(Congannghean.vn)-Ngày 19/5/2014 này, Báo Công an Nghệ An đánh dấu cột mốc trưởng thành 30 tuổi. 30 năm kể từ ngày phát hành số đầu tiên đúng vào dịp kỷ niệm 94 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, tờ báo an ninh của tỉnh nhà đã có những bước đi vững chắc và phát triển thành một tờ báo có uy tín trong lòng độc giả. Hướng tới ngày kỷ niệm 30 năm, Báo Công an Nghệ An giới thiệu với bạn đọc những bài viết của các phóng viên, cộng tác viên, những người đã, từng và đang gắn bó với sự phát triển của tờ báo từ những ngày mới ra đời cho đến hôm nay. Đó là những lời tâm sự, lời tri ân mà chúng tôi muốn gửi đến độc giả trong những ngày đặc biệt này.
*Phóng viên kể chuyện “giải cứu” mẹ liệt sĩ
Thời gian tôi làm việc tại Báo Công an Nghệ An chưa dài so với các P.V khác, nhưng trong tôi có kỷ niệm thật cảm động về bài viết “Hãy “giải cứu” mẹ liệt sĩ khỏi “căn lều” xiêu vẹo”. Qua công luận đã góp phần nhanh chóng xóa được “căn lều” sắp đổ nát, xây dựng cho mẹ liệt sĩ một ngôi nhà mới bền vững, khang trang.
Nhớ lại, buổi trưa hè nóng bức, tôi đi tác nghiệp tại huyện Nam Đàn, qua nguồn thông tin cho biết, mẹ liệt sĩ Nguyễn Thị Tỷ tại xóm Đa Cát, xã Nam Cát đang trú ngụ trong ngôi nhà xây dựng đã hơn 30 năm, nay bị hư hỏng nặng và cuộc sống rất khó khăn.
Mẹ Tỷ trong căn nhà xiêu vẹo trước khi báo phản ánh |
Tôi vội vàng tìm đến thăm mẹ. Thấy tôi bước vào, mẹ giật mình. Trước mặt tôi, mẹ Tỷ dáng người nhỏ thó, trông ốm yếu, xanh xao. Giọng mẹ nói khào khào yếu ớt như người cổ vọng ra: “Đừng vào nhà, mái sắp sập xuống rồi, có thể đè chết người đó”. Tôi vẫn mạnh dạn bước vào, nhìn thấy những tia nắng từ trên mái nhà chiếu xuống loang lổ, chỗ tối chỗ sáng trông rõ chiếc giường nằm ọp ẹp, cũ kỹ. Trên trần nhà, gỗ đã mục nát, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào. Mẹ Tỷ kể: Chồng đã mất khá lâu, bà ở với con trai út. Mẹ có người con trai đầu hy sinh năm 1982 tại mặt trận Campuchia. Sau đó, bà dẫn tôi tới gian giữa ngôi nhà, nơi có chiếc bàn thờ để trang trọng tấm Bằng Tổ quốc ghi công và ảnh của liệt sĩ Hoàng Xuân Quế. Mẹ nói với tôi, mà cũng như đang nói với người con trai liệt sĩ của mẹ: “Mẹ ước làm sao xây dựng được một ngôi nhà nhỏ, có nơi đặt bàn thờ hương khói cho con rồi mẹ về với bố để đi đến chiến trường xa nơi đất khách quê người, nơi con đã hy sinh, để đưa con về với tiên tổ ở quê nhà”. Mẹ Tỷ giơ bàn tay gầy guộc, xanh xao lau hai hàng nước mắt lăn dài trên gò má nhăn nheo. Mẹ đã già yếu lắm rồi, có lẽ tình mẫu tử đã níu kéo bà lại để sống, để chờ mong xây dựng được một ngôi nhà nhỏ, nhưng đã bao năm qua vẫn chưa thực hiện được.
