Gia đình xã hội

Bệnh dại gia tăng vào mùa nắng nóng

08:09, 27/05/2014 (GMT+7)

 

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đến thời điểm này số ca tử vong do bệnh dại ở nước ta có giảm 18 trường hợp so với cùng kỳ 2013.

Đỉnh điểm mùa bệnh dại

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia y tế bệnh dại thường tăng cao vào mùa nắng nóng, nên số trường hợp mắc bệnh có thể sẽ gia tăng vào thời gian tới, đỉnh điểm là từ tháng 5 đến tháng 8.

Mới đây nhất, chỉ trong 1 tuần (từ ngày 16-22/5), cả nước đã ghi nhận thêm 3 trường hợp tử vong do bệnh dại tại Hòa Bình, Bắc Giang, Yên Bái.

Sở Y tế Hà Nội cũng đã xác nhận 2 trường hợp tử vong vì bệnh dại sau 3 năm vắng bóng ở địa phương. Theo điều tra của Sở Y tế Hà  Nội, cả 2 trường hợp đều chưa tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó nghi dại cắn là do chủ quan.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam nằm trong khu vực lưu hành cao bệnh dại, với khoảng hơn 100 người chết hằng năm do bệnh dại. Đáng chú ý, người mắc bệnh dại ở chủ yếu là người nghèo, dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng  xa, nơi điều kiện kinh tế người dân còn khó khăn.

Không chủ quan khi bị chó, mèo cắn

PGS.TS. Trần Đắc Phu chia sẻ, với tâm lý vừa để giữ nhà vừa làm thực phẩm, nên rất nhiều gia đình ở hiện nay nuôi chó, mèo trong nhà, vì vậy, số lượng đàn chó, mèo tại các địa phương rất lớn. Tuy nhiên, việc quản lý đàn chó, mèo tại các địa phương còn lỏng lẻo, như chó ra ngoài không rọ mõm, chó chạy rông ngoài đường rất nhiều… Điều này đồng nghĩa với việc người bị chó dại cắn cũng rất lớn.

Trong khi đó, tỉ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo ở các địa phương chưa cao vì sự quan tâm và nhận thức của người dân đối với việc này còn hạn chế. Ngoài ra, do chủ quan vì nghĩ rằng không phải tất cả những trường hợp bị chó, mèo cắn đều mắc bệnh dại, nên nhiều người không đi tiêm phòng sau khi bị chó, mèo cắn.

Đặc biệt, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, khó khăn lớn nhất đối với công tác tiêm phòng dại trên đàn chó, mèo là đội ngũ thú y viên cơ sở quá mỏng, mỗi xã thường chỉ có 1 người, nên tỷ lệ tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo còn rất thấp...

Chẳng hạn tại Yên Bái, 4 tháng đầu năm 2014, toàn tỉnh mới triển khai tiêm được hơn 42.000 liều, dự kiến hết năm 2014 là 80.000 liều, đạt khoảng 50% tổng đàn chó hiện nay của tỉnh. Như vậy, số chó chưa được tiêm phòng dại trên địa bàn còn rất lớn, nguy cơ gây bệnh dại ở người vẫn còn cao.

PGS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh dại trên người có thể phòng và điều trị dự phòng bằng vaccine và huyết thanh kháng dại. Tiêm vaccine dại cho cả người và động vật (chủ yếu là chó) là biện pháp hiệu quả để phòng chống bệnh dại.

Đối với con người, chỉ tiêm phòng bệnh dại khi bị động vật nghi dại cắn. Tốt nhất là sau khi bị động vật cắn, phải theo dõi và chăm sóc con vật đó cẩn thận. Nếu sau 7 ngày, động vật đó không chết thì không phải tiêm. Trong trường hợp không theo dõi được tình trạng của động vật đó hoặc bị cắn vào vùng đầu, mặt, cổ thì phải đi tiêm phòng ngay.

Hiện nay, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo tất cả các huyện có các điểm tiêm phòng dại cho người dân. Tại một số tỉnh cũng đã có hỗ trợ kinh phí cho những người nghèo được tiêm phòng bệnh dại.

Nguồn: chinhphu.vn

Các tin khác