Gia đình xã hội
Gần 100 lao động trở về từ Lybia và nỗi lo gánh nợ
(Congannghean.vn)-Sáng 13/8, ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh cho biết, Hà Tĩnh hiện có 413 người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và trong ngày 11/8 đã có hơn 57 người từ Lybia trở về. Tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên, an ủi họ và sẽ cố gắng tạo mọi điều kiện để người dân có thể tiếp tục đi xuất khẩu lao động.
Về xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên, chúng tôi đi sâu vào ngôi làng nghèo quanh năm sống nhờ vào đồng ruộng, tìm đến 2 ngôi nhà nhỏ nằm khuất sau lũy tre làng của gia đình anh Lê Nam (34 tuổi) và anh Lê Văn Ngọ (23 tuổi) đều ở xóm 2, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên. Cả hai cùng làm một tổ ở Công ty TNHH Huyndai Engineering. Trở về trong sự ngóng trông của bố mẹ, vợ con, làng xóm, hai người đàn ông ấy đã quên hết mọi mệt nhọc, lo lắng, sự ám ảnh bởi súng đạn ở Lybia.
Anh Nam với đôi mắt ngấn lệ khi kể về những ngày đã qua: Tuy rằng mọi thứ đều an toàn nhưng cảm thấy nhớ nhà, lo lắng cho vợ con, bố mẹ già. Lúc về đến Sân bay Nội Bài thì vô cùng cảm động vì có rất đông người tới đón đoàn và không biết nói gì ngoài hai từ cảm ơn đối với tất cả.
Tuổi đời còn khá trẻ, anh Lê Văn Ngọ cũng chất chứa bao nỗi niềm không thể nói thành lời. Anh Ngọ cho biết, đi xuất khẩu lao động cũng với mong muốn thoát khỏi cảnh nghèo đói, tích góp của cải vài năm về xây nhà, cưới vợ ổn định cuộc sống. Nhưng nào ngờ lại có sự trớ trêu như thế, bây giờ phải làm lại từ đầu. “Nhà được hai đứa con trai, khi nghe tin con trở về bình yên tôi mới nhẹ lòng. Hôm giờ lo lắng, ăn không ngon, ngủ không yên” - bà Lê Thị Sâm (50 tuổi), mẹ của anh Ngọ tâm sự.
Anh Lê Hữu Thủy đoàn tụ bên gia đình |
Cách đó không xa là ngôi nhà nhỏ của anh Lê Hữu Thủy (31 tuổi) ở xóm 2, xã Nam Hương, huyện Thạch Hà, hai ngày qua rộn rã người tới hỏi thăm. Khuôn mặt vẫn còn in hằn sự mệt mỏi, anh Thủy cho biết cảm thấy rất thoải mái khi được trở về quê nhà đoàn tụ với vợ con. Ngồi bên người vợ và 2 đứa con thơ, Thủy kể lại, 9 tháng trước, anh cùng một số người đã bỏ ra khoảng 50 triệu đồng để đi xuất khẩu lao động sang Lybia làm công nhân xây dựng cho Công ty TNHH Huyndai Engineering ở thành phố Al Bayda.
Làm ăn yên ổn được vài tháng thì chiến sự bất ngờ nổ ra khiến mọi dự định đều đổ bể. “Vừa yên ổn, chuẩn bị được vài đồng gửi về cho vợ trả ngân hàng thì chiến sự nổ ra. Lúc ấy, vì sự an toàn nên các lao động nước ngoài đều phải về nước. Vậy là số tiền vay từ trước đó đã mất trắng, giờ gom góp được vài triệu, tôi đưa về cho vợ trang trải” - anh Thủy kể với giọng buồn bã. Chị Phan Thị Bình (30 tuổi, vợ anh Thủy) tâm sự rằng, lúc 3 giờ sáng 11/8, khi vừa bước chân về đến ngõ, cả hai vợ chồng đã ôm chầm lấy nhau, nước mắt trào ra. Chị Bình cho biết, dù khó khăn đến đâu nhưng còn chồng sẽ còn tất cả, có nợ nần thì hai vợ chồng cùng nhau đồng sức, đồng lòng gánh vác.
Cũng tâm trạng tương tự, anh Hoàng Bắc (41 tuổi) ở xóm 5, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên cho biết, ngày nào mọi người cũng theo dõi kênh VTV4 để cập nhật tình hình từ quê nhà. Khi nghe tin nhà chức trách đang làm thủ tục để đưa các lao động trở về thì ai cũng đều hồ hởi và vui mừng, bởi trước đó vô cùng lo lắng. “Anh em làm cho Công ty TNHH Huyndai Engineering cách vùng chiến sự là thành phố Benghazi 250 km và thành phố Tripoli 120 km. Hàng ngày, tiếng súng nổ văng vẳng bên tai, nhiều lúc có đôi đầu đạn lạc đến làm cho mọi người đều thấy bất an”.
Nhấp ngụm nước, anh Bắc cho hay, mới sang xuất khẩu lao động thì ai cũng muốn làm một vài năm để ổn định kinh tế rồi về nước, chứ về lúc này thì sẽ lở dỡ nhiều thứ. Nhưng chiến sự ác liệt, nếu ở lại, lỡ có bất trắc gì thì gia đình ở nhà không biết sống ra sao. Còn người thì còn của, chứ khi người xảy ra mệnh hệ gì thì không thể sản xuất ra của cải được nữa. “Tôi chỉ nghe nói là bắn nhau giữa hai phe hồi giáo, còn sự tình thì không thể biết rõ vì công ty tách biệt với bên ngoài. Những ngày xảy ra chiến sự, mọi việc đều ổn, các chế độ sinh hoạt vẫn được đảm bảo đầy đủ. Chúng tôi được phía công ty an ủi, động viên và làm mọi thủ tục để đưa về Việt Nam” - anh Bắc nói.
Ngày anh trở về, người vợ là chị Trần Thị Thủy (38 tuổi) vui mừng không nói thành lời. Chị chỉ biết nhìn chồng, 4 người con nhìn bố và tất cả ôm chầm lấy nhau. Lúc đó anh sung sướng, hạnh phúc vô cùng, nhìn vợ con mà nước mắt trào ra.
Trước đó, vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 10/8, chuyến bay đầu tiên đưa 182 lao động Việt Nam tại Libya đã về đến Nội Bài. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã có mặt tại sân bay để đón các lao động trở về.
Bùi Trung