Đó chính là một phần nội dung bài báo “Hãy “giải cứu” mẹ liệt sỹ khỏi “căn lều” xiêu vẹo” mà tôi đã viết. Và tôi vẫn còn nhớ sau khi bài báo đăng tải, đông đảo bạn đọc gần xa đã gọi điện thoại cho tôi bày tỏ: “Bài báo: “Hãy “giải cứu” mẹ liệt sĩ khỏi “căn lều” xiêu vẹo - chúng tôi đọc nhiều lần, mà lần nào cũng khóc”.
Tôi nhớ lại, sau khi báo đăng một thời gian ngắn, Thượng tá Nguyễn Bá Minh - Phó Tổng biên tập; Đại úy Hồ Viết Dũng - Trưởng ban Thư ký, cùng Thượng úy Trần Ngọc Hùng - Phó ban Phóng viên và tôi đã trực tiếp lên làm việc với xóm trưởng và lãnh đạo UBND xã Nam Cát để kiểm định chứng cứ tài liệu của bài viết. Sau buổi làm việc đó, các đồng chí lãnh đạo Báo Công an Nghệ An đã có tiếng nói tới cơ quan có thẩm quyền và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ việc bài báo nêu cùng phương án giúp đỡ xây dựng nhà ở cho mẹ Nguyễn Thị Tỷ.
Mẹ Tỷ cùng tác giả trước ngôi nhà mới do các cơ quan ủng hộ xây dựng |
Trong suốt thời gian đó, tôi luôn thấp thỏm theo dõi mọi động tĩnh tích cực ủng hộ bài báo. Và điều đáng mừng là ngay sau khi báo đăng tải, các ban ngành huyện Nam Đàn và cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh đã tổ chức họp bàn về vấn đề giải quyết nguồn tài chính để kịp thời xây dựng nhà ở cho mẹ Tỷ. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại đã giải quyết nhanh chóng, kịp thời khoản tiền chính sách của Nhà nước trợ cấp cho mẹ liệt sĩ xây dựng nhà; tiếp theo là tiền tài trợ của Công ty bảo hiểm Prudential. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, ngôi nhà của mẹ liệt sĩ Hoàng Xuân Quế đã xây dựng hoàn thành.
Chia sẻ niềm vui cùng mẹ, một ngày gần đây, tôi vượt gần 20 km lên thăm lại mẹ Tỷ. Mẹ chạy tới ôm tôi rất tình cảm, bất chợt những giọt nước mắt vui mừng lại lăn tràn trên gò má nhăn nheo của mẹ. Mẹ nói thật cảm động: Tôi cảm ơn Báo Công an Nghệ An đã thấu hiểu hoàn cảnh của tôi. Nhờ có báo mà nay tôi đã mãn nguyện, có nhà đẹp để ở. Vui mừng nhất là đã có nơi để đặt bàn thờ hương khói cho con trai tôi. Vừa nói mẹ vừa dẫn tôi đi xem ngôi nhà mới xây còn thơm mùi sơn, mái ngói đỏ tươi.
Tạm biệt ra về, mẹ Tỷ tiễn tôi ra tận đường làng, bà nắm tay tôi bịn rịn không muốn rời. Bà quay đầu lại chỉ tay vào ngôi nhà mới, rồi nói: Người dân ở đây ai cũng khen nhà đẹp và xây dựng vững chắc lắm. Mấy hôm sau khi làm xong nhà, bà nằm mơ thấy cậu con trai ở bên Campuchia về mặc bộ quân phục đẹp lắm, đi quanh ngắm ngôi nhà, nó còn nói với bà là sẽ về khoe với các đồng đội của nó cũng đã hy sinh, rằng mẹ đã có ngôi nhà đẹp lắm. Bà lại nhấn mạnh: Tôi xin được nói rằng, không có Tòa soạn báo Công an Nghệ An lên tiếng thì chưa biết đến lúc nào, năm nào tôi mới có ngôi nhà mới, có nơi để đặt bàn thờ hương khói cho con trai tôi đã hy sinh vì dân vì nước.
.