Gia đình xã hội

Rộn ràng nghề cào hến trên sông Lam

14:21, 08/06/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Dòng sông Lam chảy qua địa phận xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn những ngày này không nguôi tiếng cười nói, tiếng gọi nhau í ới, râm ran cả một khúc sông. Không biết tự bao giờ, những người dân chài lưới xã Khánh Sơn biết làm nghề cào hến. Chỉ biết từ thế hệ trước đến thế hệ này, tuổi thơ đã quen với mùi vỏ hến nồng tanh, nhớ mãi hương vị ngon ngọt bát canh hến những ngày tiết trời oi ả. Từ 30 năm về trước, già, trẻ, trai gái trong xã đã kéo về khúc sông này nườm nượp. Những đêm trăng sáng, những ngày gà chưa gáy sáng, cổ quàng dây nhủi, mọi người lầm lũi đến tận non trưa mới trở về.

Ở tuổi 60, nhưng ông Hòa ở xóm 6 vẫn còn khỏe mạnh để theo lũ trẻ ra sông cào hến. Vừa cào hến ông vừa chia sẻ, vốn là dân vạn chài, cuộc sống của người dân trong vùng bám vào mặt sông. Nghề cào hến đã từng nuôi sống và là kế sinh nhai của nhiều hộ gia đình. Theo thời gian, cuộc sống đã đổi thay. Giờ đây, đời sống người dân đã khấm khá, chẳng còn cái cảnh mò mẫm đêm hôm như trước, người dân đã lên bờ. Nhưng như cái duyên với sông nước, nỗi nhớ đã in sâu trong tiềm thức và không thể quên được hương vị xưa nên người dân vẫn tìm về khúc sông cào hến.

Là giáo viên đã nghỉ hưu nhưng vợ chồng cô Hoa vẫn thường theo mọi người đi cào hến.Cô cho biết: “Theo mọi người cho vui, với lại hến ở quê mình ngon và béo. Chỉ cần một tiếng đồng hồ là có bữa canh ngon cho gia đình”. Cô cũng chia sẻ, để lấy được ruột hến không phải đơn giản. Ngày miệt mài dầm nước cào, bắt hến. Tối về đem ngâm, rửa, nhặt hến.

Với những người chuyên làm nghề cào hến để buôn bán thì tờ mờ sáng, họ đã phải dậy nhóm lửa luộc hến “3 sôi, 2 trào”, đến khi hến há miệng thì vớt ra để ráo và bắt đầu đãi lấy ruột. Công đoạn này đòi hỏi sự khéo léo, nhẫn nại của người phụ nữ bởi thành quả của cả một chuyến ngược sông phụ thuộc vào việc có lấy được ruột hến ra khỏi vỏ hay không. Đều ăn nước sông Lam nhưng không ai lý giải được tại sao hến ở khúc sông này lại béo hơn nhiều nơi khác. Theo người dân ở đây cho biết, hến có màu vàng đen càng béo vì nó ăn được nhiều phù sinh, còn con hến có vỏ màu vàng thì hay ăn cát nên không béo lắm, nhất là vào mùa trăng sáng hến ăn cát rất nhiều.

Mỗi buổi đi học, Hoàng ra sông cào hến phụ giúp bố mẹ

Nghề cào hến đã đem lại nguồn thu nhập cho nhiều hộ gia đình. Anh Hà ở xóm 8 mặc dù không phải là dân vạn chài nhưng cứ vào mỗi mùa hến vợ chồng anh lại có mặt tại bến sông. Bỏ ra vài ba tiếng đồng hồ, hai vợ chồng cào được khoảng 10 kg hến vỏ, bán được 100 nghìn đồng. Ngoài trồng dâu, nuôi tằm thì đây là nguồn thu nhập để anh chị nuôi con cái ăn học. Không chỉ người lớn ra khúc sông cào hến mà những em học sinh cũng theo người lớn ra đây “hành nghề”. Xách túi đi từ sáng sớm, em Hoàng, học sinh lớp 8 sau mỗi buổi đến trường lại có mặt ở bến sông. Khuôn mặt đẫm mồ hôi, em tâm sự: Từ sáng sớm đến giờ, em cào chừng được 5 kg hến. Cứ mỗi cân bán 11 nghìn đồng, chừng này là có hơn 50 nghìn rồi. Chúng tôi nhận thấy niềm vui, niềm phấn khởi qua đôi mắt ngây thơ của em.

Hến Nam Đàn nay không chỉ là món ăn dân giã mà là món đặc sản làm say lòng biết bao thực khách nơi phố thị. Những người con Khánh Sơn đi xa, mỗi lần nhớ về quê cũ lại nôn nao nhớ tới bát canh hến ngon ngọt ngày hè, nhớ tới bến sông nơi những người chị, người mẹ vẫn tần tảo sớm hôm.

Phan Tuyết

Các tin khác