Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201405/chuyen-ghi-tren-con-duong-huyen-thoai-485385/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201405/chuyen-ghi-tren-con-duong-huyen-thoai-485385/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Chuyện ghi trên con đường huyền thoại - Báo Công An Nghệ An điện tử
Chủ Nhật, 18/05/2014, 08:42 [GMT+7]

Chuyện ghi trên con đường huyền thoại

Bài 1: Người anh hùng đầu tiên của bộ đội Trường Sơn và kỷ lục "đi bộ một vòng trái đất"

Bài 2: Anh hùng “vận tải” Đoàn Minh Nguyệt và những chuyến xe vượt Trường Sơn

Bài 3: Nghĩa tình Trường Sơn trên quê hương Bác Hồ

(Congannghean.vn)-Cột mốc số 0 tọa lạc trên đường Hồ Chí Minh ở thị trấn Tân Kỳ được coi là điểm xuất phát của con đường Trường Sơn huyền thoại chi viện cho chiến trường miền Nam. Trong chiến tranh cũng như trong thời bình, nơi đây đã trở thành điểm hẹn lịch sử, là nơi giáo dục truyền thống cho bao thế hệ tiếp bước cha ông trên tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên Cột mốc số 0 và hai bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại hôm nay, cuộc sống mới đang được thắp lên, ấm no và hạnh phúc.

Bài cuối: Ghi ở Cột mốc số 0 và những đổi thay bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Quê tôi ở Tân Kỳ, nên mỗi lần về lại quê hương, vẫn được nghe các bậc lão thành cách mạng kể chuyện chiến tranh, nghĩa tình cưu mang đồng bào Vĩnh Linh (Quảng Trị) trong những năm tháng ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Vượt qua chiến tranh lửa đạn, theo con đường Trường Sơn huyền thoại, hàng vạn đồng bào Vĩnh Linh đã ngược ra Bắc, được quân dân Tân Kỳ chở che, đùm bọc. Tình nghĩa ấy, đến nay vẫn còn đậm sâu, vẹn nguyên và thắm thiết.

Tự hào là nơi xuất phát con đường Hồ Chí Minh lịch sử

Tân Kỳ vinh dự là điểm xuất phát của đường cơ giới Hồ Chí Minh. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hậu phương miền Bắc XHCN đã tập kết sức người, sức của để phục vụ cho công cuộc giải phóng miền Nam. Đường chiến lược cơ giới mang tên Hồ Chí Minh được xây dựng, tọa lạc ngay góc giao lộ, sừng sững Km 0 của đường Hồ Chí Minh tuyến Đông Trường Sơn. Vào tháng 5/1959, trước tình hình chiến tranh tại miền Nam diễn ra vô cùng ác liệt, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp bàn để đề ra phương án cho cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trước yêu cầu cấp bách của hoàn cảnh lịch sử, cần phải có một tuyến vận tải chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, Lào và cả Campuchia, ngày 19/5/1959, Bác Hồ đã quyết định thành lập tuyến vận tải chiến lược dọc dãy núi Trường Sơn (đường Hồ Chí Minh ngày nay). Thượng tá Võ Bẩm quê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), nguyên Cục phó Cục Nông trường, là người được Tổng Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ tổ chức "Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn để chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh hôm nay

Ngày 9/9/1964, có hàng vạn công binh, TNXP, nhân dân thuộc các huyện của tỉnh Nghệ Tĩnh cũ đã tập trung để khởi công đoạn đường này. Họ đã lập một kỳ tích, đào bới hàng nghìn khối đất đá, khôi phục hàng chục cầu cống, trực tiếp bắn rơi máy bay và bắt nhiều giặc lái. Tại điểm đầu thuộc địa phận thị trấn Tân Kỳ, những người mở đường năm ấy đã dùng một cây gỗ lớn và khắc thành “Cây số 0” để xác lập điểm khởi đầu của con đường. Ngày 27/11/1972, cán bộ Công đoàn Đoàn 559 đã khởi công xây dựng tuyến đường Đông Trường Sơn, nối đến tận Lộc Ninh là tuyến mạch máu cung cấp hậu cần, góp phần để quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử của chiến dịch Hồ Chí Minh vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà.

