Tôi hỏi ngư dân Đặng Phi (trú tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90162TS: “Tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc đang dày đặc ngoài khơi, đi biển lần này, anh có sợ không?”. Không một chút đắn đo, anh Phi cười bảo: “Biển của mình, mình đi! Sợ gì chứ. Trước đây, tàu của tui ra khơi, cũng hay gặp tàu Trung Quốc, nó cũng dọa nạt, uy hiếp dữ dằn lắm; nhưng chưa manh động như bây chừ. Nay qua đài báo và biết tàu bọn hắn lấn biển của mình, dám đâm cả tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển Việt Nam, nhưng tui và anh em đều quyết tâm vươn khơi, giữ biển”.
Chúng tôi có mặt ở cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng, khi trời chưa sáng rõ. Không khí làm việc ở cảng thật sôi nổi, khẩn trương. Chỗ này một nhóm ngư dân chuyển nước đá mới “ra lò” và những canh dầu xuống tàu. Chỗ kia, một tốp lo kiểm tra ngư lưới cụ... Những ngư dân ra khơi xa đều hiểu rõ rằng mọi sự chuẩn bị chu đáo trước khi cho tàu rời bến là điều không bao giờ thừa; bởi mỗi sơ suất khi tàu trên biển đều dễ phải trả giá bằng mạng sống, bằng sự mất sạch tài sản, vốn liếng.
Tôi hỏi ngư dân Đặng Phi (trú tại phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu, Đà Nẵng), chủ tàu ĐNa 90162TS: “Tàu hải cảnh, hải giám của Trung Quốc đang dày đặc ngoài khơi, đi biển lần này, anh có sợ không?”. Không một chút đắn đo, anh Phi cười bảo: “Biển của mình, mình đi! Sợ gì chứ. Trước đây, tàu của tui ra khơi, cũng hay gặp tàu Trung Quốc, nó cũng dọa nạt, uy hiếp dữ dằn lắm; nhưng chưa manh động như bây chừ. Nay qua đài báo và biết tàu bọn hắn lấn biển của mình, dám đâm cả tàu Kiểm ngư, tàu Cảnh sát biển Việt Nam, nhưng tui và anh em đều quyết tâm vươn khơi, giữ biển”.
Thời gian này, mỗi ngày, chỉ riêng cảng Thọ Quang đã có hàng chục tàu vươn khơi, thẳng tiến về ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa. Nhiều ngư dân cũng cho hạ thủy thêm các tàu có công suất lớn để ra Hoàng Sa. Không giấu được niềm vui khi hạ thủy con tàu dịch vụ hậu cần có công suất 850CV, ngư dân Trần Toàn (trú tại quận Hải Châu) chia sẻ: “Đây là con tàu thứ 3 của gia đình tui. Trước đây tui và con trai Trần Ty, Trần Thuận thay nhau điều khiển hai con tàu đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa. Mỗi chuyến đi chừng 1 tháng là phải quay về bờ, vì hết, thiếu nhiên liệu. Cha con tui ấp ủ, mơ ước đóng con tàu dịch vụ này từ lâu rồi, nay mới thực hiện được”. Được biết, con tàu được hạ thủy lần này mang số hiệu ĐNa 90611TS được đóng mới hoàn toàn với số tiền đầu tư lên đến 3,2 tỷ đồng, trong đó UBND TP Đà Nẵng hỗ trợ 800 triệu đồng.
Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu trao quà tặng ngư dân chuẩn bị ra vùng biển Hoàng Sa |
Ông Toàn tâm sự: “Tui đóng tàu vào tháng 3, dự kiến đầu tháng 6 mới hạ thủy. Nhưng rồi nghe tin Trung Quốc hoạt động trái phép ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam mình tui sốt ruột lắm. Nghĩ đến tàu bạn không bám trụ được lâu ngày trên biển vì thiếu tàu dịch vụ nên tui dốc hết vốn, đẩy nhanh tiến độ đóng tàu, kịp vươn khơi hỗ trợ tàu bạn bám biển”. Tâm sự và việc làm của ông Toàn thật đáng trân trọng. Trong lúc này đây, chúng tôi hiểu rằng hàng triệu con dân đất Việt đang hướng về biển Đông với những cung bậc cảm xúc khác nhau nhưng mỗi người theo cách của mình đều thể hiện lòng yêu nước, quyết tâm giữ vững vùng trời, vùng biển mà cha ông đã đổ xương máu bảo vệ.
Tại cảng cá, các ngư dân tàu đánh bắt xa bờ gặp chúng tôi đều khảng khái, khi nói về quyết tâm ra khơi đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. Ngư dân Nguyễn Anh Trung (quê xã Phổ Thạnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi) cho biết, tàu cá của anh sửa chữa gần một tháng, hiện đang chuẩn bị nhu yếu phẩm để ra khơi. Anh có biết về sự truy đuổi, uy hiếp gắt gao của Trung Quốc, nhưng anh không sợ. “Biển của mình, mình chính nghĩa, sợ chi kẻ phi nghĩa. Trung Quốc mang giàn khoan xâm lấn lãnh hải nước mình, họ phải sợ mình chứ…”, anh Trung bày tỏ. Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội nghề cá Đà Nẵng cũng có mặt tại cảng cá Thọ Quang, hỏi thăm, động viên bà con ngư dân. Ông Lĩnh tự hào nói: “Ngư dân mình gan dạ lắm. Khi Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép, hung hăng xua tàu quân sự, hải cảnh, kiểm ngư và cả máy bay uy hiếp; nhưng chưa có tàu cá nào của ngư dân chuyển ngư trường đánh bắt. Biển, đảo cha ông để lại thì phải bảo vệ, giữ gìn”...
Trước những hành động truy đuổi, đập phá của tàu Trung Quốc, ngư dân Việt Nam không đơn lẻ ra khơi mà họ đã liên kết thành tổ, đội sản xuất trên biển. Chính quyền TP Đà Nẵng cũng tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ từ 500-800 triệu đồng đối với tàu cá công suất từ 400CV trở lên, giúp ngư dân có điều kiện nâng công suất tàu. Với mục tiêu: “Mỗi con tàu là một cột mốc trên biển”, ngư dân miền Trung tỏ rõ quyết tâm bám biển, đánh bắt hải sản trên ngư trường truyền thống, góp phần bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc…
.