Gia đình xã hội
Lênh đênh phận trẻ làng vạn chài
09:38, 02/06/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Giữa cái nắng như thiêu như đốt gần 40oC khiến chẳng ai muốn ra đường, thế nhưng trên những con thuyền nhỏ cũ kĩ, rách nát, một vài đứa trẻ đang cất vó đánh cá. Những đứa trẻ gầy gò, đen đúa độ tuổi 12, 13 ngày một buổi đến trường, một buổi đi làm thuê, bắt cá… kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Chỉ cách trung tâm thành phố chưa đầy 1 km nhưng cuộc sống của những đứa trẻ ở đây trái ngược hoàn toàn với sự nhộn nhịp, xa hoa của đám trẻ con nơi phố thị. Với những đứa trẻ thành phố, ngày Tết thiếu nhi là ngày được mong đợi để được bố mẹ đưa đi chơi, mua quà bánh nhưng với những đứa trẻ này, đó là những ước mơ quá xa vời.
Sông Cửa Tiền chỉ cách chợ Vinh, trung tâm buôn bán lớn nhất tỉnh Nghệ An hơn 100 m đường bộ. Một đoạn sông chảy qua phường Vinh Tân, phường Hồng Sơn, thành phố Vinh đang oằn mình gồng gánh, chở che những mảnh đời phiêu bạt. Họ là những cư dân ngụ cư bất hợp pháp ở Hưng Nguyên, Nam Đàn, thậm chí ở Thanh Hóa, Quảng Bình phiêu dạt về đây để mưu sinh. Cuộc sống nghèo đói, rách nát đang bám riết lấy bao phận người già, trẻ nhỏ nơi đây. Những đứa trẻ theo cha mẹ lênh đênh trên những con thuyền từ khi còn đỏ hỏn, rồi cứ thế lớn lên trên dòng sông hiền hòa. Cuộc sống của chúng quanh năm chỉ quanh quẩn ở xóm nghèo nơi bến sông, không đồ chơi, không điện nước, không nhà cửa, không có lấy một mảnh đất cắm dùi. Cơ quan chức năng đã nhiều lần kiểm tra xử lý, vận động các hộ dân trở về quê hương nhưng chỉ được một thời gian họ lại quay trở lại.
Xóm vạn chài nhếch nhác, tạm bợ nhìn từ trên cầu Cửa Tiền |
Xóm chài Tân Kiều, thuộc khối 1, phường Hồng Sơn là nơi cư ngụ của 5 hộ dân. Xóm có 11 em nhỏ đang độ tuổi đi học. Mỗi đứa trẻ là một hoàn cảnh đáng thương, đứa thì cha bỏ đi biệt xứ, có đứa từ khi lọt lòng đã không được nhìn mặt cha mẹ, có đứa phải bỏ học đi làm thuê kiếm sống… Tất cả đều do cuộc sống quá nghèo. Chị Tạ Thị Hiên (SN 1978) là người ở Hưng Nguyên. Ở quê không có đất, có tiền để xây nhà nên chị cũng phải cắm sào, đậu thuyền ở bến sông sinh sống. Hơn 12 năm trên thuyền, chị Hiên ngày hai buổi chợ chỉ mong kiếm đủ 3 bữa ăn cho các con. Cái đói, cái nghèo cứ bám riết lấy gia đình quanh năm nên chồng chị bỏ đi từ lúc hai đứa con còn nhỏ, một mình chị Hiên phải bươn chải kiếm sống, vừa làm cha, vừa làm mẹ cho hai đứa trẻ. Đứa đầu vừa học hết lớp 7, đứa em chỉ thua chị một tuổi. Đã không biết bao nhiêu lần chị nuốt nước mắt vào lòng, tự động viên mình cố gắng vì các con. Thương mẹ, các con chị đều là những đứa trẻ ngoan, chăm lo học hành.
