Dịch sởi diễn biến bất thường với nhiều ca tử vong do biến chứng nặng khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng. Thế nhưng Bộ Y tế chưa có những động thái quyết liệt để vào cuộc và cho rằng bệnh sởi vẫn trong tầm kiểm soát. Dư luận đặt câu hỏi phải chăng Bộ Y tế đã vào cuộc quá muộn và chậm trễ trong phòng chống dịch?
Ngày 18/4, Bộ Y tế thông báo số ca phát ban nghi mắc sởi đã lên đến 8.779 trường hợp, trong đó có 3.256 ca sởi, 112 ca tử vong liên quan đến sởi. Số tử vong chủ yếu ghi nhận tại các tỉnh miền Bắc, trong đó số trẻ tử vong do sởi tại Hà Nội chiếm khoảng 50%. Chưa ghi nhận trẻ tử vong do sởi tại khu vực miền Nam. Hiện còn 2 tỉnh Cao Bằng và Bắc Kạn chưa ghi nhận bệnh nhân sởi. Tại bệnh viện (BV) Bạch Mai có 49 bệnh nhân đang điều trị với 9 bệnh nhân nặng, 4 bệnh nhân phải thở máy. Tại BV Bệnh Nhiệt đới TƯ đang điều trị cho 60 ca sởi với 1 ca nặng. Trong ngày 17/4 đã có 17 ca nhập viện mới.
Những con số mà Bộ Y tế vừa công bố hôm nay cho thấy tình hình bệnh sởi diễn biến không hề bình thường khi mà mỗi ngày số trường hợp mắc ngày càng gia tăng mạnh.
Điều đáng nói ở đây là, lần đầu tiên sau hơn 4 tháng bệnh sởi bùng phát, mãi đến ngày 16/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới trực tiếp tới điểm nóng của dịch sởi tại Bệnh viện Nhi TƯ để thị sát và vị tư lệnh của ngành y đến thăm Bệnh viện chậm hơn Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam một ngày.
Quá tải bệnh nhi điều trị sởi ở Bệnh viện Nhi Trung ương |
Chiều 15/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe một số cơ quan liên quan của Bộ Y tế báo cáo tình hình dịch sởi. Song, có vẻ ông không tin tưởng vào những con số đó nên ngay chiều tối cùng ngày, vị Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực y tế đã đích thân đi kiểm tra tại Bệnh viện Nhi TƯ. Có lẽ vị Phó Thủ tướng đã thấu hiểu được nỗi lo lắng của công luận, của những bậc cha mẹ có con mắc bệnh.
Tại cuộc thị sát của Phó Thủ tướng, Bệnh viện Nhi TƯ cho biết 25 chỉ là số cháu bé tử vong trực tiếp do sởi, còn tử vong do các bệnh liên quan đến sởi là 78 trẻ.
Sau chuyến thị sát tại Bệnh viện Nhi TƯ, nơi tập trung nhiều ca mắc sởi nhất miền Bắc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận xét, tại BV này, sự quá tải diễn ra ở tất cả các khoa, phòng, ngay cả phòng bác sĩ cũng phải dùng làm phòng điều trị cho bệnh nhân sởi, vì vậy, chất lượng điều trị rất khó bảo đảm. Trong điều kiện đó, tình trạng nhiễm trùng BV dễ xảy ra, nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV là rất lớn. Bệnh nhân sởi có thể đồng thời mắc thêm các bệnh lý khác và ngược lại.
Để chống dịch sởi, BV Nhi TƯ đã đưa ra hai giải pháp quan trọng là chuyển bệnh nhi về đúng tuyến điều trị và thành lập các đơn nguyên mới để phân loại những trường hợp phải nhập viện điều trị. Giải pháp đó nhằm giảm tải BV, hạn chế lây nhiễm chéo.
Các BV trên địa bàn Hà Nội sẽ tiếp nhận bệnh nhi sởi là Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đống Đa, Bắc Thăng Long, Hà Đông, Sơn Tây. Ngoài ra, các BV nhi ở Nam Định, Hải Dương, Thái Bình, Vĩnh Phúc, Ninh Bình sẽ được hỗ trợ để đón người bệnh tại các tỉnh lân cận, nhằm giảm tải cho BV tuyến trên.
Với tình hình dịch sởi ở Việt Nam, ông Kasai - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế (WHO) thế giới tại Việt Nam khuyến nghị Bộ Y tế nên đặt tình trạng sởi hiện nay vào tình huống khẩn cấp và cần phải nỗ lực hết sức để kiểm soát được tình hình.
Dập dịch như cứu hỏa! Đặc biệt là khi đối diện với một loại dịch bệnh có diễn biến khó lường như bệnh sởi năm nay thì chỉ có sự vào cuộc nhanh chóng, tập trung của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn và của chính người dân mới có thể khống chế dịch được nhanh chóng. Điều đó, Việt Nam đã trải nghiệm nhiều lần với những thành công khống chế các dịch SARS, đại dịch cúm A/H1N1 và H5N1… Nhưng dường như, với dịch sởi, vốn được xếp vào loại dịch nhóm B – không phải là dịch A tối nguy hiểm, Bộ Y tế đã chủ quan, và do đó đã không có những động thái khẩn trương dập dịch.
Với tư cách là một bác sỹ nhi khoa - nhiều năm làm việc trong Bệnh viện Nhi TƯ rồi qua công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, bác sỹ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng cho rằng, trước tình hình đáng báo động này, ngành y tế phải công bố có dịch. Không phải việc công bố dịch là chứng tỏ chúng ta kém cỏi, mà công bố để toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc dập dịch, hạn chế số mắc và tử vong.
Theo ông An, với dịch sởi hiện nay, chúng ta thấy rõ ba vấn đề: Mức độ lan tỏa của dịch quá nhanh, rộng; Số ca mắc và chết rất nhiều; Khả năng đáp ứng của Bộ Y tế kém. Điều này chứng tỏ, Bộ Y tế đang coi nhẹ công tác y tế dự phòng, dịch bùng phát cũng là điều dễ hiểu.
Đánh giá về cách ứng phó của Bộ Y tế trước dịch bệnh, nhiều chuyên gia y tế khẳng định, Bộ Y tế lúng túng, bị động trong chống dịch. Một bác sĩ khoa Truyền nhiễm, BV Nhi TƯ (xin được giấu tên) cho rằng, giá như mọi biện pháp đã được Bộ Y tế triển khai quyết liệt từ trước, không đợi "nước đến chân mới nhảy" thì trẻ chết không nhiều đến thế!
Ai cũng biết, nếu nói dịch không có dấu hiệu bất thường, tất sẽ dẫn tới chủ quan cho cộng đồng. Lúc đó, tình hình sẽ rất nghiêm trọng, nhất là khi sởi có thể biến chứng rất nặng vào phổi gây tử vong.
Có thể nói, trước một dịch bệnh đang gây hoang mang, sự xuất hiện, sự lên tiếng của vị tư lệnh ngành là rất quan trọng, nó giúp người dân yên tâm, tin tưởng hơn vào quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh của ngành y tế. Dư luận cho rằng, sự xuất hiện của Bộ trưởng Bộ Y tế ở Bệnh viện Nhi TƯ dường như là quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không, sự xuất hiện ấy ít ra cũng là sự thừa nhận về tình hình dịch sởi không đơn giản như Bộ vẫn báo cáo.
Mong rằng, bằng những động thái tích cực trong những ngày tới của Bộ Y tế, dịch sởi hy vọng sẽ sớm được khống chế để dư luận xã hội không phải lo lắng, băn khoăn như những ngày vừa qua.
.