Gia đình xã hội
Trị bá bệnh bằng... bùa giấy và nước lã, trò lừa bịp của 'Tám Cô'
15:47, 29/05/2014 (GMT+7)
Ngay từ tờ mờ sáng, đã có hàng chục người từ nơi khác dọ đường hỏi tìm nhà bà Tám Cô ở ấp Thạnh Lợi, xã Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ (Cần Thơ) để xếp hàng, chờ tới lượt được người đàn bà này “niệm bùa chú gỡ tà phép, ban thuốc trị bệnh, hướng dẫn cách làm ăn”. Hôm đó, PV được nghe kể rằng vì quá cả tin mà nhiều người “đeo” bà chữa trị đến tiền mất tật mang, bệnh tình đổ nặng, thất điên bát đảo. Trong khi đó, “bà thầy” này càng ngày càng phất có lẽ do chưa bị ai “hỏi thăm sức khỏe”…
Trên đường giúp chúng tôi tìm đến nhà “bà thầy”, anh B. - con trai một “nạn nhân” của bà Tám Cô, kể mẹ của anh chẳng bệnh gì nặng. Do bà ít ăn, mệt mỏi, thiếu chất nên bà sinh tâm bệnh. Nghe nói bà Tám Cô nổi tiếng chữa bệnh bằng bùa phép nên bà tìm đến rồi... lậm “bà thầy” này cả chục năm nay, con cháu trong nhà khuyên răn cỡ nào bà cũng không nghe.
Bà Tám Cô đang chữa bệnh bằng cách dán bùa, dùng kim châm và phun nước lã vào người bệnh |
“Nhiều lúc mẹ tôi không đi bệnh viện mà tới chỗ bà Tám Cô trị nên tình trạng suy nhược càng thêm nặng, suýt chết mấy lần. Cả nhà đều biết bà có nguồn tiền riêng cũng kha khá, nhưng hiện giờ còn chẳng bao nhiêu. Mà mẹ tôi đâu có tiêu xài gì. Tôi nghi bà đã mang đi cúng cho bà thầy đó thôi” - anh B. bức xúc kể thêm.
Nhờ sự giúp đỡ và giới thiệu của một người quen, chúng tôi tiếp cận ông Phước - tài xế riêng của bà Tám Cô. Ông Phước không giấu giếm đã lái xe cho “bà thầy” hơn chục năm nay, từng đưa “bà thầy” đi rất nhiều địa phương, từ Đà Lạt đến Nha Trang, thậm chí ra tận Hà Nội để “trị bệnh”. “Bà Tám Cô có tật nói ngược nên lẽ ra kêu là Cô Tám thì bà lại kêu mọi người gọi là Tám Cô. Tám Cô coi tôi như con nuôi, đi đâu cũng chỉ kêu tôi chở. Lúc trước, mỗi khi đi Hà Nội, tôi thường phải chở bà lên Sài Gòn để bay. Giờ chỉ cần xuống sân bay Cần Thơ. Có lúc bà Tám Cô qua tận nước... Đức gỡ bùa yểm theo yêu cầu của khách hết một tháng trời. Mấy ngày đó, ở nhà Tám Cô, mỗi ngày có rất đông người đến chờ đợi” - ông Phước cho biết.
Để tránh bị nghi ngờ do dò hỏi nhiều về “bà thầy”, tôi trở về “vai” của mình nói với ông Phước rằng chúng tôi là dân nuôi tôm ở tận Cà Mau nhưng cứ xui xẻo, thất bát hoài, đặc biệt là cứ hay gặp ác mộng, thấy có một người mặc áo đen nhưng không có đầu cứ lởn vởn trên vuông tôm. Nghe vậy, ông Phước phán ngay: “Vậy là chú tìm tới bà thầy này là đúng rồi”.
