Gia đình xã hội
Công chức, viên chức sẽ thực hiện nghĩa vụ quân sự
Đại học chính quy mới được tạm hoãn nhập ngũ
Theo lý giải của Bộ Quốc phòng, hiện nay, Quân đội nhân dân Việt Nam đã xây dựng Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không Không quân và một số binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Do đó, thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan và binh sĩ là 18 tháng, không đủ thời gian huấn luyện chương trình, nội dung về giáo dục chính trị, huấn luyện quân sự, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chiến đấu của quân nhân và huấn luyện kỹ năng sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị.
Nhiều ý kiến đề nghị nghiên cứu sâu hơn quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ (hiện nay là từ 18 tuổi đến 25 tuổi) để có thể gọi số thanh niên đã hoàn thành chương trình các bậc học cao tham gia thực hiện nghĩa vụ quân sự tại ngũ. Điều này giúp khắc phục tình trạng gọi nhập ngũ chỉ tập trung vào con em nông dân như thời gian qua, trong khi tỷ lệ gọi số thanh niên tốt nghiệp đại học, cao đẳng rất thấp (chỉ chiếm khoảng 0,64% tổng số nhập ngũ hàng năm).
Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành quy định đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ (đối với học sinh, sinh viên đang học tập tại trường THPT, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học trong thời bình) là quá rộng, gây khó khăn trong quá trình xét duyệt gọi công dân nhập ngũ.
Do đó, dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) chỉ quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với học sinh đang học THPT, sinh viên đang học chương trình đào tạo đại học hệ chính quy. Việc thu hẹp diện được tạm hoãn này là để nâng cao chất lượng gọi nhập ngũ và góp phần bảo đảm công bằng xã hội về thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Sẽ tuyển nhiều công chức vào quân đội
Cũng theo Bộ Quốc phòng, quy định hiện hành không miễn nghĩa vụ quân sự đối với công chức, viên chức (trừ người đã làm việc tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn). Tuy vậy, thời gian qua, hầu như không tuyển diện đối tượng này. “Tới đây chúng ta sẽ phải xem lại vấn đề này để đảm bảo sự công bằng. Từ năm 2015 trở đi chúng ta sẽ tập trung gọi đối tượng này đi nghĩa vụ quân sự. Điều này sẽ đảm bảo công bằng hơn, tránh để tình trạng hiện nay số nhập ngũ có tới 90% con em nông dân” – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Hiến pháp nêu rõ “bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và quyền cao quý của công dân”. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, việc sửa Luật Nghĩa vụ quân sự phải có sự đổi mới để tạo ra nhận thức mới trong thực hiện nghĩa vụ công dân. “Không phải cứ đóng tiền, hay đi học và làm công chức, viên chức thì không thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nên mở rộng diện ra, ai cũng phải đi nhưng có thể đăng ký thời điểm đi nghĩa vụ” - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Về vấn đề nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự, Chính phủ cho rằng, thực hiện nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân. Việc này bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị từ đủ 18 tuổi đến hết tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định của pháp luật. Nếu quy định nghĩa vụ thay thế, sẽ làm mất ý nghĩa thiêng liêng của nghĩa vụ quân sự, đã thấm sâu vào tiềm thức của nhân dân và cả dân tộc Việt Nam. Vì thế, Chính phủ đề nghị không quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự vào dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi).
Dù vậy, một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị, nên có nhiều hình thức để công dân được thực hiện nghĩa vụ quân sự, chứ không nhất thiết cứ phải vào quân đội.
Nguồn: anninhthudo.vn