Bài 2: “Gió lành” chưa thổi bạt “gió độc”
*Bài 3: Xây dựng môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh
Trước nguy cơ của cuộc “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài, vấn đề cấp bách hiện nay là chúng ta phải thường xuyên, tích cực bồi tụ, vun đắp, nâng cao sức “đề kháng văn hóa” cho các cấp, các ngành, toàn xã hội và mỗi người dân. Muốn vậy phải tạo ra môi trường đạo đức, văn hóa lành mạnh nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa, bảo vệ, chống lại các sản phẩm văn hóa, thông tin độc hại xâm nhập vào nước ta.
Nhận rõ nguy cơ
Cách đây 4 năm, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 46-CT/TW về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”, trong đó đã cảnh báo nghiêm khắc: “Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tinh thần, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng. Tình trạng đó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội, dẫn đến khuynh hướng tự diễn biến về chính trị, tư tưởng, tác hại lâu dài đến các thế hệ mai sau”. Những cảnh báo nghiêm khắc đó đến nay vẫn chưa hề mất tính thời sự, hơn thế có vấn đề còn trở nên đáng báo động hơn.
Băng đĩa lậu tràn lan trên thị trường, trong đó ất nhiều băng đĩa có nội dung thiếu lành mạnh, phản văn hóa |
Văn kiện Đại hội XI (năm 2011) đã chỉ ra: “Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh, thiếu niên, rất đáng lo ngại”.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) tổ chức đầu năm 2014, cũng chỉ rõ: “Đời sống kinh tế có bước phát triển nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa theo kịp, thậm chí một số mặt suy giảm. Hệ giá trị truyền thống nhiều mặt bị đảo lộn, chủ nghĩa cá nhân, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền có xu hướng gia tăng, chi phối mạnh đến đời sống xã hội, gây hậu quả xấu đối với việc xây dựng con người”.
Theo GS, TS Trần Văn Bính, nguyên Trưởng khoa Văn hóa XHCN (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh): Những yếu kém, bất cập nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, trong đó căn nguyên vừa sâu xa, vừa trực tiếp là do chúng ta chưa chuẩn bị chu đáo về tâm thế, bản lĩnh trước khi bước vào sân chơi toàn cầu, chưa đủ kiến thức và sự tỉnh táo cần thiết nên nhiều lúc, nhiều nơi, nhiều người đã bị choáng ngợp trước sự “xâm lăng mềm” về văn hóa từ bên ngoài mà vẫn thờ ơ, không hề hay biết.
Tăng cường sức mạnh nội sinh
Sức mạnh nội sinh là sức mạnh bên trong, có ý nghĩa sinh sôi, nảy nở, lan tỏa và phát triển không ngừng. Văn hóa với tư cách là “sức mạnh mềm” luôn có liên quan mật thiết đến sự trường tồn, thịnh suy, hưng vong của quốc gia dân tộc. Vì vậy, muốn phòng, chống hiệu quả nạn “xâm lăng văn hóa”, chúng ta phải tăng cường sức mạnh nội sinh cho dân tộc, kiên trì phương châm "xây kết hợp với chống", lấy "xây" làm chính, tạo ra một môi trường đạo đức văn hóa lành mạnh.
Đảng ta đã có những quan điểm đúng đắn về vị trí, vai trò, sức mạnh về văn hóa đối với công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên trên thực tế, ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều nơi lại chưa quan tâm đúng mức đến việc củng cố, tăng cường “sức mạnh nội sinh”. Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Thức, Vụ trưởng Vụ Văn hóa-Văn nghệ (Ban Tuyên giáo Trung ương), 15 năm qua (1998-2013), ngân sách dành cho lĩnh vực văn hóa và xây dựng các thiết chế cơ sở văn hóa rất thấp, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội. Chi cho văn hóa ở nhiều địa phương chưa đảm bảo được tỷ lệ 1,8% tổng chi ngân sách địa phương như chính sách Nhà nước đã ban hành. Trong khi đó, hệ thống các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở nhiều nơi bị xuống cấp, bộc lộ bất cập, hiệu quả xã hội thấp, gây lãng phí.
Như vậy, đã có một nghịch lý xảy ra là, ngân sách đầu tư cho văn hóa đã rất thấp, mà nhiều thiết chế văn hóa sau khi được xây dựng lại không được khai thác, sử dụng hiệu quả. Thế nên, ở nhiều địa phương, người dân, nhất là thanh thiếu niên thiếu chỗ vui chơi, giải trí lành mạnh khiến họ phải tìm đến các trò chơi, hoạt động văn hóa “ngoài luồng”, gây ra bao hệ lụy tai hại mà chúng tôi đã đề cập.
Tại sao lại xảy ra tình trạng đó? Nói về vấn đề này, GS, TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam thẳng thắn bày tỏ: “Có một thực tế là chúng ta có rất nhiều nghị quyết có giá trị về văn hóa, nhiều cán bộ lãnh đạo nói rất hay về văn hóa, nhưng trên thực tế lại chưa thực sự chăm lo đến các hoạt động văn hóa. Nếu các cấp ủy, chính quyền thực sự quan tâm rốt ráo, vào cuộc quyết liệt thì tôi tin chắc rằng, công luận không phải kêu ca, than phiền quá nhiều về lối sống văn hóa đang xuống cấp, đời sống văn hóa còn nghèo nàn, tệ nạn xã hội vẫn diễn ra ở nhiều nơi như thời gian qua”.
