Gia đình xã hội

Người dân còn thờ ơ với việc đăng ký xe máy điện

15:20, 04/06/2014 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Việc thực hiện đăng ký khi lưu thông xe máy điện theo Thông tư 15/2014/TT-BCA ngày 4/4/2014 của Bộ Công an có hiệu lực bắt đầu từ ngày 1/6/2014 đã được triển khai rộng khắp trong cả nước. Tuy nhiên, trong những ngày đầu thực hiện thông tư này, hầu hết người dân vẫn còn thờ ơ với việc bắt buộc phải làm thủ tục đăng ký xe máy điện khi tham gia giao thông.

Tại Nghệ An, theo ghi nhận của phóng viên, trong 2 ngày (1 và 2/6/2014), hầu hết người dân có sử dụng xe máy điện đều còn rất mơ hồ về Thông tư 15 của Bộ Công an. Nhiều người dân khi sử dụng phương tiện là xe máy điện vẫn còn chưa chấp hành nghiêm việc đội mũ bảo hiểm…

Còn tại những đại lý buôn bán xe máy điện trên địa bàn TP Vinh ở các tuyến đường như Trần Phú, Quang Trung, Lê Duẩn…, các chủ cơ sở khi được hỏi về thủ tục để mua xe máy điện có đăng ký vẫn còn lúng túng. Theo chủ các đại lý xe máy điện thì hầu hết họ vẫn tiến hành bán cho khách hàng bình thường như trước. Có nghĩa là, trước và sau thời điểm Thông tư 15 có hiệu lực thi hành thì khách hàng khi mua, trao đổi xe máy điện vẫn không quan tâm đến giấy tờ cũng như các thủ tục đăng ký theo quy định.

“Chúng tôi có nhu cầu đến mua một chiếc xe máy điện để thuận tiện cho việc đi lại của con cái chứ không quan tâm đến việc phải đăng ký hay không. Vì xe máy điện có giá bán vừa phải nên rất hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Hơn nữa, với người dân ở xa như tôi, mua về lưu thông ở quê, không đi ra đường lớn nên việc đăng ký cũng không cần thiết” - Anh Nguyễn Văn Công - một người dân ở Quỳnh Lưu vào mua chiếc xe máy điện trên đường Trần Phú vào thời điểm cuối tháng 5 vừa qua cho biết.

Với mức giá vừa phải, chỉ khoảng 15 triệu đồng trở lại là có thể mua được một chiếc xe do Đài Loan sản xuất nên loại phương tiện này hiện nay đang được rất nhiều người dân ưa chuộng. Thế nhưng, với những điều khoản quy định cụ thể bắt buộc khi sử dụng xe máy điện phải có đăng ký BKS, chủ sở hữu phương tiện… như Thông tư 15 đã có hiệu lực thì nhiều người dân vẫn còn chưa hiểu rõ.

Người dân còn thơ ơ với việc đăng ký xe máy điện
Từ 1/6/2014, xe máy điện khi lưu thông bắt buộc phải có đăng ký

Sáng 2/6/2014, phóng viên đã tiến hành khảo sát ở một số đại lý bán xe máy điện trên địa bàn TP Vinh. Khi được hỏi về Thông tư 15 của Bộ Công an, hầu hết các chủ đại lý đều trả lời là chưa có người dân nào đến mua bán, trao đổi đòi hỏi phải có hóa đơn, chứng từ xuất xứ để làm thủ tục đăng ký. “Cửa hàng chúng tôi nhập hàng chục chiếc xe máy điện có xuất xứ từ các nước như Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản thông qua một công ty ở Hà Nội về theo lô hàng chứ không theo từng chiếc cụ thể.

Vì vậy, hóa đơn chứng từ cũng theo từng lô hàng, nên khi có khách hỏi về giấy tờ từng chiếc xe máy điện chúng tôi không có. Sắp tới, nếu khách hàng đòi hỏi phải có hóa đơn chứng từ từng chiếc, cửa hàng chúng tôi phải liên hệ với công ty ở Hà Nội để làm thủ tục” - một chủ đại lý xe máy điện trên đường Trần Phú, TP Vinh cho biết. Cũng theo chủ đại lý xe máy điện này thì, hiện tại cũng chưa nắm rõ mức thuế VAT của từng chiếc được quy định như thế nào nên việc xuất hóa đơn, chứng từ cho khách hàng làm thủ tục đăng ký còn gặp rất nhiều khó khăn. Được biết, đây cũng là thực trạng chung của hầu hết các đại lý xe máy điện trên địa bàn TP Vinh hiện nay.

Theo Thông tư 15/2014/TT-BCA nêu rõ, xe máy điện và các loại xe có kết cấu tương tự phải đăng ký biển kiểm soát mới được phép lưu thông. Địa điểm đăng ký là Phòng CSGT các tỉnh, Công an huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Hồ sơ đăng ký xe gồm: Giấy khai đăng ký xe; giấy tờ của chủ xe; giấy tờ của xe. Trong đó, giấy tờ quan trọng nhất với xe mới là hóa đơn bán hàng theo quy định của Bộ Tài chính. Về thủ tục đăng ký xe máy điện, người dân phải có các loại giấy tờ gồm: Giấy khai đăng ký xe (theo mẫu); CMND của chủ xe; chứng từ nguồn gốc của xe; hóa đơn bán xe; chứng từ nộp lệ phí trước bạ.

Như vậy, theo quy định tại Thông tư 15/2014/TT-BCA thì bắt đầu từ 1/6/2014, xe máy điện nếu không đăng ký biển số thì không được tham gia lưu thông. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt ở mức từ 300.000 - 400.000 đồng, chưa kể các hành vi khác như không đội mũ bảo hiểm, có kết cấu sai lệch so với giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp.

Cũng liên quan đến thông tư này, theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức xử phạt người điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) từ 300.000 - 400.000 đồng nếu điều khiển xe không có giấy đăng ký; không gắn biển số; gắn biển số không đúng với biển số ghi trong giấy đăng ký… Như vậy, xe máy điện cũng bắt buộc phải chấp hành nghiêm các thủ tục được quy định trong Luật Giao thông đường bộ.

Tại Nghệ An, trước khi Thông tư 15/2014/TT-BCA có hiệu lực thi hành, các cơ quan chức năng đã tiến hành công tác tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ thực thi nhiệm vụ nhằm thực hiện một cách nghiêm minh, đúng pháp luật. Tuy nhiên, trong những ngày đầu thông tư này có hiệu lực thi hành, công tác đăng ký cũng như làm các thủ tục theo quy định của chủ sở hữu phương tiện xe máy điện còn rất ít.

Ngọc Thái

Các tin khác