Gia đình xã hội

Vững vàng bám biển, vươn khơi

09:39, 26/05/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Từ bao đời nay, với bà con ngư dân, truyền thống bám biển, vươn khơi luôn được duy trì từ đời này sang đời khác. Ở các huyện ven biển của tỉnh Nghệ An, bà con luôn xem tàu thuyền là nhà, biển cả như quê hương máu mủ ruột rà. Trước tình hình Trung Quốc đặt hạ giàn khoan HD 981 trái phép trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, biển Đông đang dậy sóng từng ngày, nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngư dân vẫn luôn vững tay lái, chắc tay chèo, bám trụ trên ngư trường khai thác nhằm góp phần bảo vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
 
Trong chiến tranh chống Mỹ, cùng với nhân dân cả nước góp sức người, sức của nhằm đánh đuổi quân xâm lược, ngư dân vùng biển Nghệ An đã góp phần không nhỏ làm nên những thắng lợi vang dội khiến kẻ thù khiếp sợ. Đã có một thời, ngư dân nơi đây từng khơi dậy hào khí vừa lao động sản xuất, vừa kiên cường đánh trả giặc Mỹ, nêu cao tinh thần “vững tay chèo, chắc tay súng”, làm nên những chiến công lẫy lừng.
 
Chỉ tính riêng ngư dân huyện Quỳnh Lưu trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ (giai đoạn 1964 - 1973), lực lượng dân quân du kích các xã vùng biển Quỳnh Lưu đã đánh 1.410 trận lớn, nhỏ với không quân, hải quân, biệt kích Mỹ nguỵ, bắn cháy, làm bị thương 7 tàu chiến, bắn bị thương 2 máy bay thuỷ phi cơ, diệt gần 100 tên Mỹ nguỵ, vận chuyển 2 vạn tấn vũ khí lương thực, thực phẩm, vớt 1.000 tấn gạo trên biển…  Các trung đội dân quân tự vệ các xã vùng biển như Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Bảng… đã từng ghi chiến công vang dội trong việc bắn hạ máy bay Mỹ trên vùng biển Quỳnh Lưu. Hơn ai hết, những ngư dân ở đây bao đời nay luôn thấu hiểu, chính biển cả đã nuôi nấng, chở che cho mình lớn lên nên việc rời xa biển là điều không thể xảy ra. Cứ sau mỗi mùa cá, mùa tôm, ngư dân lại tu sửa, đóng mới thêm nhiều tàu thuyền vững chãi hơn để tiếp tục ra khơi. Cùng với con số hàng nghìn tàu thuyền của toàn tỉnh, huyện Quỳnh Lưu hiện nay cũng đã có trên 2 nghìn tàu thuyền tham gia đánh bắt xa bờ.
 
Ngư dân Quỳnh Lưu đang chuẩn bị ngư cụ ra khơi đánh bắt hải sản
Ngư dân Quỳnh Lưu đang chuẩn bị ngư cụ ra khơi đánh bắt hải sản
Những ngày này, đi dọc dài theo vùng bãi ngang của các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai, cùng với việc hăng say lao động sản xuất thì trên bến, dưới thuyền, ngư dân vẫn không ngớt lời hỏi thăm nhau về tình hình ngư trường khai thác ngoài khơi xa. Những bà mẹ, người vợ trên đất liền luôn ngóng trông, cầu mong người thân của mình bám biển cho thuyền về cá, tôm đầy khoang. Hơn ai hết, khi những chiếc tàu nổ máy ra khơi bám biển dài ngày, ngoài việc đánh bắt thủy, hải sản thì họ còn góp phần bảo vệ ngư trường thuộc phần lãnh hải của Tổ quốc.
 
“Thời gian qua, do tình hình biển Đông căng thẳng nên ngư dân chúng tôi cũng bị ảnh hưởng không nhỏ trong việc đánh bắt xa bờ. Nhiều lần, tàu cá chúng tôi bị tàu Trung Quốc rượt đuổi ngay chính ngư trường giáp ranh nên hiệu quả đánh bắt cũng có phần giảm xuống so với trước kia. Tuy nhiên, tôi cũng như anh em trên tàu của mình vẫn quyết tâm bám biển. Bây giờ, chúng tôi không chỉ ra khơi để đánh bắt cá, tôm nữa mà còn góp phần cùng với ngư dân cả nước bám trụ lấy vùng biển của nước ta” - Anh Trương Huy Luyến, chủ tàu mang số hiệu NA 96666 TS công suất 600 CV ở xã Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu) tâm sự. Cũng như anh Luyến, hàng trăm tàu thuyền có công suất lớn đủ bám biển dài ngày ở các xã Tiến Thủy, Quỳnh Long, Sơn Hải… của huyện Quỳnh Lưu đều luôn quyết tâm không bao giờ từ bỏ nghề đi biển mà lớp lớp cha ông đã truyền lại.
 
Hiện nay, huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đã có trên 200 tàu được cấp phép tham gia khai thác hải sản ở vùng đánh cá chung của quốc tế. Từ đầu năm đến nay, ngư dân Quỳnh Lưu đã khai thác được gần 10.000 tấn hải sản các loại. Nhận thấy tiềm năng kinh tế biển to lớn, các cấp, các ngành của huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai đang chỉ đạo các xã tiếp tục đầu tư, mua sắm, đóng mới cũng như nâng cấp tàu thuyền để vươn khơi khai thác hải sản có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh đó, các địa phương cũng tiến hành đẩy nhanh các chính sách hỗ trợ cho một số hộ vay vốn, tạo điều kiện liên kết tàu thuyền nhằm giữ vững ngư trường đánh bắt thuộc vùng lãnh hải của Việt Nam. Công tác đào tạo, tập huấn cho thuyền viên về ngư trường được phép khai thác, đánh bắt hải sản cũng được các cấp quan tâm thực hiện. Qua đó, bà con ngư dân yên tâm bám biển, nâng cao hiệu quả kinh tế trong mỗi chuyến vươn khơi.
 
Hơn bao giờ hết, mỗi chuyến ra khơi của ngư dân còn là niềm tin gửi gắm tinh thần bảo vệ vùng ngư trường thuộc lãnh hải của đất nước ta. Biển đã nuôi nấng bao thế hệ nên dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngư dân ở đây vẫn không thể rời xa biển, rời xa chính cái nôi đã gắn bó cả cuộc đời của mình và sẽ còn lớp lớp con cháu mai sau vững vàng bám biển, vươn khơi.

Ngọc Thái

Các tin khác