Gia đình xã hội
Đại biểu Quốc hội và dư luận không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu
(Congannghean.vn)-Vừa qua, dự thảo về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi được trình lên Quốc hội để lấy ý kiến. Phần lớn các đại biểu không đồng ý với dự thảo tăng tuổi nghỉ hưu của nam giới lên 62 tuổi, nữ lên 60 tuổi bởi kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ dẫn đến nguồn nhân lực không chất lượng và sẽ trở thành gánh nặng xã hội, đồng thời nâng cao khả năng thất nghiệp cho thế hệ trẻ.
Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH), từ năm 2016 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của cán bộ, công chức, viên chức cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam. Từ năm 2020 trở đi, điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu của người lao động như công nhân Quốc phòng, công nhân Công an, người quản lý doanh nghiệp, quản lý điều hành HTX... cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam.
Tại buổi thảo luận về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, nhiều đại biểu đã phân tích đánh giá và đi đến kết luận dự thảo về tăng tuổi nghỉ hưu vẫn còn những bất cập và sẽ gây ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội nếu được thông qua và có hiệu lực. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ khó giải quyết vấn đề biên chế, dẫn đến nguồn nhân lực làm việc không đạt chất lượng và nhân lực trẻ không thể bù đắp, những lao động này sẽ trở thành gánh nặng xã hội.
Có một phần cán bộ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” mà xã hội vẫn phải chăm lo trong khi không đóng góp gì. Chính phủ hiện chưa thống kê bao nhiêu cán bộ, viên chức có chất lượng. Phần lớn đại biểu yêu cầu thực hiện theo Bộ luật Lao động, chỉ nâng tuổi nghỉ hưu với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt để đảm bảo đồng bộ giữa các luật, không lãng phí nguồn lực chất xám với lao động chuyên môn cao.
Rất nhiều ý kiến không đồng tình với việc tăng tuổi nghỉ hưu vì có quá nhiều bất cập - Tranh minh họa |
Cách tính lương hưu mới và mở rộng diện đóng bảo hiểm cũng khiến một số đại biểu Quốc hội băn khoăn. Nếu Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua thì lương hưu của cán bộ viên chức sẽ giảm 25% - 52%, lực lượng vũ trang sẽ giảm 34 - 46%. Các đại biểu cho rằng nên tách riêng chế độ lương hưu với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang. Còn người lao động tại doanh nghiệp đóng bao nhiêu sẽ hưởng bảo hiểm bấy nhiêu.
Được biết, chính sách bảo hiểm đã bất cập nhiều năm nay, đó là người lao động không đóng bảo hiểm song vẫn được hưởng lương hưu nên ngân sách Nhà nước phải bao cấp toàn bộ. Hiện Nhà nước nợ ngân sách với quỹ bảo hiểm là 22.000 tỉ đồng, treo từ năm 2009. Ngoài ra, từ năm 1995 đến nay, nhiều người đóng ít mà hưởng lương hưu nhiều bằng cách tính trung bình 5 năm cuối công tác. Thực tế lương các năm cuối bao giờ cũng cao hơn các năm đầu nên quỹ bảo hiểm cũng phải chịu.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang phải trợ cấp xã hội cho 1,2 triệu người trên 80 tuổi với kinh phí gần 3.000 tỉ đồng mỗi năm nên nếu vỡ quỹ thì đất nước sẽ phải đối mặt với hàng triệu lao động nghỉ hưu không có thu nhập. Theo tính toán, với tình trạng thu/chi như hiện nay, quỹ BHXH sẽ đạt mức cân bằng vào năm 2021 và rơi vào trạng thái chi nhiều hơn thu và có thể sẽ vỡ quỹ vào năm 2034. Nhưng viện cớ vỡ quỹ bảo hiểm để tăng tuổi nghỉ hưu là hết sức vô lý. Lý do tăng tuổi hưu để tránh vỡ quỹ xem ra không thuyết phục được ĐBQH và công luận. Bởi nếu thu đúng, thu đủ, quản lý và phát triển quỹ BHXH chặt chẽ và hiệu quả hơn, hẳn nguồn quỹ BHXH sẽ tăng trưởng thêm đáng kể.
Dự thảo cũng quy định về tăng tuổi nghỉ hưu cho người quản lý, lao động có tay nghề, trình độ cao vô hình chung đã tạo điều kiện cho một số người ở vị trí cao tại vị và hưởng lợi. Thực tế cho thấy, ở nước ta tình trạng “chạy” việc, “chạy” chức, “chạy” quyền, tham ô, tham nhũng vẫn đang diễn ra nên một số lãnh đạo được bổ nhiệm không phải vì năng lực mà vì những lý do khác.
Việc tăng tuổi nghỉ hưu vô hình chung đã tạo điều kiện cho lợi ích nhóm. Mặt khác, nước ta cũng đang có tỉ lệ thất nghiệp khá lớn, cử nhân ra trường đang vất vả tìm việc. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu trong khi biên chế không tăng thì thế hệ trẻ sẽ tiếp tục thiệt thòi khi không có công việc phù hợp, trong khi đây là lực lượng lao động cần được khai thác triệt để.
Sau khi trình Quốc hội về Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, các đại biểu đã không đồng ý về việc tăng tuổi nghỉ hưu, dư luận cũng không đồng tình bởi những hệ lụy sẽ mang lại. Hy vọng, Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được thông qua một cách chính xác và hợp lý để bảo vệ người lao động trong bối cảnh xã hội có nhiều biến động như hiện nay.
Ngọc Hùng