(Congannghean.vn)-Công an huyện Đô Lương vừa thu giữ 600 kg thịt lợn không rõ nguồn gốc, nghi nhiễm bệnh. Tuy nhiên, sau khi nhận bàn giao từ lực lượng chức năng, thay vì xử lý theo Pháp lệnh Thú y, Trạm Thú y huyện Đô Lương lại cho phép chủ lô hàng tái sử dụng làm thức ăn cho cá. Lợi dụng điều này, chủ hàng đã nhanh chóng tẩu tán toàn bộ tang vật.
Gần 600 kg thịt lợn nghi nhiễm bệnh
10h30 ngày 22/7, từ nguồn tin của quần chúng nhân dân, Công an huyện Đô Lương bất ngờ kiểm tra lò giết mổ lợn của ông Đậu Văn Minh trú tại xóm 7, xã Đông Sơn.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng thu giữ 5 con lợn đã qua giết mổ, thịt tím tái, 2 cá thể lợn đang sống yếu ớt, chậm chạp. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, chủ nhân của số hàng trên là ông Nguyễn Bá Lài (SN 1972) xóm 13, xã Tràng Sơn. Tại cơ quan điều tra, ông Lài cho biết, sáng 22/7, ông thuê xe ôtô BKS 37C-025.89 do ông Nguyễn Cảnh Hà trú tại xóm Yên Trường, xã Yên Sơn điều khiển, xuống trại lợn Thái Dương mua 7 con lợn có tổng trọng lượng 560 kg với giá 26.880.000 đồng. Cơ quan chức năng đã ghi lời khai của chủ hàng, lái xe, lập biên bản và bàn giao cho Trạm Thú y huyện Đô Lương xử lý theo luật định.
|
Lò mổ của ông Đậu Văn Minh trú tại xóm 7, xã Đông Sơn - nơi xảy ra sự việc |
Trạm Thú y thiếu trách nhiệm, tang vật bị tẩu tán
Sự việc được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ vào sáng 22/7. Đến chiều cùng ngày, Trạm Thú y huyện Đô Lương nhận được tin báo và tiến hành nhận bàn giao lô hàng trên. Mặc dù số thịt qua giết mổ đã tím tái, 2 cá thể lợn còn sống chậm chạp, yếu ớt nhưng vẫn không được Trạm Thú y huyện Đô Lương gửi mẫu đi xét nghiệm và tiến hành tiêu hủy theo đúng quy định. Thay vào đó, sau khi tham mưu cho UBND huyện Đô Lương xử phạt vi phạm hành chính, Trạm Thú y huyện Đô Lương đã giao chủ hàng luộc chín toàn bộ số thịt đã giết mổ để làm thức ăn chăn nuôi. Lò mổ và chủ hàng tự xử lý số hàng trên không có sự giám sát của lực lượng thú y địa phương. Riêng 2 cá thể lợn được giữ lại chuồng tại lò mổ chờ xử lý.
Qua điện thoại, ông Võ Đình Khoa, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Đô Lương (hiện đang đi học chính trị tại Hà Nội) xác nhận, chính ông đã “chỉ đạo từ xa” để xử lý lô hàng trên. “Đa phần các bệnh trên lợn, nếu luộc chín thì không gây nguy hiểm, không lây nhiễm nguồn bệnh qua người và động vật. Nếu gửi mẫu đi xét nghiệm phải mất thời gian ít nhất 2 ngày, xử lý như vậy là đúng quy định (?)” - ông Khoa cho biết.
|
Phiếu bắt và cân lợn do ông Lài cung cấp |
Tuy nhiên, điều khiến dư luận băn khoăn là, liệu số hàng trên có mang nguồn mầm bệnh nguy hiểm hay không, có được chủ hàng xử lý theo đúng chỉ đạo của ông Khoa hay đem bán ra thị trường? Khi chúng tôi đến lò mổ của ông Nguyễn Cảnh Hà, hai cán bộ thú y huyện và xã đang tiến hành phun tiêu độc khử trùng. Tuy nhiên, hai cá thể lợn được cho là nhiễm bệnh đã “không cánh mà bay”. Trạm Thú y huyện Đô Lương cũng hoàn toàn bất ngờ trước sự việc này. Một cán bộ có thâm niên trong ngành thú y cho biết, việc xử lý như vậy là sai quy định, phải gửi mẫu đi xét nghiệm. Nếu bằng cảm quan số hàng trên có vấn đề (màu sắc, mùi...), không rõ nguồn gốc xuất xứ thì phải tiến hành tiêu hủy. “Nếu số lợn trên nhiễm khuẩn liên cầu lợn thì sẽ rất nguy hiểm đến cộng đồng” - vị cán bộ này cho biết.
Cần làm rõ nguồn gốc số lợn nghi nhiễm bệnh
Sau khi bị lực lượng chức năng bắt giữ lô hàng trên, chủ hàng là ông Nguyễn Bá Lài đã xuất trình Phiếu bắt và cân lợn. Dưới phiếu bắt và cân lợn có chữ ký của nhân viên kế toán (Đào), giám sát, bảo vệ (không ghi rõ họ tên) nhưng lại không được đóng dấu. Một cán bộ Công an huyện Đô Lương cho biết, chủ hàng này khai nhận số hàng trên có nguồn gốc từ Trại lợn Thái Dương thuộc Công ty TNHH Lợn giống ngoại Thái Dương, có trại lợn đóng trên địa bàn xã Đại Sơn (Đô Lương).
Ông Lê Ngọc Hùng, Trợ lý Giám đốc Trại lợn Thái Dương cho biết đã nhận được thông tin trên từ Công an huyện Đô Lương. Tuy nhiên, ông Hùng khẳng định, lô hàng trên không phải do Trại lợn Thái Dương xuất đi: “Ở đây, chúng tôi chỉ xuất hàng cho vùng Nghi Phú (TP Vinh - P.V), miền Nam, phiếu xuất hàng phải có phiếu kiểm dịch của lực lượng thú y địa phương. Chúng tôi có 3 lò nấu nhừ ngay trong trại lợn để xử lý những cá thể lợn ốm yếu, không mang bệnh truyền nhiễm để tái sử dụng làm thức ăn chứ nhất thiết không bán ra ngoài. Hơn nữa, chúng tôi không sử dụng Phiếu bắt và cân lợn mà dùng phiếu xuất kho theo mẫu của Bộ Tài chính, có đầy đủ chữ ký của các bộ phận theo quy định, được đóng dấu hẳn hoi...” - ông Hùng cho biết. Ông Hùng cũng đề nghị lực lượng chức năng sớm làm rõ trắng đen để tránh ảnh hưởng đến uy tín của trại lợn và công ty.
Các cơ quan chức năng cần sớm làm rõ sự việc trên để hạn chế tình trạng vi phạm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh thú y đang diễn ra khá phổ biến trên địa bàn huyện Đô Lương hiện nay.