Gia đình xã hội
Hy vọng sống cho những người mắc lao siêu kháng thuốc
08:34, 31/10/2014 (GMT+7)
Thuốc mới điều trị bệnh lao mới sẽ đem lại hy vọng sống cho khoảng 5,6% bệnh nhân (tương đương 300 người) mắc lao siêu kháng thuốc ở nước ta hiện nay.
PGS. TS Nguyễn Viết Nhung. |
Từ ngày 10-14/11 tới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phối hợp với Bộ Y tế sẽ tổ chức hội thảo quốc tế tại Hà Nội về đường hướng sử dụng và phương pháp cảnh giác dược đối với thuốc chống lao mới. Hội nghị sẽ có sự tham gia của 8 nước trên thế giới có kế hoạch sử dụng thuốc này trong điều kiện của chương trình.
Để tìm hiểu rõ hơn về tính hiệu quả cũng như kế hoạch sử dụng thuốc mới điều trị bệnh lao, phóng viên Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao quốc gia Việt Nam.
Thưa PGS, thuốc mới điều trị bệnh lao sẽ được sử dụng ở nước ta có nguồn gốc từ đâu và hiệu quả của thuốc đã được minh chứng như thế nào?
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Cho tới thời điểm này, sau 60 năm sử dụng thuốc chống lao hiện hành, thế giới đã tìm ra thuốc chống lao mới. Đây là cơ hội mới cho cả thầy thuốc và người bệnh và đặc biệt cho cả cộng đồng, vì nó sẽ mang lại cơ hội sống cho những bệnh nhân mà hiện nay “hết thuốc chữa”. Và như thế, sẽ giảm đi nguồn lây chủng vi khuẩn lao nguy hiểm mà người ta gọi là lao siêu kháng thuốc.
Việt Nam là một nước được WHO đánh giá cao về hoạt động chống lao bài bản, có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ và Bộ Y tế, do đó sẽ được hỗ trợ mạnh mẽ cả về kỹ thuật và kinh phí để sử dụng thuốc chống lao mới. Thuốc mới đầu tiên được Cục Quản lý dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ phê duyệt và WHO hướng dẫn là Bedaquiline, được sản xuất tại Mỹ. Thuốc thứ 2 sắp tới sẽ là Delamanid có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Bên cạnh đó còn có 7 nước khác sẽ đến dự hội thảo quốc tế trong khoảng 10 ngày tới tại Hà Nội đã có kế hoạch sử dụng các thuốc chống lao mới này.
Quy trình phát minh, sản xuất một thuốc mới rất nghiêm ngặt. Và để trở thành thuốc được sử dụng thường sẽ mất rất nhiều thời gian, do vậy, WHO có sáng kiến xây dựng chính sách sử dụng thuốc chống lao mới sao cho an toàn và hợp lý nhất.
Nếu không có chương trình này thì không biết phải đợi đến bao giờ chúng ta mới được dùng thuốc mới cho người bệnh, vì theo quy định, thuốc mới đó phải được sử dụng ít nhất 5 năm tại nước sản xuất thì mới được sử dụng ở nước ta. Như vậy, thời gian chờ đợi quá lâu, trong khi người bệnh “hết thuốc chữa” đang trong quá trình chết. Đây được xem là tia hy vọng sống duy nhất cho những trường hợp không còn khả năng điều trị hiện tại.
Vậy, những đối tượng nào sẽ được sử dụng thuốc mới này, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Trường hợp dùng thuốc mới sẽ áp dụng cho những bệnh nhân lao siêu kháng thuốc, tiền siêu kháng thuốc và những bệnh nhân đa kháng thuốc nhưng không dung nạp khi sử dụng các thuốc hiện có.
Ngoài ra, trường hợp lao đa kháng thuốc nhưng kháng với nhiều loại thuốc trong phác đồ hiện nay cũng có thể sẽ được lựa chọn sử dụng thuốc mới.
Những trường hợp này, nếu đợi tuân thủ theo quy định sử dụng thuốc mới như trên thì chắc chắn bệnh nhân sẽ tử vong, đặc biệt còn lây chủng lao siêu kháng thuốc rất nguy hiểm ra cộng đồng.
Kế hoạch sử dụng thuốc mới này ở nước ta sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Thuốc mới thường là rất đắt tiền, trong khi đó, bệnh nhân lao thường là người nghèo. Chương trình sử dụng thuốc mới sẽ áp dụng miễn phí cho 100 trường hợp tại 3 thành phố gồm Hà Nội, TPHCM và Cần Thơ, dự kiến vào đầu năm 2015. Đây là những địa phương có tỷ lệ người mắc lao kháng thuốc nhiều nhất, trong đó TPHCM chiếm 40% số bệnh nhân mắc lao đa kháng thuốc của cả nước.
Công tác chuẩn bị triển khai Chương trình này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?
PGS. TS. Nguyễn Viết Nhung: Việt Nam là một trong những nước sẽ sử dụng thuốc mới này một cách sớm hơn, do đó chúng ta phải chuẩn bị hết sức cẩn thận. Việc điều trị bằng loại thuốc này phải được kiểm soát chặt chẽ và tổ chức sẽ có hướng dẫn và hỗ trợ bằng chính sách, kỹ thuật cũng như phác đồ cụ thể cho chúng ta.
Cần phải nói rõ, đây không phải là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, mà là một chương trình thực hiện thí điểm với sự hỗ trợ tối đa. Cũng như năm 2009, chương trình đã áp dụng thí điểm phác đồ điều trị lao đa kháng thuốc cho 101 người bệnh tại BV Phạm Ngọc Thạch TPHCM và đến nay đã điều trị được cho gần 3.000 người bệnh lao đa kháng miễn phí hoàn toàn với tỷ lệ thành công trên 70%, cao nhất thế giới.
Lần này, Bộ trưởng Bộ Y tế đã thành lập Ban Chỉ đạo sử dụng thuốc chống lao mới do Thứ trưởng Nguyễn Thị Xuyên là Trưởng ban với mục đích đưa ra phương hướng sử dụng thuốc chống lao mới không quá muộn nhưng an toàn, hợp lý và có trách nhiệm.
Hy vọng, với cách tiếp cận như vậy, người mắc lao sẽ có cơ hội chữa khỏi hoàn toàn và Chiến lược Quốc gia phòng chống lao đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2014 vừa qua sẽ sớm thành công.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Chinhphu.vn