Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/hieu-qua-cong-tac-tai-hoa-nhap-cong-dong-o-yen-thanh-527163/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201408/hieu-qua-cong-tac-tai-hoa-nhap-cong-dong-o-yen-thanh-527163/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng ở Yên Thành - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 31/08/2014, 09:31 [GMT+7]

Hiệu quả công tác tái hòa nhập cộng đồng ở Yên Thành

(Congannghean.vn)-Sau 3 năm thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, huyện Yên Thành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Phần đông ý thức chấp hành pháp luật của người chấp hành xong án phạt tù được nâng lên rõ rệt, nhiều người đã từ bỏ quá khứ lầm lỗi, xóa bỏ mặc cảm, tự ti cá nhân, vươn lên làm giàu, phát triển kinh tế, tham gia công tác giữ gìn ANTT tại địa phương.
 
Yên Thành là huyện đồng bằng bán sơn địa, nằm ở phía Bắc tỉnh Nghệ An. Toàn huyện có 39 đơn vị hành chính (38 xã và 1 thị trấn), dân số trên 285.000 người, địa giới hành chính tiếp giáp với 5 huyện: Quỳnh Lưu, Đô Lương, Nghi Lộc, Tân Kỳ và Diễn Châu… Đây là những điều kiện thuận lợi trong giao thương phát triển kinh tế của địa phương, song bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp về ANTT.
 
Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Yên Thành, từ năm 2002 đến nay, số người chấp hành xong án phạt tù trở về các xã trên địa bàn huyện là 1.227 người. Trong đó, số người thuộc diện cần thiết tổ chức tái hòa nhập cộng đồng là 800 người (những người không tái phạm – P.V), cư trú tại 39/39 xã, thị trấn. 
Một số gương mặt điển hình tái hòa nhập cộng đồng được biểu dương ở Yên Thành
Một số gương mặt điển hình tái hòa nhập cộng đồng được biểu dương ở Yên Thành
Thực hiện Kế hoạch số 238/KH-UBND-NC ngày 9/5/2012 của UBND tỉnh Nghệ An, chỉ đạo về các biện pháp đảm bảo tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Nghị định số 80/2011/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 15/5/2012, UBND huyện Yên Thành đã có Kế hoạch số 368/KH-UBND chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc từ huyện đến cơ sở. Nhanh chóng thành lập bộ phận thường trực giúp việc để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn trong quá trình thực hiện.
 
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tá Nguyễn Trọng Tuệ, Phó trưởng Công an huyện Yên Thành cho biết: Công an huyện đã chủ động phối hợp tập huấn cho 100% CBCS trong đơn vị và các đồng chí là Trưởng Công an 39 xã, thị trấn nắm vững nội dung của Nghị định 80/2011/NĐ-CP. Đồng thời, phối hợp khảo sát, đánh giá thực trạng về người chấp hành xong án phạt tù; làm tốt vai trò thường trực, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị, địa phương nhằm quản lý, giáo dục, giúp đỡ những người lầm lỗi vượt qua mặc cảm, tái hòa nhập cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, UBND huyện Yên Thành cũng giao trách nhiệm giúp đỡ, quản lý, giáo dục các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng cho từng ban, ngành cấp huyện, cụ thể: Đoàn thanh niên (33 người); Hội Liên hiệp phụ nữ (27 người); Hội Cựu chiến binh (22 người); Mặt trận Tổ quốc (28 người)... Qua đó, giúp những người lầm lỗi từ bỏ quá khứ, xóa bỏ mặc cảm, tự ti, phấn đấu trở thành những người có ích cho xã hội. Đến nay, qua 3 năm triển khai công tác tái hòa nhập cộng đồng cho những người chấp hành xong án phạt tù, huyện Yên Thành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. 259 đối tượng được cảm hóa có những tiến bộ nhất định, phối hợp trợ giúp pháp lý cho 620 lượt người chấp hành xong án phạt tù. Đặc biệt, tất cả những người sau khi chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được tạo điều kiện đăng ký hộ khẩu, làm lại chứng minh nhân dân, xóa án tích khi đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật.
 
Nhiều địa phương được đánh giá làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng như các xã: Mỹ Thành, Đồng Thành, Công Thành, Mã Thành, Nhân Thành, Sơn Thành… Trong đó, nổi lên một số gương điển hình tiến bộ, xóa bỏ mặc cảm, tự ti vươn lên làm giàu chính đáng như: Anh Phan Trọng Lương (xã Đồng Thành) kết hợp mô hình trồng và bảo vệ rừng, khai thác thủy sản, phát triển du lịch sinh thái, kinh doanh nhà hàng, mỗi năm cho thu nhập khoảng 800 triệu đồng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 20 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 2.200.000 - 10.000.000 đồng/lao động/tháng; chị Lê Thị Tân (xã Mỹ Thành) kết hợp mô hình kinh tế chăn nuôi hộ gia đình với mở xưởng cưa, mua xe ôtô để kinh doanh, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng; anh Lê Đức Giang (xã Đô Thành) ngoài lao động sản xuất khá còn nhiệt tình tham gia công tác đảm bảo ANTT tại địa phương với vai trò là Công an viên…
 
Bên cạnh việc xóa bỏ mặc cảm lầm lỗi, vươn lên làm giàu chính đáng, nhiều người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương còn cung cấp cho chính quyền và lực lượng Công an nhiều nguồn tin có giá trị trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm. Theo thống kê của Công an huyện, trong 10 năm qua, có 285/800 người thuộc diện tái hòa nhập cộng đồng đã cung cấp 340 nguồn tin có giá trị. Qua đó, lực lượng Công an đã điều tra, làm rõ 310 vụ việc liên quan đến 472 lượt đối tượng vi phạm pháp luật.
 
Để công tác tái hòa nhập cộng đồng đạt được kết quả cao nhất cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân. Đặc biệt là từ phía gia đình của những người lầm lỗi, gia đình sẽ là điểm tựa vững chắc cho mỗi cá nhân sau khi họ chấp hành xong án trở về địa phương. Ngoài ra, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội các cấp cần quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ, để những người lầm lỗi từ bỏ quá khứ, mặc cảm tự ti, làm lại cuộc đời.
.

Đức Thắng

.