(Congannghean.vn)-Nạn đốt nương làm rẫy ở huyện Tương Dương hiện nay vẫn diễn ra thường xuyên, phổ biến. Trong khi đó, chính quyền địa phương vẫn chưa tìm ra biện pháp giải quyết hài hòa mối quan hệ trong sử dụng, quản lý tài nguyên rừng với người dân địa phương.
Trên các tuyến đường huyện Tương Dương, cảnh tượng phổ biến nhất là người dân đốt rừng lấy than và để có đất canh tác. Bầu không khí trở nên oi bức, ngột ngạt hơn. Được sự tiếp sức của những cơn gió phơn Tây Nam, đám cháy trở nên hung tợn như con quái vật muốn nuốt chửng mọi thứ, những tiếng nổ “lóc, bóc” như tiếng khóc than của rừng. Đi sâu vào bản, những khoảng rừng đã cháy trụi, trơ lại các gốc cây đen nhẻm. Đâu đó là khoảng đất trống đã được phủ các loại cây keo, bạch đàn và cây ngắn ngày như sắn, ngô.
Cuộc sống người dân ở các bản làng xã Nhôn Mai từ bao đời nay vẫn hoàn toàn dựa vào rừng, dường như tập quán sản xuất nương rẫy của dân bản vẫn còn phổ biến. Một phần là do diện tích sản xuất lúa nước quá ít (cả xã chỉ có 30 ha), một phần là do thói quen du canh, sản xuất mà không phải đầu tư chăm bón của con người. Bình quân mỗi năm, khoảng 450 ha rừng đã bị bà con đốt phá để làm rẫy. Tại địa điểm Khe Nang giáp ranh giữa 2 bản Quang Yên, Quang Thịnh, xã Tam Đình, huyện Tương Dương, quang cảnh cũng chẳng khác là bao. Bên cạnh những gốc cây trơ trọi, một số người dân đang gom góp lại ít cành củi chưa cháy hết để lấy đất trồng cây lương thực.
Có thể nói, canh tác nương rẫy là tập quán lâu đời của đồng bào miền núi huyện Tương Dương và cũng là nguyên nhân chủ yếu làm suy giảm diện tích rừng. Nguyên nhân của thói quen trên, một mặt, do đời sống kinh tế của người dân miền núi ở đây còn nhiều khó khăn, nguồn thu nhập thấp; hoạt động sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt hầu như gắn liền với rừng, chủ yếu dựa vào canh tác nương rẫy. Mặt khác, phương thức canh tác lạc hậu theo lối quảng canh, du canh nên năng suất cây trồng đạt thấp, đất đai bị thoái hóa nhanh dẫn đến tình trạng thiếu đất canh tác.
Tình trạng đốt nương làm rẫy ở huyện Tương Dương vẫn còn diễn ra khá nhiều |
Trên thực tế, các chính sách và quy định về quản lý nương rẫy trên địa bàn huyện Tương Dương thời gian qua còn nhiều bất cập như: Công tác khuyến nông, khuyến lâm chưa đạt hiệu quả cao; việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ còn hạn chế, một số mô hình canh tác chuyển giao cho đồng bào dân tộc thiểu số không phù hợp với khả năng tài chính, truyền thống, nhận thức và trình độ của người dân. Mặt khác, địa phương đã chuyển giao kỹ thuật trồng cây lương thực nhưng chưa thiết lập thị trường hay mạng lưới tiêu thụ sản phẩm nên sản phẩm làm ra không tiêu thụ được.
Khó khăn đặt ra hiện nay là diện tích lúa nước của Tương Dương chỉ có trên 600 ha, tập trung ở các xã Tam Quang, Tam Đình, Nga My... Để đảm bảo lương thực hàng năm, người dân Tương Dương hầu hết vẫn phải làm nương rẫy với gần 4.000 ha. Cho nên, để hạn chế nạn đốt nương làm rẫy và tạo chuyển biến về nhận thức, thay đổi tập tục, phương thức sản xuất của người dân nơi đây không phải là chuyện một sớm, một chiều.
Theo cán bộ kiểm lâm huyện Tương Dương, người dân sống trong vùng lõi không có đất sản xuất nên họ vẫn đốt rừng để lấy đất canh tác. Những năm trước đây diễn ra phổ biến ở nhiều nơi. Gần đây, do sự vào cuộc tích cực của kiểm lâm cũng như chính quyền địa phương nên tình trạng trên có giảm nhưng không triệt để, cứ đến mùa là họ lại đốt. Khi phát hiện, lực lượng kiểm lâm đã tuyên truyền, vận động, giải thích cho dân, sau đó lập biên bản xử lý... Nhưng do sức ép của miếng cơm, manh áo nên tình trạng trên khó giải quyết dứt điểm. Rừng ở Tương Dương vì thế cứ bị “hóa than” để làm rẫy.
.