Gia đình xã hội

Hiệu quả từ đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh ở Nghi Lộc

09:04, 07/07/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Nhận thức rõ những hậu quả trong tương lai của việc gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, những năm qua, huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã có nhiều hoạt động can thiệp tích cực, cách làm hay, khoa học để triển khai tốt đề án mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn từ năm 2011 - 2015. Đây được xem là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao chất lượng dân số. Và bước đầu, đề án đã cho thấy hiệu quả tích cực.
 
Xã Nghi Đồng là 1 trong 18 địa phương của huyện được lựa chọn để triển khai đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Để tuyên truyền, phổ biến hoạt động của đề án có hiệu quả, xã đã thành lập câu lạc bộ không sinh con thứ 3 với các hội viên tham gia là các cặp vợ chồng sinh con một bề. Qua các buổi sinh hoạt, các thành viên được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình cũng như công việc lao động sản xuất, kinh doanh, nhất là được phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS/KHHGĐ. Ngoài ra, Ban dân số phối hợp với Ban Tư pháp xã, tư vấn trực tiếp cho các cặp vợ chồng chuẩn bị cưới, đến đăng ký kết hôn tại UBND xã thực hiện chính sách DS/KHHGĐ và ký cam kết không sinh con thứ 3, không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.
 
Toàn huyện hiện có 18 xã được hưởng lợi từ đề án mất cân bằng giới tính khi sinh. Để đề án được triển khai có hiệu quả, huyện đã tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể thông qua việc ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch thực hiện đề án giai đoạn từ năm 2011 - 2015. Trung tâm DS/KHHGĐ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm cung cấp thông tin cho cán bộ, đảng viên và các hộ gia đình nắm được những kiến thức cơ bản về giới, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Gắn trách nhiệm thực hiện công tác DS-KHHGĐ với việc đánh giá phân loại hoàn thành nhiệm vụ được giao hàng năm đối với các cấp ủy, tập thể cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên. Công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ, mất cân bằng giới tính khi sinh tiếp tục được tăng cường qua hệ thống thông tin đại chúng. Duy trì hoạt động CLB các cặp vợ chồng sinh con một bề là gái, CLB không có người sinh con thứ 3 trở lên... Từ đó, góp phần tác động thay đổi quan niệm của người dân về việc sinh con trai hay con gái.
 
Với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là những người làm công tác dân số, sau hơn 3 năm triển khai đề án, đến nay Đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn huyện đang cho thấy hiệu quả tích cực. Các địa phương đang từng bước khống chế sự chênh lệch giới tính khi sinh. Nếu như năm 2011, tỉ số giới tính khi sinh là 120/100 thì đến thời điểm này tỉ số giới tính là 107/100. Đặc biệt, đa phần người dân đã nhận thức được những hệ lụy từ việc mất cân bằng giới tính khi sinh.
 

Hồng Vinh

Các tin khác