Gia đình xã hội
Cần lên án bạo lực tình dục trong gia đình
14:11, 30/10/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Gia đình là tổ ấm, là nơi thỏa mãn nhu cầu tình cảm và vật chất của các thành viên, bảo vệ họ trước những căng thẳng của cuộc sống. Thế nhưng, không phải mọi gia đình đều hạnh phúc, mà cũng có lúc quan hệ giữa vợ - chồng bất đồng quan điểm, to tiếng… Trong đó, bạo lực gia đình đang là vấn đề mang tính toàn cầu nói chung và Nghệ An nói riêng.
Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình. Bạo lực gia đình được chia thành bốn hình thức, gồm: Bạo lực thể xác, bạo lực tinh thần, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế (theo Luật Phòng chống Bạo lực gia đình, NXB Tư Pháp, 2007). Trong khuôn hạn, người viết xin tìm hiểu thực trạng của bạo lực tình dục ở Nghệ An hiện nay và chia sẻ nguyên nhân cũng như giải pháp của những người liên quan trong vấn đề bạo lực tình dục.
Bạo lực tình dục trong gia đình đang là vấn nạn cần lên án hiện nay - Tranh minh họa |
Bạo lực tình dục là cưỡng ép, ép buộc phụ nữ (đàn ông) phải làm những việc liên quan đến tình dục trái với mong muốn của họ; cưỡng bức, giam cầm và xem phụ nữ như là một đối tượng tình dục; hoặc ép phải quan hệ tình dục khi đã bị đánh đập, cố tình gây đau đớn hoặc tổn hại cho họ trong quan hệ tình dục (Theo Báo GĐ&XH, số 160, năm 2005).
Trong đời sống vợ chồng hôn nhân được hiểu như là sự cho phép người đàn ông có quyền tiếp cận ân ái với vợ vô điều kiện. Không ít phụ nữ khi không đồng ý ân ái với chồng đã bị chồng chì chiết, chửi mắng thậm tệ, thậm chí bị trói, đánh đập. Bị bạo hành về tình dục đã khiến người phụ nữ có cảm giác như mình chỉ là công cụ giải quyết sinh lý của chồng nên cảm thấy sợ mỗi lần gần gũi với chồng. Trong quan hệ “vợ chồng” lẽ ra, người phụ nữ cũng có quyền được trân trọng thì trái lại, họ lại bị tước đi quyền được làm vợ, nghĩa là quyền được nâng niu, chiều chuộng và yêu thương.
Theo số liệu của Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa gia đình, Sở VHTT&DL Nghệ An, năm 2012, toàn tỉnh xảy ra 1.273 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tình dục là 73 vụ (TP Vinh 15 vụ, TX Cửa Lò 14 vụ, huyện Hưng Nguyên 17 vụ, Kỳ Sơn 18 vụ…). 6 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh có 973 vụ bạo lực gia đình, trong đó có 26 vụ bạo lực tình dục. Đây chỉ mới là con số có được nhưng trên thực tế, tình trạng bạo lực tình dục còn cao hơn rất nhiều vì đây là vấn đề tế nhị, khó khai thác.
Bạo lực tình dục đang ngày càng phổ biến và đáng báo động. Nhắc tới hậu quả bạo lực tình dục, người dân tại xóm Bắc Sơn 2, xã Nam Hưng, huyện Nam Đàn vẫn còn giật mình bởi vụ án giết chồng của bà Nguyễn Thị Liên (53 tuổi). Vào 3 giờ ngày 9/4/2014, vì không đồng ý để chồng ân ái, bà Liên đã bị chồng dùng dây thép đánh. Trong lúc giằng co, bà Liên vớ được cái cuốc bổ liên tục vào đầu chồng. Kết quả, ông Bùi Văn Vừa (chồng bà Liên) chết tại chỗ. Sáng 14/7/2014, TAND tỉnh Nghệ An đã xử phạt bà Liên 15 năm tù.
