(Congannghean.vn)-Đánh giá cán bộ là khâu có ý nghĩa quyết định trong công tác cán bộ, là cơ sở để lựa chọn, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm và thực hiện chính sách cán bộ; đồng thời ngăn ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng, đề bạt những người kém năng lực, phẩm chất vào bộ máy. Đó là bài học thực tiễn rút ra qua quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
Đánh giá cán bộ phải làm đúng lương tâm mình
Khi đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ còn nhiều tồn tại, yếu kém do nể nang, bè phái, cục bộ địa phương, nhiều vấn đề chưa xử lý được nên phong trào tại không ít địa phương, cơ sở không mạnh lên được là chuyện đương nhiên. Phân tích cụ thể hơn, sâu hơn, rõ hơn về vai trò, năng lực, trình độ chuyên môn và cả sự tín nhiệm của anh em cơ quan và nhân dân, tránh tình trạng bệnh thành tích ở cơ sở vẫn còn nặng, dân chủ cơ sở chưa thực hiện tốt khiến người dân chưa hài lòng, hạn chế tồn tại đã chỉ ra qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình nhưng cán bộ chưa sửa được. Đánh giá cán bộ là phải thực chất. Nếu không thẳng thắn với nhau thì sẽ chẳng ai tiến bộ được. Qua thực tế đánh giá lâu nay, tỉ lệ cán bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì nhiều, nhưng năng lực, khả năng của cán bộ để đáp ứng yêu cầu hiện nay của nhiều cơ quan, đơn vị còn yéu kém, phong trào không lên.
Phải mạnh dạn thay thế cán bộ yếu kém
Công tác đánh giá cán bộ là vấn đề hết sức hệ trọng và rất tế nhị, phức tạp vì làm không khéo dễ gây tâm tư, thắc mắc, mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến công tác chính trị của cán bộ. Do đó công tác này được các cấp ủy thực hiện rất thận trọng nhưng cũng thể hiện sự chính xác, công tâm, công khai và quyết liệt.
Cần mạnh dạn thay thế những cán bộ yếu kém để đáp ứng yêu cầu về nhân lực hiện nay - Tranh minh họa |
Việc nhận xét, đánh giá cán bộ phải trên tinh thần không được nể nang. Những cán bộ được đánh giá yếu nên động viên nghỉ hoặc bố trí công tác khác hợp lý với năng lực của họ. Đánh giá thực chất hơn sẽ tránh được tình trạng cơ quan người làm không hết việc, người không làm gì hoặc người “giữ ghế” ở lại làm không được việc và còn gây ảnh hưởng, kìm hãm sự tiến bộ của người khác.
Phải bảo vệ cán bộ dám đấu tranh
Để đánh giá cán bộ thực chất hơn, cần xác định rõ những yếu tố quan trọng đó là: Vai trò người đứng đầu rất quan trọng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương phải công tâm, khách quan, không ngại đụng chạm. Thủ trưởng đơn vị, cấp uỷ phải sâu sát công việc, sâu sát cơ sở và biết lắng nghe những ý kiến trái chiều. Những trường hợp làm tốt, hiệu quả được tập thể nhìn nhận, bỏ phiếu đánh giá cao nhưng cũng có những trường hợp cán bộ làm tốt, hiệu quả nhưng bị phiếu đánh giá thấp. Do đó phải đặt ra nhiều tình huống, nếu cán bộ chịu khó, tâm huyết, mạnh dạn trong tự phê bình và phê bình thì phải bảo vệ cán bộ, nhân rộng mặt mạnh nhưng phải tế nhị góp ý mặt yếu, làm sao để người được góp ý cũng cảm thấy khuyết điểm của mình mà không thấy chán nản, thậm chí làm thui chột, thủ tiêu đấu tranh. Thực tế cho thấy sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, nhận thức của nhiều đồng chí cán bộ, đảng viên đã có sự chuyển biến tích cực. Nhiều cán bộ đã tự giác soi lại mình, nhìn nhận một cách cụ thể hơn về những hạn chế, yếu kém của bản thân, đồng thời liên hệ trách nhiệm của bản thân với những hạn chế của tập thể, đề ra biện pháp khắc phục triệt để hơn và lòng dân tin tưởng hơn, phong trào đi lên rõ nét hơn.
Điều quan trọng trong đánh giá, bố trí, sắp xếp cán bộ phải lấy tiêu chí: Hiệu quả công tác làm thước đo phẩm chất, năng lực cán bộ, đây vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Bên cạnh đó phải quan tâm đến những cán bộ dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Để đánh giá cán bộ chính xác phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương nơi cán bộ phụ trách. Đây là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, chiều hướng phát triển của cán bộ.
Năm 2014, ngoài việc phải hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội của năm, một nhiệm vụ rất quan trọng là phải nắm lại đội ngũ cán bộ nhằm chuẩn bị nhân sự cho năm 2015, tiến hành Đại hội Đảng các cấp.