Gia đình xã hội

Trào lưu 'sống thử' và những hệ lụy

09:02, 27/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Chứng kiến cuộc sống của Nguyễn Huy D., sinh viên năm 3, Trường ĐHSPKT Vinh (đang ở trọ tại đường Phan Công Tích, phường Hưng Dũng, TP Vinh): Sáng ra, “vợ” đi chợ về nấu nướng, giặt giũ rồi cùng “chồng” ăn bữa cơm trưa, cùng đèo nhau đến trường. Chiều về lại cơm nước, tắm rửa. Tối đến lại chở nhau đi dạo hoặc "đóng cửa tắt đèn"... Chẳng ai ngờ được rằng, cuộc sống gọi là “chồng, vợ” của D. chỉ nhờ qua facebook, nhắn tin và trò chuyện vài lần, sau 1 đêm rủ cô bạn về phòng ngủ và kết quả quyết định sống chung.
 
Đứng trên khía cạnh xét về phong tục truyền thống, thuần phong mỹ tục của Việt Nam thì “sống thử” là một lối sống không phù hợp với mọi nếp sống, mất đi vẻ đẹp quý giá của con người. Hiện nay, “sống thử” không còn xa lạ với hầu hết các bạn trẻ, nhất là với những cô cậu “nam thanh, nữ tú”, những người lao động xa quê. Phan Văn Thi quê ở Thanh Chương, công nhân tại Công ty CP Dệt may Hoàng Thị Loan, TP Vinh, đang sống cùng người yêu thẳng thắn bộc bạch: “Nếu yêu nhau và xác định sau này đến với nhau thì “sống thử” sẽ tiết kiệm chi phí tiền nhà, tiền sinh hoạt, đi lại… Chúng tôi cho rằng, trước khi cưới nhau cũng cần phải tìm hiểu nhau ở “mọi khía cạnh”. Tới khi cảm thấy ổn định thì sẽ tiến tới hôn nhân. “Sống thử” nhưng lại là thật”.
 
Tuy nhiên, “sống thử” không còn dừng lại bởi lý do muốn tiết kiệm chi phí sinh hoạt, để hai người hiểu về nhau hơn nữa mà “sống thử” dường như đã trở thành nhu cầu, trào lưu thiết yếu. Nếu trước đây, các đôi trai gái yêu nhau thường có thái độ rụt rè, nhút nhát, “mắc cỡ” thì ngày nay, chỉ cần trò chuyện làm quen qua điện thoại, facebook, chát... và sau vài ba lần gặp gỡ thì đã có thể “lên giường” cùng nhau. Các cặp “sống thử” chẳng ngại ngùng, không sợ bạn bè, dư luận và thậm chí công khai.
 
Mốt “sống thử” hiện nay đang được giới trẻ thích thú mà không nghĩ đến những hậu quả về sau - Ảnh minh họa
Mốt “sống thử” hiện nay đang được giới trẻ thích thú mà không nghĩ đến những hậu quả về sau - Ảnh minh họa
 
Khi hỏi suy nghĩ như thế nào về tình yêu và những hậu quả cuộc sống hiện tại, Nguyễn Huy D. trả lời không do dự: “Yêu thì cứ yêu, thích thì sống với nhau, thế thôi. Nhu cầu cả hai mà. Ba năm học em cũng không nhớ đã yêu mấy người, nhưng đã sống cùng 3 người con gái, hầu hết cũng chỉ gặp vài lần là yêu. Nếu có “lỡ’ thì phải đi nạo phá thôi chứ biết làm sao. Lúc sống chung bọn em cũng cam kết thế mà, khi không hợp nữa thì chia tay,… rồi mối tình khác đến”. D. cho biết thêm: Dãy trọ của tụi em có tất cả 18 phòng, nhưng dì chủ trọ lại ở cách xa. Là người rất thoáng tính, dì không hề đặt ra những nguyên tắc hà khắc nên hiện tại dãy trọ có tới 15 cặp sinh viên cùng nhau “sống thử”.
 