Dường như để chúng tôi tin, ông Phước bắt đầu kể huyên thuyên về “bà thầy” của mình: “Khoảng 30 năm trước, Tám Cô làm lò gạch, sau đó chuyển qua làm hàng xáo, mua gạo bán ra tận miền Bắc. Được một thời gian, và bà bị bạn hàng chiếm dụng vốn, bị đổ nợ nên bà Tám Cô về bán đất trả nợ, sau đó trốn lên Thất Sơn ẩn thân trong... một cái hang. Những ngày ở đó, bà gặp 10 phụ nữ cũng đi... trốn nợ và trốn chồng. Thế nhưng chỉ có mỗi bà Tám nghe được tiếng của thần linh gọi tên, kêu bà leo lên vách đá lấy cái bọc màu đỏ trong đó có ấn, một cây đao nhỏ và hai cây kim. Không chỉ giúp bộ đồ nghề này, bà Tám Cô còn được người của bề trên xuống dựa, giúp bà gỡ bùa phép cho người dân, cứu nhân độ thế”.
Vẫn theo lời ông Phước, những ngày đầu “cứu nhân độ thế”, “bà thầy” ra ruộng bứt rau bợ, cỏ rồi gói vào lá sen làm thuốc cho mấy người bệnh uống. Thế nhưng sau này, bà chỉ làm bùa phép thôi. Ông Phước như chợt nhớ ra, kể thêm: “Một lần, có người nuôi cá tra bên An Giang qua than khóc cá trong ao bị chết nhiều. Bà thầy liền lên ao, đốt bùa pha vào xô nước rải xuống ao. Thế là cá tươi tỉnh lại ngay. Giờ nhiều người vẫn tìm tới bà nhờ coi ngày thả cá, ngày làm ăn gặp hên”. Rồi ông Phước quay sang chúng tôi: “Nếu mấy anh bị người ta yểm, làm tôm chết thì để tôi chở bà về Cà Mau gỡ bùa cho. Tiền xe 3 triệu đồng hà, còn tiền cúng tùy hỉ”.
Ngày hôm sau, khi chúng tôi tìm tới nhà “bà thầy” thì đã gần 8 giờ. Nghe con trai của “bà thầy” nói bà chỉ “cứu nhân độ thế” trước 7h sáng mỗi ngày, chúng tôi đành xuống nước năn nỉ, viện lý do đường xa, trên đường đi lại bị va quẹt xe. Nghe vậy, anh này kêu chúng tôi chờ để vào “xin ý thầy”. Lát sau, chúng tôi được “bà thầy” đồng ý tiếp. Chúng tôi được một người hướng dẫn vào căn nhà khuất sâu phía sau, có khuôn viên khá rộng có bố trí cả giường, võng để bệnh nhân nghỉ ngơi. Trước mặt chúng tôi là bà Tám Cô, mặc bộ đồ màu xanh, tướng người thấp, mập tròn, mặt trông có vẻ lì lợm, móng tay, móng chân sơn đỏ. Sau khi hỏi sơ qua “hành tung”, ý định nhờ cậy của chúng tôi, bà Tám Cô kêu tôi đi mua hai tờ giấy vàng mã khổ lớn ngoài chợ về cho bà coi. Nghe chúng tôi kể lại chuyện ác mộng, bà Tám Cô liền “phán”: “Chú bị thiên linh cái nhập rồi, phải gỡ ngay mới làm ăn được”.
“Bà thầy” Tám Cô vừa đọc thần chú vừa nhận tiền của bệnh nhân |
Nói xong, bà Tám lấy hai tờ giấy vàng mà tôi đưa xếp lại nhiều lần sau đó bảo tôi xoay lưng qua bàn thờ tổ đốt ba cây nhang cúng... cửu huyền. Lúc này, chúng tôi phát hiện bà Tám đã nhanh tay thay thế hai tờ giấy vàng khác của bà vào. Trên bộ đi văng, chúng tôi thấy đồ nghề của bà là mấy cái đĩa sứ, bên trong đựng chanh, dầu gió xanh, một ly đựng nước lọc, một cái túi đen đựng “bộ đồ nghề” đúng như lời ông Phước kể gồm một cây đao nhỏ, hai cây kim. Bà Tám Cô bắt đầu lẩm nhẩm niệm... thần chú, mới đầu là “Nam mô thích ca mâu ni Phật. Nam mô a di đà Phật” nhưng sau đó bà “”xổ” một tràng tiếng gì đó không rõ. Bà Tám dùng kim chấm vào hai bên thái dương và giữa trán tôi, sau đó niệm bùa. Trước mặt đám đông, “bà thầy” yêu cầu tôi cởi áo ra để bà lấy chanh, dầu chà vào ngực. Sau đó bà dán giấy vàng vào.
