(Congannghean.vn)-Về xóm 12, họ giáo Yên Lưu thuộc xã Quỳnh Giang (Quỳnh Lưu) hỏi thăm nhà ông Nguyễn Văn Vinh thì ai cũng biết. Họ biết đến ông bởi hơn 30 năm qua, một mình ông vừa nuôi 5 người con khôn lớn vừa chăm sóc người vợ nằm liệt giường. Và đến bây giờ, dù bước sang tuổi lục tuần, ông Vinh vẫn miệt mài với công việc chăm vợ, nuôi con mà không một lời than vãn.
Là con trai đầu trong gia đình có đến 9 anh em, bố mất sớm, ông Nguyễn Văn Vinh (SN 1955) phải cùng mẹ lam lũ mưu sinh, nuôi 8 đứa em khôn lớn. Không được học hành, ông sớm bươn chải và làm đủ nghề để kiếm sống. Dù mới 18 tuổi nhưng khi đó, ông Vinh đã phải gánh trách nhiệm thay người cha quá cố, cùng mẹ lo toan mọi việc trong gia đình. Cuộc sống của 10 miệng ăn chủ yếu phụ thuộc vào 4 sào ruộng công. Để có tiền trang trải cuộc sống, ai thuê cuốc đất, phụ hồ, ông đều nhận làm. Những ngày không có việc, ông lại ra đồng để kiếm con cá, con ốc, cải thiện bữa cơm cho gia đình. Khi bắt được nhiều cá, ông lại đưa ra chợ bán để lấy tiền mua sách vở cho các em được học hành.
Ông Vinh bên người vợ nằm liệt giường |
20 tuổi, khi những đứa em kế tiếp đã biết tự chăm sóc nhau, ông lại theo chân thanh niên trong làng vào miền Nam kiếm sống. Lang bạt một thời gian, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Văn Vinh nhận ra rằng nếu không có nghề gì thì suốt đời mình chỉ là kẻ làm thuê và khó mà khấm khá. Nghĩ vậy, ông cố gắng làm thuê với mục đích kiếm tiền học cho bằng được nghề mộc. Trời không phụ công người, chỉ sau một thời gian ngắn, nhờ chăm chỉ học hỏi cùng đôi tay tài hoa, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Vinh đã trở thành một người thợ mộc có tiếng.
Năm 1978, ông kết duyên với bà Ngô Thị Cường (người ở huyện Yên Thành). Bà là người con gái đầu tiên bước vào cuộc đời ông. Người ta thường nói tình đầu bao giờ cũng đẹp và tình yêu của ông bà cũng vậy. Hạnh phúc càng nhân lên khi 5 đứa con có nếp, có tẻ lần lượt chào đời. Cuộc sống của gia đình ấy cứ êm đềm trôi nếu không có một ngày trong năm 1983, bà Cường bỗng thấy đau ở hai khớp cổ bàn chân. Bệnh của bà ngày một nặng, lan khắp cơ thể khiến cho tứ chi không thể cử động được.
Thấy vợ cắn răng chịu đựng những cơn đau, ông Vinh đành nhờ anh em chăm sóc những đứa con để đưa vợ đi khắp nơi chữa trị. Những vật dụng có giá trị trong nhà cũng theo đó mà lần lượt đội nón ra đi. Gia tài khánh kiệt, nợ nần chồng chất nhưng bệnh của vợ vẫn không hề thuyên giảm. Đi đến đâu, bác sĩ cũng kết luận bà Cường bị viêm đa khớp mãn tính không thể chữa khỏi hẳn. Bất lực đưa vợ về nhà, tất cả gánh nặng trong gia đình bắt đầu đè lên đôi vai gầy.
Ông vừa lo toan cho các con, lại phải vừa chăm sóc vợ. Không ít lần đứng lặng nhìn vợ nằm đó, con cái nheo nhóc, ông đã bất lực muốn chết đi cho xong. Thế nhưng, mình buông xuôi thì ai nuôi vợ bạo bệnh cùng những đứa con thơ dại? Nếu chẳng may mình nằm xuống thì vợ con mình sẽ sống ra sao? Nghĩ đến đó, ông Vinh càng có thêm nghị lực, cố gắng vượt qua mọi gian nan, vất vả mà bước tiếp dù biết rằng, ở phía trước vẫn còn nhiều chông gai, thử thách.
Gần 30 năm trôi qua, ông vẫn bên cạnh chăm sóc bà như thế. Không quản vất vả vì bệnh tật của vợ, ông còn học hỏi rất nhiều kinh nghiệm trong việc chăm sóc bà: “Tôi luôn phải cho bà ăn đúng giờ, cứ 4 tiếng ăn 1 lần. Tôi còn tập cho bà ăn tỏi để giúp tiêu hóa tốt hơn nữa”. Không những thế, dù ngày làm việc vất vả nhưng tối đến, ông ít khi được ngủ trọn giấc. Biết vợ mình dù đã uống thuốc giảm đau nhưng thường bị những cơn đau, co rút xương khớp hành hạ về đêm, ông đã cố gắng tạo cho mình thói quen ngủ ít để dành thời gian xoa bóp chân tay cho vợ dễ ngủ. Với ông, hôm nào thấy vợ ngon giấc thì không có hạnh phúc nào bằng.