Nguyễn Thị Ly, con gái đầu của chị Hiên vừa học hết lớp 7, nhiều năm liền là học sinh nghèo vượt khó. Ở lớp Ly là học sinh ngoan ngoãn, chăm chỉ và học rất khá. Ngoài giờ học, Ly lên Hưng Nguyên đi gặt thuê để kiếm thêm tiền giúp mẹ trang trải cuộc sống. Còn Nguyễn Hồng Lĩnh, em trai của Ly, mới học lớp 6 nhưng đã biết đi nhập rau, phụ mẹ chở rau ra chợ bán. “Cuộc sống trên thuyền bấp bênh, không ổn định, nhưng giờ mẹ con tôi không có chỗ nào để đi, phải bám lấy bến sông này. Dù tôi có khổ sở, vất vả thế nào đi chăng nữa, tôi sẽ cố gắng lo cho hai đứa được đi học đến chừng nào có thể”, chị Hiên vừa nói vừa dõi mắt ra phía những con thuyền cùng cảnh ngộ.
Dù đã nghỉ hè nhưng hai anh em Trung, Hiếu vẫn rất siêng học |
Trên chiếc thuyền nhỏ tạm bợ, rách nát, ông Nguyễn Văn Thi, người Quảng Bình đang chơi với hai đứa cháu ngoại. Quanh năm lênh đênh trên sông nước làm nghề chài lưới, vợ chồng cô con gái của ông chọn khúc sông Cửa Tiền neo đậu đã nhiều năm nay. Khổ nỗi nước sông ngày càng bị ô nhiễm, tôm cá cứ ít dần, sống không đủ ăn, người con rể bỏ đi làm thuê mấy năm nay chẳng thấy về, cô con gái ở nhà chán nản, buồn bã cũng bỏ thuyền, bỏ hai đứa con lại cho ông ngoại mà đi. Đứa lớn năm nay đến tuổi đi học nhưng ông không có tiền để cho cháu đến trường. Cám cảnh hơn, ông Thi lại bị tật ở chân, không thể đi lại được nên không có khả năng lao động. Hằng ngày ông chèo thuyền sang các thuyền khác mua mớ rau, bơ gạo để ông cháu sống qua ngày nhưng chẳng ai nỡ lấy tiền của ông. Cùng cảnh nghèo khó với nhau, nhưng người dân xóm vạn chài vẫn đùm bọc, giúp đỡ nhau để sống. Ông Thi khẽ trút tiếng thở dài, chậm rãi nói: “Tôi vừa gửi được hai đứa cháu cho ông bà nội, mai mốt tôi đưa chúng đến nhà họ, còn tôi về quê thôi. Mấy hôm trời nắng nóng không chịu nổi, lại hết cái ăn”.
Trong số những hộ dân ở xóm vạn chài, duy nhất gia đình chị Thái Thị Lành được chính quyền cấp hộ khẩu sông nước. Thế nhưng cuộc sống cũng không khá hơn là bao. 8 con người chui rúc trên con thuyền chật chội, nóng nực. Chồng chị, anh Nguyễn Văn Thuận, bị mù lòa không có khả năng lao động, một mình chị nai lưng ra làm việc nuôi sống 8 miệng ăn. 5 đứa con hai chị đầu phải đi làm thuê giúp mẹ trang trải cuộc sống. Còn Mai, cô con gái thứ 3, trông rất xinh xắn, cao ráo nhưng lại bị mù một mắt và thiểu năng trí tuệ. Chỉ còn hai đứa con trai Trung, Hiếu là được đi học. Hai anh em rất ham học, chăm chỉ và có ý thức trong học tập. Đặc biệt, em Trung có thành tích học tập rất tốt, 5 năm liền Trung đạt danh hiệu học sinh nghèo vượt khó và được cấp học bổng. Con thuyền cũ kĩ, chật chội bị mưa lũ đánh cho rách nát nhưng dán đầy giấy khen của hai anh em. Chị Lành nói với chúng tôi rằng, dù nghèo nhưng chị sẽ cố gắng nuôi các con ăn học, bởi chỉ có học mới mong các con thoát khỏi cảnh đói nghèo.
Thành phố lên đèn, bên kia cầu những ánh đèn màu xanh đỏ lấp lánh, tiếng trẻ con trên bờ gọi nhau sửa soạn quần áo đẹp theo bố mẹ đi chơi, lũ trẻ xóm vạn chài đứng trên thuyền dõi theo ao ước. Không biết đến bao giờ các em mới có một ngày Tết thiếu nhi đúng nghĩa?
Huyền Thương