Ở một khía cạnh khác, PGS, TS Lương Hồng Quang, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, việc tăng cường sức mạnh nội sinh cũng là tăng "sức đề kháng văn hóa” cho dân tộc. "Sức đề kháng văn hóa” có vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giữ gìn, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nếu "sức đề kháng văn hóa” non nớt, nhu nhược, yếu kém sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho các “vi-rút văn hóa” độc hại có cơ hội nảy sinh, lây lan, làm xói mói tâm hồn, cốt cách dân tộc. Ngược lại, "sức đề kháng văn hóa” mạnh sẽ góp phần bảo đảm cho văn hóa Việt Nam không những giữ gìn được gốc gác, cội nguồn, bản sắc của mình, mà còn có thể đẩy lùi, tiêu trừ, loại bỏ được các “tạp chất gây hại” cho môi trường văn hóa dân tộc.
PGS, TS Lương Hồng Quang nhấn mạnh: “Muốn có "sức đề kháng văn hóa” tốt, cùng với việc chăm lo lưu giữ những tinh hoa văn hóa, bản sắc dân tộc, chúng ta phải không ngừng làm giàu văn hóa của mình trước hết bằng cách xây dựng mỗi tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể và mỗi cơ quan, đơn vị, trường học là một “điểm sáng văn hóa”, mỗi cán bộ, đảng viên là một “chiến sĩ văn hóa” để làm “bộ lọc” giúp xã hội ngăn ngừa, phòng chống những luồng văn hóa độc hại từ bên ngoài”.
Xây dựng và bảo vệ văn hóa dân tộc là bảo vệ Tổ quốc
Có một nhận định rất chí lý: Mất đất, mất nước có thể lấy lại được, còn nếu văn hóa mất đi là mất luôn, mất vĩnh viễn. Cách đây ngót thế kỷ, đại văn hào M.Goóc-ki đã có một khuyến cáo rất đáng suy ngẫm: “Đối với tôi, lời kêu gọi Tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi: Hỡi các công dân! Văn hóa bị lâm nguy!”.
Văn hóa là một trong những yếu tố then chốt tạo nên sự hình thành, phát triển và trường tồn của mỗi quốc gia dân tộc. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay, việc bảo vệ nền văn hóa dân tộc, chống các hoạt động “xâm lăng văn hóa” càng có ý nghĩa cấp bách, quan trọng đối với sự ổn định, trường tồn của quốc gia. Nghị quyết số 28/NQ-TW (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong hình mới” của Đảng vừa ban hành mới đây, đã xác định: Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc phải đi đôi với việc kiên quyết ngăn chặn sự xâm lăng văn hóa, xâm nhập các sản phẩm văn hóa xấu độc và thông tin độc hại. Đây là một trong 6 nhiệm vụ-giải pháp lớn để bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.
Trong vòng xoáy của cơn lốc toàn cầu hóa, do sự tác động của chủ nghĩa thực dụng, lối sống “văn hóa tiêu dùng phương Tây” đã và đang dẫn đến nguy cơ đồng nhất về văn hóa, lối sống và làm cho con người, nhất là thế hệ trẻ dễ bị thay đổi thói quen, thị hiếu thiên về giải trí lai căng. Theo GS Nguyễn Đức Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: Không riêng ở Việt Nam, mà nhiều quốc gia, trong đó có nước phát triển như Pháp cũng rất lo ngại về tình trạng này. Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp từng lên tiếng cảnh báo: “Văn hóa không phải là một thứ hàng hóa thông thường. Mối nguy cơ thực sự chính là quan điểm kiểu Mỹ về văn hóa, theo đó văn hóa cũng là một thứ hàng hóa thông thường. Chúng ta phải đấu tranh chống lại “thương mại hóa” ngày càng gia tăng đối với hoạt động của con người, không cho nền công nghiệp giải trí Mỹ vốn đã đạt được hiệu quả chính trị trên thị trường của họ, giờ đây lại chiếm lĩnh nốt mọi không gian sáng tạo của các nền văn hóa khác”.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, những mặt trái của quá trình toàn cầu hóa và nhất là âm mưu, thủ đoạn chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng-văn hóa, đòi hỏi chúng ta phải huy động cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội cùng chung tay góp sức bồi đắp, tăng cường sức mạnh nội sinh để tạo điểm tựa chắc chắn cho vị thế, sức sống và sức mạnh văn hóa Việt Nam luôn vững vàng trong “thế giới phẳng” hiện nay. Đó cũng là giải pháp hữu hiệu bảo đảm cho những giá trị, tinh hoa của dân tộc không bị pha trộn, mất gốc hay đồng hóa trước hiểm họa “xâm lăng văn hóa”.
.