(Congannghean.vn)-Với giấc mơ đổi đời, nhiều lao động chọn Libi là mảnh đất làm giàu. Thế nhưng, chiến sự xảy ra, hàng trăm lao động phải về nước, giấc mơ làm giàu cũng tan vỡ từ đó, để lại trước mắt nhiều mối lo toan.
“Vỡ mộng” làm giàu
Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng người sang lao động tại Libi nhiều nhất cả nước. Theo số liệu từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội, năm 2014 trên địa bàn tỉnh có 325 người tham gia làm việc tại thị trường Libi. Tuy nhiên, tính đến ngày 15/8, mới chỉ có 15 huyện báo cáo với 122 lao động đã về nước an toàn. Với những lao động này, việc trở về nước an toàn là một niềm vui nhưng đằng sau đó lại là nỗi lo “cơm áo gạo tiền”.
Trường hợp anh Trần Văn Hạnh (xóm 8, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc) là một điển hình. Trong căn nhà cấp 4 đã xuống cấp, những ngày này không ngớt người ra vào hỏi thăm. Với ước mơ thoát nghèo, tháng 4/2013, anh ký hợp đồng lần hai sang Libi làm việc với mức lương trung bình 12.000.000 đồng/tháng, thế nhưng mới làm việc được hơn một năm, anh phải trở về nước vì bạo loạn. Nếu như lần trước, công việc thuận lợi, lương hàng tháng vẫn đều đặn gửi về cho gia đình thì lần này, mới làm được nửa hợp đồng, anh đã phải trở về cùng nhiều lao động khác. Mặc dù các khoản nợ ngân hàng đã trả hết nhưng giờ đây anh phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp và trông chờ vào tiền thu nhập từ việc buôn bán lặt vặt của vợ con.
Cùng cảnh ngộ với anh Hạnh nhưng trường hợp anh Văn Bá Hiền (xóm Văn Ngọc, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương) có phần lận đận hơn, bởi anh đã phải vất vả từ Libi sang Thổ Nhĩ Kỳ, Tuy-ni-di để về nước. Những tưởng việc đi xuất khẩu sẽ giúp anh thoát nghèo và có thêm của ăn của để, nhưng cuối cùng để lại một khoản nợ chưa trả hết. Nhà có bốn người, mọi thu nhập chỉ trông chờ vào đồng lương của anh, nhưng giờ đây, anh đang phải đối mặt với nhiều khoản lo mới. “Ở bên đó, mọi chi phí sinh hoạt do công ty bao nên đều đặn hàng tháng, tôi gửi về 10.000.000 - 12.000.000 đồng cho vợ con. Thế nhưng khi về nước, chúng tôi phải đối mặt với nguy cơ không có việc làm. Số tiền nợ ngân hàng hơn 40 triệu đồng vẫn chưa trả xong. Riêng tiền lương tháng 7 đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được” - anh Hiền lo lắng.
Không chỉ riêng hai trường hợp của anh Hạnh và anh Hiền, hàng trăm lao động Nghệ An khác trở về từ vùng chiến sự Libi đang đối mặt với nỗi lo nợ nần, thất nghiệp. Vì cuộc sống khó khăn nên họ mới mạnh dạn vay vốn sang Libi làm việc với mong muốn thoát nghèo. Thế nhưng, thay vì giấc mơ đổi đời, họ đang phải ngậm ngùi ôm “cục nợ” không biết ngày nào mới trả.
Về nước an toàn từ vùng chiến sự nhưng anh Hạnh đang phải đối mặt với nguy cơ thất nghiệp |
Loay hoay phương án hỗ trợ
Theo thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội, trên địa bàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp cung ứng lao động. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đều đăng ký việc liên kết ký hợp đồng với người lao động ở Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mà không thông qua Sở nên vấn đề giải quyết khó khăn cho người lao động trở về từ vùng chiến sự Libi trực tiếp đầu tiên thuộc về các doanh nghiệp này.
Theo ông Lê Văn Thúy, Trưởng phòng Việc làm, Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, ngày 11/8, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã ra Công văn số 1012 về việc quyết định mức hỗ trợ từ 1 - 5 triệu đồng/người từ Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước cho người lao động từ nước ngoài trở về từ Libi. Cụ thể, những lao động nào sang Libi làm việc dưới 3 tháng sẽ được hỗ trợ 5 triệu đồng/người, từ 3 - 6 tháng được hỗ trợ 3 triệu đồng/người, từ 6 - 12 tháng được hỗ trợ 2 triệu đồng/người và trên 12 tháng được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Nếu lao động thuộc huyện nghèo sẽ được hỗ trợ thêm 50% mức này.
Cũng theo ông Thúy, “Hiện tại, Sở đang tiếp tục tham mưu cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Cục Quản lý Lao động ngoài nước, các doanh nghiệp cung ứng lao động đưa ra phương án để hỗ trợ những lao động chưa nhận được tiền lương tháng 7 và theo dõi sát sao số lao động còn lại, tạo điều kiện để họ trở về nước an toàn”.
.