Gia đình xã hội

Để Nghị quyết Trung ương 9 (Khóa XI) thực sự đi vào cuộc sống

14:48, 16/08/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Ngày 9/6/2014, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (Nghị quyết số 33-NQ/TW) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Hiện nay, cấp ủy các cấp từ cơ sở đến TW đã và đang mở hội nghị triển khai học tập và thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống, ngoài việc nghe quán triệt các nội dung của nghị quyết, cán bộ, đảng viên cần tập trung thảo luận, trong đó cần quan tâm xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với thuần phong mỹ tục, cốt cách văn hóa của người Việt Nam nhưng phải phù hợp với thời kỳ hội nhập sâu và toàn diện vào kinh tế, văn hóa, giao lưu quốc tế, để chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa…

Sau học tập, quán triệt, cấp ủy các cấp cần triển khai bằng chương trình hành động cụ thể; cần nghiên cứu, quán triệt kỹ để xác định được mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người của từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực công tác trong mối quan hệ chung với cả nước.

Điều phải lưu ý là ngoài những đặc trưng chung về xây dựng con người mà nghị quyết đã nêu rõ, chắc chắn ở mỗi đơn vị, địa phương và môi trường công tác, mỗi con người còn có những đặc trưng riêng biệt về tư duy, lối sống… Đây là vấn đề quan trọng nhất, nếu không thấy được yêu cầu riêng biệt trong xây dựng và phát triển văn hóa thì khó xác định được mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện.

Để thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, trong thời gian tới, cấp ủy các cấp cần tập trung thực hiện các mục tiêu: Tiếp tục vận động thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở cơ sở lồng ghép với việc thực hiện nếp sống văn hóa, nhằm xây dựng lối sống văn hóa trong mỗi con người, mỗi gia đình.

Tiếp tục vận động cư dân thực hiện loại bỏ các hành vi không văn hóa như: Không cư xử thiếu văn hóa, không vứt rác bừa bãi, không vi phạm Luật Giao thông...; phấn đấu xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa cộng đồng; số hộ gia đình đạt chuẩn hộ gia đình văn hóa năm sau cao hơn năm trước; phấn đấu xây dựng thôn, bản đạt đơn vị văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa...

Phải xây dựng nền văn hóa và con người mới phát triển toàn diện, mang đặc trưng nền văn minh con Hồng cháu Lạc, tạo nền tảng để năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp phát triển. Đây là vấn đề được quan tâm bởi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.

Muốn vậy, cần tập trung vào nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; cần phân tích, đánh giá tình hình, kết quả, những hạn chế, nguyên nhân qua 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Định hướng xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong thời gian tới theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) với mục tiêu chung: Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Để Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 (khóa XI) thực sự đi vào cuộc sống, ngoài yêu cầu các Đảng bộ trực thuộc, các cơ quan tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết theo đúng kế hoạch, gắn với xây dựng chương trình hành động của đơn vị, địa phương theo hướng chất lượng, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.

Đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên phải tích cực đóng góp ý kiến để hoàn thiện chương trình hành động của địa phương, đơn vị nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI). Trong đó, đặc biệt coi trọng việc “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” phù hợp với thực tiễn, để vừa giữ được nét truyền thống, phù hợp với yêu cầu phát triển của đương đại và tương lai. Phải xây dựng nền văn hóa và con người phát triển toàn diện, mang đặc trưng văn hóa Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Xây dựng đề án và ra nghị quyết đã khó, nhưng để nghị quyết thấm, đọng, đi vào cuộc sống và được nhân dân ủng hộ thực hiện lại càng khó hơn. Nếu cấp ủy các cấp không năng động, sáng tạo, chỉ đạo không quyết liệt, chính quyền các cấp không vào cuộc, chắc chắn rằng nghị quyết sẽ chỉ dừng lại trên giấy, khó thành hiện thực.

Phùng Văn Mùi

Các tin khác