giữa rượu bia, tai nạn giao thông và năng suất lao động nhưng những nghịch lý "quán quân" về uống bia, "đội sổ" về năng suất lao động và tai nạn giao thông luôn ở mức cao đang đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm và cần có hành động để giải quyết.
Thiết nghĩ, trước mắt, phải đánh thuế thật cao đối với giá bia, rượu vì Việt Nam đang đứng đầu “top” 5 nước có giá bia rẻ nhất thế giới (Việt Nam, Campuchia, Ukraine, Philippines và Ethiopia). Thứ nữa là phải phạt thật nặng đối với những người uống rượu bia vẫn tham gia giao thông và về lâu dài phải đưa lao động Việt Nam vào “khuôn khổ” với cơ chế quản lý phù hợp, nghiêm minh. Chính phủ cần có các nghiên cứu về năng suất lao động một cách nghiêm túc, xem yếu ở khâu nào, “mổ xẻ” kỹ để đưa ra các nghị quyết phù hợp nâng cao năng suất lao động…
Rõ ràng, 3 “nghịch cảnh” trên do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan cần phải phân tích kỹ để “bốc thuốc” chữa bệnh nhưng lại là “trái đắng”, là vấn nạn lớn cản trở con đường tiến lên của đất nước. Do đó, cả hệ thống chính trị và mỗi người dân cần có ngay những hành động cụ thể, phù hợp để thoát khỏi “nghịch cảnh” đau lòng này.
Nguồn: dangcongsan.vn