Gia đình xã hội
Dự Luật BHYT sửa đổi: Bãi bỏ nhiều qui định phiền hà cho người dân
Dự luật Bảo hiểm y tế sẽ bãi bỏ qui định cùng chi trả 5% cho một số nhóm đối tượng, vì họ không có khả năng chi trả, mà thủ tục phức tạp, khiến người dân ngại đi KCB: Cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng 100% chi phí KCB; hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, các thân nhân khác của người có công với cách mạng cũng được hưởng lên 95%, thay cho trước đây chỉ 80% hoặc 95%. Người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%. Nhà nước sẽ mua thẻ BHYT cho những người ở vùng đặc biệt khó khăn.
Chiều 22/5, Bộ Y tế đã họp báo, giới thiệu một số điểm mới của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), vừa được trình Quốc hội cùng ngày. PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì.
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế), những điều sửa đổi, bổ sung của Luật BHYT lần này có tính đột phá mạnh mẽ, khắc phục những hạn chế của Luật BHYT hiện hành. Luật hiện hành chưa “bắt buộc” tham gia BHYT, nên người dân không tham gia cũng không có chế tài xử phạt và rất khó để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân. Với dự thảo Luật lần này, sẽ bắt buộc mọi người tham gia BHYT, cùng với việc Nhà nước hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng, nhằm thúc đẩy thực hiện BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Bộ Y tế cho biết, để thu hút người dân tham gia BHYT, sẽ bố trí nguồn lực, nâng cao y đức và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh (KCB), đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT. Theo dự luật này, những người thuộc Quân đội và Công an sẽ phải tham gia BHYT và Chính phủ sẽ quy định lộ trình phù hợp với đặc thù của lực lượng này. Việc khuyến khích tham gia BHYT theo hộ gia đình, sẽ khắc phục tình trạng bỏ sót và cấp trùng thẻ BHYT, hạn chế tình trạng chỉ có người ốm mới tham gia BHYT nên những người tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi, với mức giảm cao hơn hiện nay 20%.
Dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi nhằm thúc đẩy thực hiện BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội. Ảnh minh họa. |
Dự luật sẽ bãi bỏ qui định cùng chi trả 5% cho một số nhóm đối tượng, vì họ không có khả năng chi trả, mà thủ tục phức tạp, khiến người dân ngại đi KCB: Cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, con của liệt sỹ được hưởng 100% chi phí KCB; hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, các thân nhân khác của người có công với cách mạng cũng được hưởng lên 95%, thay cho trước đây chỉ 80% hoặc 95%. Người thuộc hộ cận nghèo từ 80% lên 95%. Nhà nước sẽ mua thẻ BHYT cho những người ở vùng đặc biệt khó khăn. Những người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, sẽ được Quỹ BHYT thanh toán 100% (trừ trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến, sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao chi phí lớn, thuốc ngoài danh mục.)
Nhằm tránh tình trạng khó kiểm soát được chi phí KCB BHYT, dự thảo bổ sung khái niệm “Gói dịch vụ y tế cơ bản do bảo hiểm y tế chi trả là những dịch vụ y tế thiết yếu cho cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng, phù hợp với khả năng chi trả của quỹ bảo hiểm y tế.” Điều được nhiều người quan tâm là, nhiều dịch vụ không được Luật BHYT hiện hành thanh toán BHYT, đã được bãi bỏ. Theo đó, sẽ thanh toán chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt đối với trẻ em dưới 6 tuổi, cũng như với những trường hợp tự tử, tự gây thương tích. Dự luật cũng chi trả cho tư vấn dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt cho trẻ bị suy dinh dưỡng nặng. Thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày trẻ tròn 6 tuổi. “Tai nạn giao thông được thanh toán mà không cần xác định có vi phạm pháp luật hay không. Vì nếu người dân sai phạm, sẽ bị xử lý bằng hình thức khác, ngành Y tế chỉ có trách nhiệm cứu chữa người bệnh.”- bà Tống Thị Song Hương nhấn mạnh.
Thực tế những năm qua cho thấy, đa số trường hợp vượt tuyến do không tuân thủ qui định chuyên môn kỹ thuật, khiến các BV tuyến trên quá tải. Nhằm giảm tải cho các BV tuyến trên, Dự luật BHYT sẽ giảm mức thanh toán cho người có thẻ BHYT KCB vượt, trái tuyến: 20% chi phí KCB tại bệnh viện tuyến TW; 50% chi phí KCB tại bệnh viện tuyến tỉnh và 70% chi phí KCB tại bệnh viện tuyến huyện
Nguồn: cand.com.vn