Gia đình xã hội
Hệ lụy từ việc ồ ạt xây dựng thủy điện vừa và nhỏ
14:15, 30/10/2014 (GMT+7)
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên có gần 150 dự án thủy điện đã và đang được triển khai xây dựng. Không thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các thủy điện trong chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, không ít dự án thủy điện đã để lại những hệ lụy khôn lường, đẩy hàng ngàn hộ dân tái định cư (TĐC) rơi vào cảnh “tái nghèo” do mất đất sản xuất.
Để có thể đánh giá đầy đủ sự tác động và hệ lụy mà các dự án thủy điện ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên gây ra, sáng 28/10, hơn 100 đại biểu đến từ các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế đã đến tham dự diễn đàn đối thoại “Thủy điện Miền Trung, Tây Nguyên - Quan tâm của người dân và trách nhiệm các bên liên quan” được tổ chức tại TP Huế. Lần đầu tiên tại diễn đàn này, các đại biểu đã trình bày 10 báo cáo nghiên cứu khoa học để đánh giá những tác động, hệ lụy của thủy điện đối với cộng đồng dân cư.
PGS.TS Lê Anh Tuấn, Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ cho biết, theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, sẽ đưa tổng công suất nguồn thủy điện hiện nay là 9.200MW lên 17.400MW (năm 2020). Theo đó, các dự án thủy điện có công suất lắp máy trên 30MW mới được xem là dự án thủy điện vừa và lớn, do cấp Bộ đầu tư và quản lý. Trước đó, trong chương trình kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa VIII diễn ra vào tháng 11/2013, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về “Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện”. Qua đó đã loại khỏi quy hoạch 424 dự án thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn cả nước.
TS Lê Anh Tuấn khẳng định: “Ngoài việc thiếu vốn xây dựng thì một trong những nguyên nhân dẫn đến các dự án thủy điện bị loại bỏ là do chủ đầu tư thực hiện quy trình khảo sát, thiết kế, đánh giá tác động môi trường, nhưng chỉ mang tính “hình thức” và qua loa. Trong khi quy trình vận hành hồ chứa, điều tiết nước chưa đúng quy định, dẫn đến tác động tiêu cực cuộc sống người dân”.
Do thủy điện A Lưới nên sông A Sáp qua địa bàn xã Hồng Thượng luôn trong tình trạng sạt lở nặng |
TS Lê Anh Tuấn đưa dẫn chứng cụ thể: Vào tháng 10/2013, thủy điện Sông Ba Hạ (tỉnh Phú Yên) đã xả lũ không hợp lý, gây lũ bất thường ngập nặng ở vùng hạ du. Trong khi đó, hơn 2 năm trở lại đây, thủy điện Đăk My 4 và Sông Tranh 2 (Quảng Nam) lại gây khô hạn vùng hạ du và liên tục tạo nên những cơn động đất... làm người dân địa phương sống trong cảnh hoang mang, lo sợ. Đó là chưa kể đến chuyện thân đập một số thủy điện rạn nứt, rò rỉ do thi công không đảm bảo chất lượng...
Một trong những hệ lụy khác mà nhiều dự án thủy điện để lại nhưng đến nay vẫn chưa thể khắc phục được là tình trạng hàng ngàn hộ dân ở các khu TĐC thủy điện thiếu đất sản xuất, bị chính quyền địa phương “nợ đất” hoặc TĐC nhưng “nơi ở mới... không tốt hơn hoặc bằng nơi cũ”. TS. Nguyễn Quý Hạnh, thuộc nhóm tư vấn đánh giá tác động môi trường và xã hội, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận định, trong các thủy điện đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thì thủy điện A Lưới để lại hệ lụy nặng nề nhất kể từ khi đưa vào vận hành tháng 6/2012. “Do phải bàn giao 1.892ha đất (chủ yếu là đất sản xuất) cho chủ dự án thủy điện A Lưới nên hiện trên 1.300 hộ dân là người đồng bào dân tộc thiểu số ở 7 xã thuộc huyện miền núi A Lưới rơi vào cảnh khốn khó do thiếu đất đai canh tác, sản xuất.
Qua những chuyến khảo sát thực tế thì chúng tôi nhận định rằng, hiện có gần 200 hộ dân ở khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới được di dời lên khu TĐC A Đên và A Sáp (ở xã Hồng Thượng) phải đối mặt với cuộc sống muôn vàn khó khăn bởi vùng quy hoạch TĐC chủ yếu là đất đá và sỏi. Bên cạnh đó là việc thiếu nước sạch sinh hoạt, thiếu diện tích đất trồng lúa nước... đã đẩy người dân rơi vào cảnh “tái nghèo” hoặc thiếu lương thực”, TS. Hạnh đề cập. Trước những bất cập và hệ lụy mà các dự án thủy điện đem lại nên mới đây, trong 21 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch với tổng công suất 357MW thì UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã loại bỏ, không đưa vào quy hoạch 6 dự án thủy điện thuộc dạng tiềm năng, công suất nhỏ, gồm: Dự án thủy điện Rào La (6MW); Ta Li (2MW); Vi Linh (2,8MW) và Ô Lâu 1,2,3...
Để người dân vùng hạ du và hàng ngàn hộ dân TĐC từ các dự án thủy điện ở miền Trung - Tây Nguyên an tâm, có được cuộc sống định canh, định cư sau khi di dời, TS. Lê Anh Tuấn mong muốn lãnh đạo các địa phương nên đặt lợi ích cộng đồng lên trên khi ra quyết định phê duyệt dự án thủy điện. Bên cạnh đó, các chủ dự án thủy điện cần thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường, tạo mọi điều kiện hỗ trợ sản xuất cho người dân TĐC và đảm bảo sự an toàn vào mùa lụt bão. Đồng thời cần tổ chức khắc phục những hệ lụy đã gây ra trong quá trình xây dựng, vận hành thủy điện.
Nguồn: cand.com.vn