Tân Kỳ vinh dự là hậu cứ xuất phát của nhiều sư đoàn chủ lực cho chiến trường miền Nam. Trong số đó có Sư đoàn 316, đơn vị đánh trận mở màn chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tại Buôn Mê Thuột. Tân Kỳ cũng là mảnh đất hậu phương đùm bọc, che chở cho gần 3 vạn đồng bào Vĩnh Linh trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt chống đế quốc Mỹ. Sau khi đất nước giải phóng, Cột mốc số 0 đã được xây dựng lại và đã được Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia vào ngày 27/4/1990 theo Quyết định số 84 VH/QĐ.
Qua một thời gian dài với sự khắc nghiệt của thiên nhiên, cột mốc bị xuống cấp nghiêm trọng.

Nhân kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Km số 0 đã được Nhà nước, Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh tôn tạo, nâng cấp để xứng với tầm vóc lịch sử. Toạ lạc tại vị trí trung tâm của thị trấn Lạt (Tân Kỳ), hiện nay Cột mốc số 0 là một chứng tích lịch sử bền đẹp, hoàn chỉnh và có giá trị bền vững bởi sử dụng chất liệu xây dựng tốt. Cùng với cột mốc mới vừa xây dựng, hiện nay trong quần thể di tích này còn có ao sen, vườn hoa, nhà lưu niệm và một bệ bê tông cốt thép đặt một chiếc xe tải, đầu hướng vào Nam.

Di tích này sẽ ghi nhớ khởi điểm con đường huyền thoại đã góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hằng năm, du khách trong và ngoài nước cũng như các vị lãnh đạo tỉnh khi đến làm việc với UBND huyện Tân Kỳ đều đến với Cột mốc số 0. Đảng bộ và nhân dân Tân Kỳ đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang". Vùng đất này đã trở thành biểu tượng chung của hậu phương miền Bắc hướng về tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Đổi thay bên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Ghi nhận thành tích và chiến công của vùng đất khởi đầu tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, Đảng và Nhà nước đã phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho Đảng bộ và nhân dân huyện Tân Kỳ và 7 xã của huyện là Kỳ Tân, Kỳ Sơn, Nghĩa Hợp, Nghĩa Đồng, Nghĩa Bình, Giai Xuân và Tiên Kỳ. Đường Hồ Chí Minh đi qua 6 xã của huyện đã làm thay đổi diện mạo địa phương. Nhiều nơi đã từ mảnh đất sỏi đá khô cằn trở thành vùng đất trù phú nhờ biết khai thác lợi thế của con đường đã mở, như xã Tân Hương trở thành “vựa” cây con, cây giống không chỉ cho huyện mà còn cung cấp cho các địa phương khác.

Nghĩa Bình đang từng bước chuyển mình từ xã vùng sâu, vùng xa thành thị trấn, thị tứ. Ông Phạm Văn Hóa, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ phấn khởi cho biết: 38 km đường Hồ Chí Minh đi qua địa bàn huyện đã tạo cơ hội cho các địa phương cấp xã bứt phá và phát triển với tốc độ thần kỳ. Huyện cũng đang chú trọng xây dựng nền kinh tế công nghiệp gắn với dịch vụ để khai thác hết tiềm năng sẵn có. Ngoài ra, Cột mốc số 0 đã trở thành điểm đến của các tour du lịch về nguồn, là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Cũng không riêng gì Tân Kỳ, ở các địa phương như Nghĩa Đàn, Anh Sơn và Thanh Chương, nơi có tuyến đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh chạy qua, đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, nhất là trong lĩnh vực giao thông, tạo thành hệ thống xương cá thông suốt. Năm 2013, với việc cửa khẩu Thanh Thủy được thành lập, Thanh Chương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ trong quá trình giao thương để phát triển kinh tế. Thị tứ Hạnh Lâm đang chuyển mình mạnh mẽ, trở thành đầu mối giao thương quan trọng của người dân các xã vùng sâu, vùng xa của huyện.

Cùng với đó, dọc hai bên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Nghĩa Đàn, một màu xanh trù phú của cà phê, cam và mía đang mọc lên. Cũng nhờ thuận lợi khi con đường này mở ra và thông suốt, mà Nhà máy sữa TH mọc lên đã mang lại ấm no, lợi ích nhãn tiền cho người dân trên địa bàn.

.

Thiên Thảo