Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số Điều tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ.
Ảnh minh họa |
Bổ sung đối tượng được vay
Theo Thông tư số 11/2013/TT-NHNN, đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP bao gồm: Các đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15.000.000 đồng/m2 được quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn việc xác định các đối tượng được vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 07/2013/TT-BXD (nếu có); doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiêp là chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại được chuyển đổi công năng sang dự án nhà ở xã hội do Bộ Xây dựng công bố trong từng thời kỳ (sau đây gọi là doanh nghiệp).
Tiếp đó, Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ đã bổ sung 3 đối tượng được vay vốn gồm: 1- Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, công nhân, người lao động có thu nhập thấp nhưng khó khăn về nhà ở, khi mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng.
2- Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch đang khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, được vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể mức vay vốn tối đa của các đối tượng này, đảm bảo nguyên tắc thấp hơn số tiền mà mỗi hộ gia đình, cá nhân được vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tại các dự án phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.
3- Hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để cho thuê, cho thuê mua và để bán cho các đối tượng là công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp (kể cả bên trong và ngoài khu công nghiệp) của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế; người lao động thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị; sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề và trường dạy nghề cho công nhân (không phân biệt công lập hay ngoài công lập) và các đối tượng khác thuộc diện được giải quyết nhà ở xã hội theo quy định của Nghị định số 188/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định cụ thể mức vốn tối thiểu của đối tượng này khi tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Điều kiện được vay vốn
Tại dự thảo đang lấy ý kiến góp ý, Ngân hàng Nhà nước đề xuất hướng dẫn cụ thể về điều kiện vay vốn đối với các đối tượng trên. Cụ thể, các đối tượng trên phải đáp ứng các điều kiện cho vay theo quy định của pháp luật hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng; quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BXD ngày 15/5/2013 của Bộ Xây dựng và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế Thông tư số 07/2013/TT-BXD.
Ngoài ra, theo Ngân hàng Nhà nước, đối tượng được vay vốn phải đáp ứng thêm các điều kiện cụ thể sau:
Cá nhân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại phải có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hợp đồng thuê, mua nhà ở thương mại với chủ đầu tư. Trường hợp khách hàng chưa có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở với chủ đầu tư nhưng đáp ứng đủ các điều kiện vay vốn khác thì ngân hàng có thể phát hành cam kết sẽ cho vay sau khi khách hàng hoàn thành ký kết hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở với chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, có mục đích vay vốn để trả khoản tiền chưa thanh toán mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đối với các hợp đồng đã ký với chủ đầu tư kể từ ngày 7/1/2013; hoặc có mục đích vay vốn để trả các khoản tiền chưa thanh toán với chủ đầu tư phát sinh kể từ ngày 21/8/2014 để mua nhà ở thương mại có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1.050.000.000 đồng; có đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê, mua nhà ở thương mại và cam kết khách hàng, các thành viên trong hộ gia đình của khách hàng chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng theo quy định tại Thông tư này. Ngoài ra, phải có đủ 20% vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay.
Nếu là cá nhân vay để xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình thì phải là đối tượng được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ; có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 21/8/2014 (không bao gồm chi phí thuế) để xây dựng mới hoặc cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình; có đề nghị vay vốn để xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình và cam kết khách hàng, các thành viên trong hộ gia đình của khách hàng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức, chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng theo quy định; có đủ 30% vốn tối thiểu tham gia vào phương án vay.
Hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phải là đối tượng được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 21/8/2014 của Chính phủ; có mục đích vay vốn để trả các chi phí chưa thanh toán phát sinh kể từ ngày 21/8/2014 (không bao gồm chi phí thuế) để thực hiện dự án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội; có đề nghị vay vốn để đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội và cam kết chưa được vay vốn hỗ trợ tại ngân hàng để thực hiện dự án, phương án nêu trên theo quy định; có đủ 30% vốn tối thiểu tham gia vào dự án, phương án vay.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến góp ý dự thảo trên website của cơ quan này.
.