“Nếu không có ai yểm bùa thì tờ giấy sẽ trắng sau khi phun nước” - nói xong, bà Tám hớp ngụm nước và phun cái vèo vào ngực tôi. Thấy tờ giấy vẫn màu trắng, bà “phán”: “Trước ngực không có... ma nhập”. “Sống xương bà coi lại” - bà Tám nói. Tôi không hiểu gì nên vẫn ngồi im khiến bà nạt lớn, nhắc lại lần nữa. “Trợ lý” của bà đứng gần đó biết chúng tôi không hiểu nên giải thích: “Sống xương là xương sống đó, quay xương sống lại cho bà coi”.
Khi tôi quay lưng lại, bà Tám lại lấy chanh, dầu gió và giấy vàng dán lên lưng tôi rồi dùng kim chấm nhiều lần vào lưng, sau đó phun nước. Bỗng bà la lớn: “Con bị thiên linh cái nhập rồi”. Nói xong, bà cầm tờ giấy vàng đưa cho tôi xem. Trên đó hiện lên những hình thù màu trắng ngoằn ngoèo mà theo giải thích của “bà thầy” đó là “tà ma cần phải gỡ bỏ”. Tiếp đó, “bà thầy” móc bóp lấy ra ba lá bùa giấy màu vàng to bằng hai ngón tay đưa cho chúng tôi bảo đem về uống mỗi ngày một lá vào lúc 6 giờ chiều, ba ngày sau quay lại để “tái khám”.
Ba ngày sau, chúng tôi quay lại và ghi nhận chỉ trong vòng hơn một giờ, “bà thầy” này đã “cứu độ” cho vài chục người. Tiền cúng chẳng mấy chốc đã đầy đĩa. Trong lần “tái khám” này, Tám Cô nói tôi bị bệnh khá nặng nhưng không chịu tìm đến đây để “thầy” trị kịp thời. Do vậy, nếu muốn mau hết bệnh, muốn được mau gỡ tà ma ra khỏi người, bà yêu cầu tôi phải cúng mì gói, gạo, bột ngọt… Nghe cũng đơn giản, tôi nói để chạy ra chợ mua thì một “trợ lý” của bà kề tai: “Khỏi đi mua”. Thấy tôi đang còn phân vân, anh này nói tiếp: “Cúng thêm 800 ngàn đồng là được rồi”!
Theo tìm hiểu của PV, hầu hết các “con bệnh” tìm đến Tám Cô đều có tâm lý bất an, làm ăn thất bát, muốn sớm bán được tài sản, muốn “gỡ bùa”, thậm chí do nhiều lý do khác. Một phụ nữ ngoài ba mươi tuổi, sau khi được “bà thầy” gỡ bùa xong, chìa ra một tấm hình trong đó có chồng mình rồi đề nghị “bà thầy” cho “bùa ngải” để ông chồng về với gia đình vì... “ổng nhậu say xỉn tối ngày, ngủ bờ ngủ bụi”. Bà Tám cầm cây đao nhỏ vẽ vẽ vào hình, dán thêm lá bùa vào đó rồi hớp ngụm nước phun cái vèo. Không biết chồng chị này sau đó có bỏ nhậu hay không nhưng tôi thấy chị ta móc túi nộp tiền cúng thêm cho “bà thầy” 50.000 đồng. Ngày cuối cùng rong ruổi ở xã vùng sâu này, một cán bộ cho biết, xã từng phát hiện bà Tám Cô truyền bá mê tín dị đoan, chữa bệnh trái phép, đã cho cam kết không tái phạm nhưng bà vẫn lén lút hoạt động. |
Nguồn: cand.com.vn