Trần Thị Điệp sinh viên năm 3 Đại học Vinh, trọ tại phường Trường Thi cho biết: Ngày mới vào năm một, chứng kiến cảnh các anh chị khoá trên ở chung mà em sợ, phải chuyển phòng liên tục. Nhưng tới đâu cũng đều chứng kiến cảnh “vợ chồng” sinh viên cả thôi. Bây giờ thì thấy quen rồi, chẳng có vấn đề gì đáng ngạc nhiên hết. Hiện tại chỗ em có 10 phòng trọ, ngót nghét có 5 phòng nam nữ sống chung. Có cô bạn (Lô Thị T.) trước đây ở cùng phòng với em, T. vốn học rất giỏi, nhưng kể từ lúc chuyển sang ở cùng phòng với bạn trai thì học hành ngày một sa sút, thân hình ốm và tiều tuỵ đi nhiều.  
Không chỉ vậy, nhiều cặp sinh viên ở đây do điều kiện khá đầy đủ, họ che mắt gia đình, bạn bè bằng cách vẫn thuê hai phòng trọ ở cạnh nhau nhưng tới buổi lại thổi cơm chung, tối đến tắt đèn lại sang ngủ cùng nhau... Lúc giận nhau thì anh, chị người nào lại về phòng đó. Đó là chuyện hằng ngày vẫn diễn ra tại xóm trọ của anh Nguyễn Văn Trung, sinh viên năm 4, ngành Cơ khí, ĐHSPKT Vinh.
 
Trao đổi về vấn đề “sống thử” của sinh viên hiện nay, thầy Phan Xuân Thạch, Trưởng phòng Quản lý HS-SV Trường ĐHSPKT Vinh cho biết: Thông qua các buổi sinh hoạt đầu khoá, nhà trường luôn chỉ rõ cho sinh viên thấy được hậu quả của việc “sống thử” không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn gây ra các tệ nạn bạo lực học đường, tình trạng mang thai ngoài ý muốn dẫn đến nạo phá thai, con cái sinh ra chưa được pháp luật công nhận và đặc biệt nó có thể kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hôn nhân thực sự của các bạn sau này. Hằng năm, chúng tôi vẫn cử giáo viên đi kiểm tra cuộc sống của sinh viên ra sao và sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm nội quy của nhà trường. Tuy nhiên, vì số lượng sinh viên quá đông nên công tác quản lý sẽ không tránh được những thiếu sót.
 
“Giới trẻ bây giờ quan niệm về tình yêu và hôn nhân quá phóng túng. Ngoài ra, cuộc sống xa nhà thiếu thốn tình cảm và không bị gia đình quản lý nên họ dễ dàng tìm đến với nhau để được chia sẻ và chăm sóc mỗi khi ốm đau”  - một chủ nhà cho thuê phòng trọ tại đường Nguyễn Viết Xuân giải thích.
 
Thế nhưng, ngoài một số nơi cho thuê phòng trọ có đưa ra quy định và kiểm tra nghiêm ngặt thì không ít chủ nhà trọ sau khi đề ra nội quy lại không có sự kiểm soát. Chẳng hạn có nơi cấm nam, nữ sinh viên sống chung, nhưng tối đến các cô cậu sinh viên vẫn thoải mái dẫn người yêu về ngủ qua đêm.
 
Chứng kiến và tìm hiểu tình trạng “sống thử” và quan hệ tình dục trước hôn nhân ở giới trẻ hiện nay, bản thân người viết cảm thấy giật mình và lo sợ cho cuộc sống của lớp thế hệ tương lai sau này. Vì đằng sau “sống thử” là nhiều vấn đề phức tạp giữa tình dục và kinh tế, phẩm hạnh và đạo đức, tình yêu và trách nhiệm... mà các bạn chưa hề ý thức được. Trước khi chưa muộn, mong rằng các bạn trẻ luôn tỉnh táo để tự bảo vệ mình trước những cám dỗ, tránh làm tổn thương đến chính bản thân mình và người thân.

Kiều Nga

Các tin khác