Gia đình xã hội

Bi đát gia đình cựu binh với 3 đứa con da cam

10:52, 06/04/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Bị di chứng chất độc da cam khiến cựu binh già đau yếu thường xuyên. Đau đớn hơn, 3 cô con gái của ông bà cũng bị ảnh hưởng từ bố nên ngớ ngẩn đến tội nghiệp… Giờ tất thảy đều nhờ cậy vào người vợ già. Bất hạnh như bủa vây lấy cả gia đình.
 
Hoàn cảnh bi đát
 
Đó là hoàn cảnh bị đát của gia đình cựu binh Lê Thường (67 tuổi) và bà Bùi Thị Liệu (66 tuổi) ở xóm 8, xã Diễn Hải, huyện Diễn Châu - nơi mà những thế hệ sau này đang phải gánh chịu nỗi đau của chiến tranh do bị di chứng từ cha ông để lại. Ai thấy gia cảnh này cũng phải chua chát quặn lòng.
 
Trong ngôi nhà tuềnh toàng nằm sâu hút trong xóm nghèo xơ xác vùng biển, nơi mà những đứa con của ông bà dù đã luống tuổi nhưng vẫn ngớ ngẩn đến tội nghiệp, từng người một đang ngồi vật vờ trong góc nhà. Cạnh đó là những mảng tường đã bong tróc nham nhở, lộ hẳn trên đó những vết cào cấu - kết quả sau những lần lên cơn điên dại của ba đứa con.
 
Thấy có khách vào nhà nhưng cả ba chị đều dường như không hay biết, chỉ khi có tiếng bà Liệu từ trong nhà bước ra, những khuôn mặt ngây ngô đó mới ngước lên nhìn rồi bật cười khanh khách. Qua câu chuyện với bà, chúng tôi được biết, ông bà có với nhau 7 người con. Năm 1971, người con trai đầu sinh ra khỏe mạnh bình thường. Sinh con không được bao lâu thì ông Thường được bổ sung vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 3, Sư đoàn 271 sang chiến đấu ở chiến trường Nam Lào. Trước sự ác liệt của chiến tranh, đặc biệt là chất độc hóa học rải xuống khiến cho sức khỏe của ông bị giảm sút nhanh chóng. Đến năm 1973, ông được xuất ngũ trở về quê nhà thì cô con gái thứ hai là chị Lê Thị Hiền cũng chào đời, nhưng con sinh ra không được bình thường như lần sinh trước. Con nuôi mãi mà chẳng thấy lớn, chân tay thì co quắp lại, người lại hay bị co giật liên hồi. Rồi lần lượt đến năm 1975 và 1977, hai cô con gái Lê Thị Lành và Lê Thị Quế được sinh ra nhưng đều có những biểu hiện như người chị. Đến lúc này, ông bà mới ngờ rằng, phải chăng các con bị thế này một phần là do di chứng của chất độc hóa học diôxin đã ngấm vào ông trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Nhìn những đứa con mình sinh ra cứ ngớ ngẩn, liêu xiêu trong ngôi nhà trống hoác, đôi vợ chồng như đứt từng khúc ruột.
 
Những đứa con bất hạnh của gia đình ông Thường
Những đứa con bất hạnh của gia đình ông Thường
 
“Con Hiền giờ mắt nhìn không thấy, đi đâu cũng chỉ biết quờ quạng lấy tay làm chừng. Con Lành thì hễ có đám ma, đám cưới ở đâu là nó lại tìm đến xin ăn. Có người biết cho hoàn cảnh gia đình còn đỡ, chứ nhiều người không hiểu cho khiến tôi khổ sở lắm. Còn con Quế thì chỉ có ngồi một chỗ suốt mấy chục năm nay, những lúc nào di chuyển là dùng tay thay chân để trườn đi”, bà Liệu nói như mếu.
 
Khốn khổ tận cùng
 
Tưởng như thế là bất hạnh lắm rồi, nhưng đâu chỉ dừng lại ở đó. Cách đây 8 năm, cô chị Lê Thị Hiền trong một lần đi lang thang rồi bị hiếp dâm khiến cho cái bụng ngày một to lên mà không biết ai là cha của bào thai chị đang mang trong mình. Chị Hiền vượt cạn thành công với đứa con trai và đặt tên là Lê Thông. Tuy nhiên, Thông cũng không được lanh lợi như những đứa trẻ bình thường khác, 2 năm học lớp 1 rồi mà vẫn không được lên lớp vì em không tiếp thu được.
 
“Sinh con ra, nó (chị Hiền - P.V) cũng không biết chăm sóc hay cho con bú, để con đói khóc ngằn ngặt. Thương cháu nên tôi bồng bế đi xin sữa khắp làng hay những lúc mẹ nó ngồi bên tôi bế cháu sát vào vú mẹ cho con bú. Nhiều đêm tôi phải thức trắng để dỗ dành đứa cháu tội nghiệp này” - bà Liệu nhớ lại.
 
Giờ đây khi tuổi đã cao, sức khỏe cũng yếu đi nhiều nhưng bà Liệu không được thảnh thơi ngày nào, khi phải một tay vừa lo 3 đứa con ngây dại, vừa phải chăm cháu ngoại. Mấy chục năm nay, ngày nào cũng vậy, bà phải tự tay tắm rửa, vệ sinh cá nhân cho các con. Đến bữa ăn, bà lại phải tự tay đút cơm cho từng người một, có khi đút được cho người này thì người khác đã trốn đâu đó trong xó nhà hay chạy ra ngoài ngõ, bà lại phải tất tả đi tìm. Ông Thường vốn ốm yếu lại mang nhiều bệnh như tiểu đường, tim, gan… Mấy hôm nay thời tiết thay đổi thất thường nên bệnh tình ông Thường thêm nặng hơn, tấm thân vốn gầy yếu của ông nay như quắt lại chỉ còn thấy đôi mắt sâu hoắm.
 
Nhìn những đứa con ngồi co rúm trước thềm nhà, chốc chốc lại cười hềnh hệch một cách vô thức, ông chua chát nói: “Thời chiến tranh bao nhiêu bom đạn oanh tạc đều vượt qua. Vậy mà giờ đây về với thời bình, tôi lại thấy bất lực trước số phận của gia đình mình đến vậy. Cứ nghĩ đến các con, nghĩ đến lúc nhắm mắt xuôi tay đi trước chúng, tôi lại thấy lòng mình đau nhói”.

Đức Chung

Các tin khác