(Congannghean.vn)-Trở về từ Đoàn tàu không số huyền thoại, người thủy thủ Nguyễn Đình Sin đã không biết bao nhiêu lần đối mặt với hiểm nguy, cận kề với cái chết. Càng trong lúc gian nguy, sóng dữ, ông càng trân trọng, biết ơn tình đồng chí, đồng đội đã sẵn sàng nhận hy sinh để cho đồng đội được sống. Bởi thế, khi trở về đời thường, ông đã mở phòng mạch chữa bệnh miễn phí cho đồng đội. Bước chân của ông đã đi khắp mọi nơi trên dải đất Nghệ An, Hà Tĩnh, tìm những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, éo le trong cuộc sống để giúp đỡ, kêu gọi sự ủng hộ của xã hội và chính quyền địa phương.
Ông Nguyễn Đình Sin khám chữa bệnh cho người dân |
Ký ức thời hoa lửa
Một sáng mưa rả rích, phòng mạch của cựu quân nhân Thượng tá Nguyễn Đình Sin nằm khuất sâu trong ngõ nhỏ xóm Xuân Hùng, xã Hưng Lộc, TP Vinh vẫn chật kín bệnh nhân. Gần trưa, ông mới tiếp chuyện được với tôi. Người thủy thủ kiên trung năm nào vẫn nhanh nhẹn, linh hoạt và đầy minh mẫn. Câu chuyện về Đoàn tàu không số và con đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại tái hiện đầy oai hùng trong ký ức của ông.
Năm 1963, ông Sin bắt đầu nhận nhiệm vụ tại Đoàn tàu không số. Hơn 12 năm công tác tại đây, công việc của ông là làm chiến sĩ báo vụ, y sĩ kiêm thủy thủ. Mỗi khi đồng đội ốm đau, bị thương trong lúc làm nhiệm vụ, ông đều tận tình chăm sóc, dốc toàn bộ sức lực và khả năng của mình để cứu chữa cho họ. Không biết bao nhiêu lần, ông chứng kiến đồng đội anh dũng hy sinh để bảo vệ hàng nghìn tấn hàng hóa được an toàn, bí mật. Trong điều kiện vô cùng gian khổ và thiếu thốn, với sự sáng tạo tài tình, mưu trí, ông và đồng đội đã vận dụng nhiều cách thức đi biển để vận chuyển hàng trăm nghìn tấn hàng hóa, vũ khí một cách an toàn, bí mật và hiệu quả, chi viện kịp thời cho chiến trường miền Nam.
Trọn nghĩa tình với đồng đội
Sau hơn 12 năm công tác tại Đoàn tàu không số, Thượng tá Nguyễn Đình Sin về làm Phó trưởng Phòng Chính sách Bộ Tư lệnh Hải quân. Năm 1995, ông nghỉ hưu và đứng ra thành lập bệnh viện từ thiện, chuyên điều trị cho người nghèo tại xã Phả Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng. Năm 1999, do tuổi cao, ông giao lại bệnh viện cho người con trai cả quản lý và trở về quê hương mở phòng mạch chữa bệnh cho người dân, điều trị miễn phí cho người nghèo và đồng đội. Ông đã cứu chữa cho hàng trăm bệnh nhân mắc các bệnh như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa xương, khớp... Nguồn thu từ chữa bệnh cho nhân dân, ông trích ra một phần để làm từ thiện, giúp đỡ các đồng đội của mình.
Sau khi Hội CCB Đoàn tàu không số thành lập, ông Sin được bầu làm Trưởng ban liên lạc Đoàn tàu không số Nghệ Tĩnh. Cũng từ đấy, bàn chân người thủy thủ kiêm thầy thuốc ấy đã đặt lên khắp mọi nơi trên dải đất Nghệ An, Hà Tĩnh để đến với những đồng đội có hoàn cảnh khó khăn, éo le. Hầu hết đồng đội của ông sau khi trở về đều có cuộc sống khốn khó, khi hằng ngày phải đối mặt với bệnh tật, di chứng chất độc màu da cam điôxin và không được hưởng chế độ đãi ngộ nào.
Với những trường hợp như thế, ông đã kêu gọi, vận động các nguồn tài trợ, sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh Hải quân và chính quyền địa phương để xây dựng nhà tình nghĩa cho đồng đội. Đến nay, đã có 15 ngôi nhà tình nghĩa cho những người lính của Đoàn tàu không số được xây dựng nhờ tấm lòng của Thượng tá Sin.
Đến bây giờ, ông vẫn bị ám ảnh về trường hợp của ông Nguyễn Văn Hòa ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Hồi ấy, ông Hòa được mệnh danh là “cá kình biển Đông”. Trong một lần tàu đi vào vùng Vàm Lũng, Cà Mau, ông Hòa không may bị nhiễm chất độc màu da cam mà kẻ thù đã rải thảm cách đó vài ngày. Ông Hòa trở về khi cơn đau dày vò, nhói buốt trong cơ thể. Đau đớn hơn, di chứng chất độc da cam đã đẩy ông và gia đình đến bi kịch khi cả 3 thế hệ đều bị ảnh hưởng.
Vợ chồng ông Hoà sinh được 7 người con thì 3 người cơ thể lèo khèo, èo uột, người vợ cũng đau ốm liên miên nên hoàn cảnh hết sức khó khăn. Ông Sin đã kêu gọi Trung ương Đoàn, chính quyền địa phương và Ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Hòa với trị giá 160 triệu đồng. Hay trường hợp của ông Nguyễn Phi Anh ở huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Trong một chuyến diễn tập vừa đánh cá, vừa thả hàng ở đảo Bạch Long Vỹ, tàu của ta bị tàu Mỹ đánh trúng khiến 8 người bị thương, trong đó có ông Phi Anh.
Tuy nhiên, do mất hết hồ sơ giấy tờ nên ông Phi Anh không được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào. Không những thế, vợ của ông bị thoát vị đĩa đệm không thể đi lại được, còn con trai bị bệnh tim nên cuộc sống rất chật vật. Sau một thời gian vận động, đầu tháng 7/2014, căn nhà tình nghĩa 45 m2 với tổng trị giá 180 triệu đồng đã được hoàn thành và trao tặng cho gia đình ông Phi Anh. Không những thế, ông Sin còn điều trị miễn phí cho vợ và con của ông Phi Anh. Hiện, người vợ đã đi lại được và sức khỏe của người con đang tiến triển tốt.
Hiện nay, ông Sin đang kêu gọi sự hỗ trợ để xây dựng 2 căn nhà tình nghĩa cho 2 đồng đội. Dấu chân người thủy thủ anh hùng từng làm nên huyền thoại trên biển giờ đây lại nặng trĩu ân tình nơi đất liền, mang hơi ấm đến đồng đội.
.