Hay như đọc lời tâm sự của một người vợ trú tại TX Cửa Lò, Nghệ An chia sẻ “ớn lạnh những trận cuồng dâm của chồng” tại Chuyên mục Khỏe 360 trên Báo Tiền phong ngày 4/4/2014, bạn đọc sẽ giật mình với những hành động vô nhân đạo, những lần hành hạ thể xác vợ của người chồng và sự khổ đau, tâm trạng rối bời, sợ hãi của người phụ nữ mỗi khi gần chồng…
Có thể nói rằng, bạo lực tình dục đã và đang trở thành vấn nạn của các gia đình và toàn xã hội mà nạn nhân phần lớn là những người phụ nữ. Bạo lực tình dục không chỉ gây đau đớn về mặt thể xác đối với người phụ nữ mà còn gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về mặt tinh thần, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ. Sự lạm dụng về tình dục gây ra những căn bệnh liên quan đến sức khỏe sinh sản khó điều trị như HIV, các bệnh phụ khoa…
Tuy nhiên, trên thực tế, người phụ nữ nói chung, thậm chí những phụ nữ là nạn nhân của bạo hành cũng không biết họ đang bị bạo lực về tình dục, vì nó được ngụy trang một cách kín đáo bởi vỏ bọc tình cảm vợ - chồng. Mặt khác, đây là vấn đề tế nhị nên chị em thường giấu giếm vì không muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Điều này càng làm cho tình trạng bạo lực ngày càng phát triển, gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng đối với phụ nữ và cuộc sống gia đình.
Bà Phan Thị Tâm, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết: Nhiều cặp vợ chồng do thiếu kiến thức về đời sống hôn nhân gia đình, xuất phát từ việc thiếu kiểm soát cảm xúc tình dục từ chính mỗi người nên đã gây ra những hậu quả nghiệm trọng về bạo hành tình dục, thậm chí có trường hợp bạo hành tình dục giữa anh chị em với nhau…
Nguyên nhân phổ biến của tình trạng này xuất phát từ nhận thức của người dân, nhất là ở vùng miền núi, nông thôn. Nhiều người đàn ông không biết rằng, bạo lực gia đình là vi phạm pháp luật. Mặt khác, do môi trường xã hội ngày càng phát triển, đô thị hóa kéo theo các kênh thông tin phát tán rộng khắp, băng đĩa đồi trụy… đã vô tình đẩy con người vào những hành vi mất kiểm soát. Vậy nên mỗi gia đình cần lấy hạnh phúc làm nền tảng.
Ông Phan Hữu Lộc, Phòng Xây dựng nếp sống văn hoá gia đình, Sở VHTT&DL chia sẻ: Vì đây là vấn đề tế nhị, khó nói nên cần nâng cao công tác tuyên truyền, nhân rộng các mô hình, xây dựng chuyên đề, lồng ghép trong các buổi sinh hoạt để chị em có thể chia sẻ những kinh nghiệm cuộc sống, cũng như những tình huống cần thiết cần xử lý trong gia đình. Tại Nghệ An, đã thí điểm các mô hình nhằm giảm thiệu tình trạng bạo lực gia đình tại Nghi Lộc, Quỳnh Lưu và Nghĩa Đàn, tiến tới sẽ nhân rộng ở các huyện còn lại.
Bạo lực tình dục trong gia đình là vấn nạn cần được lên án, vì hậu quả của nó không chỉ gây nên sự đổ vỡ về hạnh phúc gia đình mà còn gây ám ảnh lên thể xác, tinh thần mỗi con người… Chính lẽ đó, chị em phụ nữ cần được biết và hiểu rõ về bình đẳng giới, nguyên nhân của bạo lực gia đình để có biện pháp giải quyết những rạn nứt trong quan hệ gia đình.
Để bảo vệ bản thân, chị em cần dũng cảm đứng ra tố cáo những hành động vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, nhân phẩm, danh dự, thậm chí là cả tính mạng của mình. Đồng thời, các ban, ngành, đoàn thể liên quan cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ và mang tính toàn diện. Cần thiết hơn là sự tham gia kịp thời của chính quyền địa phương để từng bước hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững.
Kiều Nga