Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201411/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-tai-hoa-nhap-cong-dong-553023/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201411/hieu-qua-tu-cac-mo-hinh-tai-hoa-nhap-cong-dong-553023/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hiệu quả từ các mô hình tái hòa nhập cộng đồng - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 01/11/2014, 15:26 [GMT+7]

Hiệu quả từ các mô hình tái hòa nhập cộng đồng

(Congannghean.vn)-Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có nhiều mô hình, cách làm hay tạo môi trường xã hội lành mạnh, từng bước xóa bỏ định kiến, phân biệt đối xử để họ sớm ổn định cuộc sống.
 
Cách đây hơn 15 năm, anh Nguyễn Đình Khang (SN 1965) trú tại phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò bị bắt về hành vi trộm tài sản và chịu thi hành án phạt tù 5 năm 7 tháng tại Trại giam số 6 (Bộ Công an). Cuối năm 1997, anh mãn hạn tù trở về sinh sống cùng gia đình. Ngày bước ra khỏi cánh cổng trại giam, anh cảm thấy cô đơn, lạc lõng và mặc cảm với cộng đồng bởi những gì mình gây ra trước đó đã làm ảnh hưởng đến bố mẹ, họ hàng và bạn bè.
 
Vào thời điểm đó, phường Nghi Thủy nơi anh ở giáp với phường Nghi Tân là trung tâm mua bán, trao đổi hàng hóa qua Cảng Cửa Lò. Được sự động viên của mọi người, nhất là người bạn đời mà anh quyết định gắn bó sau ngày ra trại đã giúp anh có nguồn động viên, chia sẻ và đi đến quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, mong có cơ hội chuộc bỏ lỗi lầm. Sau khi lập gia đình (năm 1998), anh và vợ bàn bạc rồi quyết định vay vốn để buôn bán giày dép tại chợ Hôm, TX Cửa Lò. Thế nhưng, suốt thời gian dài, công việc kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên vợ chồng anh chuyển sang mở xưởng sản xuất sơn vôi cao cấp.
 
Nhờ quyết tâm của bản thân và uy tín trong kinh doanh nên cơ sở của anh Khang sớm chiếm lĩnh được thị trường và phát triển đi lên. Đến nay, cơ sở của anh có gần 100 đại lý lớn, nhỏ trên địa bàn các tỉnh từ Ninh Bình đến Quảng Bình, sử dụng gần 15 lao động chính thức và 3 - 4 lao động mùa vụ, cho thu nhập ổn định với mức lương từ 3,5 - 4,5 triệu đồng/người/tháng.
 
Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, chăm lo hạnh phúc gia đình, anh Khang còn là một trong những người tham gia tích cực các hoạt động xã hội, nhân đạo từ thiện ở địa phương. Đặc biệt, anh vinh dự được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin tưởng bầu làm Uỷ viên BCH Hội Nông dân phường Nghi Thủy kiêm Chi hội trưởng Nông dân khối, Ủy viên Ủy ban MTTQ TX Cửa Lò (khóa 2014 - 2019). Năm 2012, anh được kết nạp Đảng và được tôn vinh trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Ngày 16/10 vừa qua, anh vinh dự là đại biểu tham dự Hội nghị biểu dương mô hình, cá nhân điển hình thực hiện tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù do Bộ Công an tổ chức tại Hà Nội.
 
Lao động và học nghề là môi trường thuận lợi cho các trường hợp tái hòa nhập cộng đồng vượt qua mặc cảm, có nghị lực vươn lên
Lao động và học nghề là môi trường thuận lợi cho các trường hợp tái hòa nhập cộng đồng vượt qua mặc cảm, có nghị lực vươn lên
 
Trường hợp của anh Khang là một trong những tấm gương điển hình về nghị lực vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng, có ý chí vươn lên trở thành người có ích cho xã hội. Tính đến nay, toàn tỉnh có 18 mô hình tái hòa nhập cộng đồng, trong đó 4 mô hình do các xã, phường quản lý; 9 mô hình do khối, xóm; 5 mô hình do các đoàn thể quản lý và mô hình của 79 cá nhân chấp hành xong án phạt tù tiến bộ tiêu biểu.
 
Trong số đó, phải kể đến các điển hình mang lại hiệu quả như mô hình “Xóa bỏ mặc cảm, làm nở nụ cười, giúp người lầm lỗi” của UBND TX Thái Hòa, phân công các ban, ngành, đoàn thể giúp 342 người chấp hành xong án phạt tù có việc làm ổn định; mô hình “Chung tay đánh bắt, chế biến hải sản” của UBND xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu thu hút 400 hội viên, trong đó có 20 người tái hòa nhập cộng đồng; mô hình “Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi” tại phường Nghi Thu, TX Cửa Lò giúp đỡ 12 người tái hòa nhập cộng đồng, hỗ trợ việc làm có thu nhập ổn định; mô hình giúp người chấp hành án phạt tù trở về được vay vốn và giao đất rừng để phát triển kinh tế của Hội Phụ nữ thị trấn Con Cuông và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Con Cuông phối hợp thực hiện; mô hình UBND và Hợp tác xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên đứng ra bảo lãnh cho những người chấp hành xong án phạt tù vay 380 triệu đồng để phát triển kinh tế, hướng dẫn chăn nuôi, làm kinh tế trang trại.
 
Ngoài ra, còn có các cá nhân tiến bộ tiêu biểu sau khi chấp hành xong án phạt tù như các anh: Nguyễn Thức Đệ ở xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc; Hoàng Văn Thắng ở xã Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu; Vi Văn Thuyên ở xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu; Mạc Văn Quỳnh ở xã Thạch Ngàn, huyện Con Cuông; Nguyễn Năng Diện ở xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn...
 
Nghệ An được Bộ Công an xác định là một trong những tỉnh, thành phố trọng điểm, phức tạp về ANTT. Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, cơ quan tố tụng các cấp đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử khoảng 2.500 vụ với trên 4.500 đối tượng. Trong đó, bình quân mỗi năm có gần 2.000 người chấp hành xong án phạt tù và được đặc xá trở về địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng (người được đặc xá, tha tù chưa được xóa án tích).
 
Thực hiện Nghị định 80/2011/NĐ-CP ngày 16/9/2011 của Chính phủ, quy định các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Công an, UBND tỉnh về công tác tham mưu, tuyên truyền và các biện pháp thực hiện, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các huyện, thành, thị chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương tổ chức tốt công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương tái hòa nhập cộng đồng.
 
Theo đó, từ tháng 12/2011 - 6/2014, toàn tỉnh đã tiếp nhận 4.135 người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại các địa phương; giáo dục, cảm hóa cho 2.178 người có biểu hiện dễ phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật; các tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị, doanh nghiệp đã giúp đỡ, tạo điều kiện về việc làm cho 2.117 người và trên 540 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền trên 2,5 tỉ đồng để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
 
Nhờ tập trung đồng bộ các giải pháp đã từng bước nâng cao tỉ lệ người hết thời hạn chấp hành án phạt tù trở về địa phương có việc làm ổn định và làm giảm tỉ lệ tái phạm tội. Theo khảo sát, đến tháng 6/2014, số người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương có việc làm tăng lên, chiếm 72,2%; tỉ lệ tái phạm tội còn trên 4%.
 
.

Xuân Thống