(Congannghean.vn)-Lớp học chỉ có 1 cô, 1 trò. Nếu nhìn qua chẳng ai nhận ra sự khác biệt ở những đứa trẻ trong lớp học. Nhưng chỉ cần để ý sẽ thấy các bé có những biểu hiện bất thường mà chúng đang cần sự trợ giúp của các cô giáo. Không có một giáo án chung nào cho những giờ học ấy mà mỗi trẻ là một phương pháp, một cách dạy dỗ riêng. Duy chỉ có điểm chung mà chúng tôi thấy, đó chính là sự kiên trì, nhẫn nại và tình yêu trẻ vô điều kiện của những người thầy nơi đây.
Thế giới riêng của trẻ tự kỷ
Một giờ học của cô giáo Nguyễn Thị Hoài Thu và bé M. (3,5 tuổi, TP Vinh) ở Bộ phận Tự kỷ, Phòng Trợ giúp trẻ em, Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Nghệ An thoạt nhìn không khác một lớp học mầm non là bao. Bé M. được cô giáo dạy về các con vật, cách tô màu, lấy các đồ chơi theo yêu cầu của cô giáo. Những bài giảng vừa học, vừa chơi tưởng chừng như đơn giản và được các bé thích thú nhưng để M. hợp tác và tiếp thu lại là cả một vấn đề. Bởi bé M. bị hội chứng tự kỷ.
Cô Thu cho biết: Cháu đến điều trị tại đây đã được 1 năm, khi mới đến bé chưa nói được, có nhiều biểu hiện khiếm khuyết về giao tiếp và hành vi. Gia đình đã đưa cháu ra Hà Nội điều trị một thời gian nhưng không hiệu quả nên về nhà. Sau 1 năm điều trị ở đây, bé đã có thể nói và làm theo yêu cầu đơn giản của mình.
Một giờ học của cô và trò tại Bộ phận Tự kỷ, Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh Nghệ An |
M. chỉ là một trong 50 trẻ mắc hội chứng tự kỷ đang được điều trị tại Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh. Bệnh tự kỷ mới được biết đến trong những năm gần đây. Tự kỷ là một dạng rối loạn phát triển xuất hiện ngay từ những năm đầu đời, tập trung chủ yếu vào 3 dạng khiếm khuyết về chất lượng giao tiếp, tương tác xã hội và có những hành vi kỳ quặc. Trong đó trẻ em là đối tượng bị mắc bệnh nhiều nhất. Các nghiên cứu mới đây cho thấy, cứ 10.000 người thì có 12 người mắc bệnh tự kỷ và cứ 88 trẻ thì có 1 trẻ mắc chứng rối loạn phát triển dạng tự kỷ.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện nay trên địa bàn tỉnh có hơn 1.000 trẻ mắc bệnh tự kỷ và con số vẫn đang có chiều hướng gia tăng. Bệnh này rất khó xác định, bởi mỗi trẻ có dạng rối loạn, biểu hiện khác nhau. Theo cô Thu, những trẻ tự kỷ có các dấu hiệu như thích chơi một mình, tự thu hẹp với thế giới xung quanh, có những hành vi rập khuôn, thích chơi một đồ chơi nhất định, cũng có những trẻ thích tự hành hạ, làm đau mình...
Tình yêu trẻ phải tăng gấp đôi
Được thành lập vào tháng 4/2010, Bộ phận Tự kỷ, Phòng Trợ giúp trẻ em thuộc Quỹ Bảo trợ Trẻ em tỉnh đã trị liệu, giáo dục hơn 1.000 trẻ, tư vấn cho hơn 200 gia đình có con gặp rối loạn phát triển. Hiện nay có 12 cô giáo đang trực tiếp điều trị, trợ giúp cho 50 trẻ. Mỗi lớp học như vậy chỉ có 1 cô và 1 trò. Gắn bó với lớp học đặc biệt này từ những ngày đầu mới thành lập, cô Thu là 1 trong 3 cô giáo có thâm niên lâu nhất ở đây.
Gần 4 năm tiếp xúc với trẻ tự kỷ, cô Thu đã trợ giúp cho hàng trăm trẻ ở các độ tuổi đến từ nhiều nơi khác nhau. Mỗi trẻ là một dạng biểu hiện không giống nhau khiến giáo viên rất vất vả trong cách tiếp cận và tìm ra phương pháp dạy dỗ để thích nghi với từng bé. Theo dõi một tiết học của cô và trò, mới thấy đây là công việc đòi hỏi sự nhẫn nại và kiên trì của giáo viên. Nhìn những động tác như giơ tay, lấy, cất đồ chơi..., đến những yêu cầu khó hơn như biết phản ứng, làm theo yêu cầu của cô giáo, tưởng chừng như đơn giản, nhưng để những đứa trẻ đặc biệt này làm được là cả quá trình đòi hỏi sự kiên nhẫn và tình yêu thương vô điều kiện của người thầy.
Đến với nghề như một cơ duyên, cô Thu chia sẻ: Ban đầu cũng không nghĩ mình sẽ theo nghề này, bởi cô học ngành y. Thế nhưng, qua mỗi lần gặp gỡ, tiếp xúc với các bé, nhận thấy mỗi bé có một nét đáng yêu riêng nên cô đã yêu nghề lúc nào không hay.
Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ngọc Anh thì lại khác, theo học chuyên ngành Tâm lý lâm sàng trẻ em và vị thành niên, những năm ngồi trên ghế nhà trường, Ngọc Anh đã muốn đi sâu vào thế giới riêng của những đứa trẻ đặc biệt này. Bởi theo cô, các em là những người thiệt thòi và rất cần được sự yêu thương, quan tâm của xã hội. Chính điều đó là động lực để cô theo đuổi ước mơ của mình.
Để điều trị cho trẻ tự kỷ thì vai trò của gia đình là rất quan trọng. Một số gia đình không nhận thức đúng đắn về bệnh lý của con nên phó mặc việc điều trị cho cô giáo mà không quan tâm, hợp tác điều trị tại gia đình. Cũng có gia đình đưa con đến khi đã quá muộn, trong khi điều trị bệnh tự kỷ là một quá trình lâu dài, can thiệp càng sớm thì càng hiệu quả.
Khó khăn lớn hiện nay đó là trẻ mắc hội chứng tự kỷ chưa được công nhận là đối tượng khuyết tật nên không được hưởng bất kỳ chế độ, chính sách nào của Nhà nước. Trong khi đó, quá trình điều trị lại lâu dài và liên tục gần như theo suốt cuộc đời người bệnh nên chi phí rất tốn kém. Có nhiều gia đình điều kiện khó khăn không theo được nên đã bỏ dở việc điều trị.
.