Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201409/chung-tay-xoa-bo-bao-luc-gia-dinh-527382/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201409/chung-tay-xoa-bo-bao-luc-gia-dinh-527382/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chung tay xóa bỏ bạo lực gia đình - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 01/09/2014, 10:21 [GMT+7]

Chung tay xóa bỏ bạo lực gia đình

(Congannghean.vn)-Theo số liệu của Sở VHTT&DL năm 2013, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra 924 vụ bạo lực gia đình, trong đó bạo lực tinh thần 354 vụ, bạo lực thân thể 442 vụ, số vụ ly hôn do bạo lực gia đình 390/603 vụ. Đồng nghĩa cứ 5 cặp vợ chồng thì có 1 cặp từng xảy ra bạo lực dưới mọi hình thức, 66% vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình, 5% phụ nữ thường bị chồng đánh đập.
 
Trước tình trạng bạo lực gia đình ngày càng gia tăng, những năm gần đây, công tác tuyên truyền, giáo dục về giới, bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình là một trong những hoạt động trọng điểm, thường xuyên nhằm góp phần xây dựng mái ấm trong mỗi gia đình. Đặc biệt là sự ra đời của các mô hình, các CLB đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền.
 
Làng Tra là một trong 17 làng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Đàn (140/170 hộ là dân tộc Thái và Thổ). Trước đây, trong gia đình, người phụ nữ thường bị “lép vế” trong mọi việc. Nhiều ông chồng uống rượu về nhà vô cớ chửi mắng, đánh đập vợ con. Đói nghèo từ đó cũng đeo bám không ít gia đình, con cái phải bỏ học giữa chừng để theo bố mẹ lên nương rẫy hoặc đi làm mướn. Nhiều thói hư tật xấu len lỏi vào từng cụm dân cư ở đây. Trước thực trạng đó, Hội phụ nữ xã đã chủ động tham mưu với chính quyền địa phương đề ra nhiều biện pháp đẩy lùi tệ nạn xã hội, tiến tới xây dựng gia đình, bản làng văn hóa. Cũng từ đây, CLB “Vì sự tiến bộ phụ nữ” với sự giúp đỡ của tổ chức AC - Thụy Điển phối hợp với Tỉnh hội thí điểm tại làng Tra ra đời (năm 2009).
 
 Chị Trương Thị Thanh, Hội trưởng Hội phụ nữ làng Tra cho biết: Những ngày đầu mới thành lập, CLB sinh hoạt 1 tháng/lần với số thành viên chưa nhiều (28 người). Nhưng sau khi nhận thức được việc làm cụ thể của CLB như: Giúp chị em nhận thức rõ về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trong gia đình; các gia đình có mâu thuẫn hay vướng mắc, hội viên của CLB đều tới nhà tìm hiểu, khuyên ngăn, hòa giải;  các chị còn giúp đỡ nhau gây vốn làm ăn, bày nhau cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan... Đến nay, không chỉ 100% chị em phụ nữ làng Tra tham gia CLB mà các ông chồng trong làng cũng tích cực hưởng ứng. Mở rộng sinh hoạt, các chị đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền nội dung của CLB vào các buổi sinh hoạt tập thể… CLB xây dựng quỹ được hơn 20 triệu đồng, 4 tổ phường vàng giúp nhau làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.
 
Các CLB tích cực tuyên truyền cho các hội viên về Luật Phòng chống bạo lực gia đình
Các CLB tích cực tuyên truyền cho các hội viên về Luật Phòng chống bạo lực gia đình
 
Còn tại phường Nghi Thủy (TX Cửa Lò) CLB “Không đánh vợ” lại thu hút đông đảo những ông chồng tuổi từ 35 - 60 tham gia. Tự nhận mình là người có tính gia trưởng, hễ có ma men là đánh đập vợ con…, thế nhưng, từ khi tham gia CLB “Không đánh vợ”, anh Võ Văn Lân (52 tuổi) đã thay đổi về suy nghĩ. Anh biết kìm nén cảm xúc khi vợ chồng bất đồng và hơn hết là anh biết sống có trách nhiệm với gia đình. “Từ khi tham gia CLB, tôi đã không còn trợn mắt mỗi khi con cái làm sai, không sẵn cái gì lia cái đó mỗi khi vợ làm trái ý. Còn nhớ năm 2011, lúc CLB tổ chức hội thi “Làm gì tặng vợ”, tôi đã vẽ bức chân dung vợ mình và dám ghi vào đó lời nhắn “Anh yêu vợ bằng cả trái tim”. Dân đánh cá như tôi hễ bực tức là chửi bới, nói tục chứ ít ai biết nói ngọt ngào nếu không tham gia vào CLB. Và đợt ấy tôi được BGK trao giải nhất”, anh Võ Văn Hồng (khối 6, phường Nghi Thủy) chia sẻ.
 
Nằm trong khuôn khổ Dự án 4 của Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2015, xã Sơn Hải (Quỳnh Lưu) được chọn làm xã thí điểm thực hiện mô hình “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại bạo lực trên cơ sở giới”. Mô hình gồm các hoạt động can thiệp như: Thành lập các CLB “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”, “Tổ phòng, chống bạo lực giới”, “Địa chỉ tin cậy”, “Nhà tạm lánh”... Ông Hoàng Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: Ở các xã vùng biển, nhất là Sơn Hải, trước đây tình trạng chồng đánh đập và xem thường vợ vẫn diễn ra thường xuyên, nhưng những năm trở lại đây, tình trạng ấy rất ít. Nhất là khi thành lập CLB “Ngăn ngừa, giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”. Với hình thức mỗi tháng sinh hoạt một lần, bà con khi tham gia CLB sẽ được cung cấp thông tin về bình đẳng giới, hôn nhân và gia đình, phòng hệ lụy của bạo lực gia đình; giúp đỡ nhau phát triển kinh tế bằng cách tích quỹ cho vay kinh doanh, hướng dẫn nhau cách trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả cao; tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao; nêu gương những điển hình gia đình mỗi cuộc sinh hoạt… Thông qua các hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, ý thức về giới, bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình cho bà con  trên địa bàn”.
 
Nói về vai trò của các CLB trong việc gìn giữ mái ấm gia đình hạnh phúc, bà Phan Thị Tâm, Trưởng ban Gia đình xã hội, Hội LHPN tỉnh Nghệ An cho biết: “Hiện nay, toàn tỉnh có 4.353 CLB, trong đó có 1.724 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”. Các CLB ra đời góp phần nâng cao nhận thức cho mỗi thành viên trong gia đình biết yêu thương, cùng nhau chia sẻ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm tiến tới giảm thiểu và xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình”.
 
.

Kiều Nga