Gia đình xã hội
Cần xem lại tư duy giảm nghèo
(Congannghean.vn)- Gần đây, những thông tin về việc hàng năm nước ta chi ngân sách “khủng” để “nuôi” bộ máy giảm nghèo đã làm phân tâm dư luận. Việc có thật sự dùng ngân sách để “nuôi” bộ máy giảm nghèo hay không cần phải làm rõ, công khai minh bạch cho nhân dân hiểu. Cũng từ dư luận đặt ra cho chương trình Quốc gia về mục tiêu giảm nghèo phải điều chỉnh, sửa lại cơ chế, chính sách thật sự phù hợp để không thể lợi dụng kẽ hở nhằm trục lợi.
Lâu nay, được xếp hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo đang là sự “phấn đấu” của không ít địa phương. Hộ nghèo được miễn học phí, được cấp thẻ bảo hiểm y tế, được trợ giá giống cây trồng, vật nuôi, Tết đến có quà trung ương, tỉnh, huyện và các nhà hảo tâm, cá nhân, đơn vị tặng. Một xã nghèo hàng năm được đầu tư hàng tỉ đồng xây dựng. Một huyện nghèo, ngoài được ngân sách hàng năm cấp hàng chục tỉ đồng, cán bộ, công chức còn được hưởng phụ cấp thêm 70% lương, có chế độ thu hút…
Để cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước không bị lợi dụng, chống lại tư tưởng trông chờ, dựa dẫm, ỷ lại vào Nhà nước, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời phải đặt ra thời hạn thoát nghèo cụ thể cho từng hộ, từng địa phương và phải gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền và người lãnh đạo chủ chốt của địa phương, đơn vị đó. Một hộ nghèo không thể là gia đình văn hóa, một xã nghèo không thể là Đảng bộ trong sạch vững mạnh, hay trong sạch vững mạnh tiêu biểu được. Người đứng đầu xã nghèo, huyện nghèo hay tỉnh nghèo trong cả nhiệm kỳ không nên nhận Bằng khen, Giấy khen và không nên nhận hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm được.
Chủ trương hỗ trợ hộ nghèo để giúp họ thoát nghèo là chủ trương đúng, phản ánh tính ưu việt của chế độ ta, nhưng cứ làm theo kiểu như lâu nay e rằng khó thành công. Muốn thoát nghèo nhanh, bền vững cần thay đổi chính sách đầu tư, không dàn hàng ngang như lâu nay mà nên theo hàng dọc. Cần phân trong số hộ nghèo, ai có khả năng thoát nghèo nhanh thì đầu tư trước, đầu tư trọng tâm như hỗ trợ nhà ở, cung cấp giống, cho vay vốn, hướng dẫn kỹ thuật và quy định rõ thời hạn thoát nghèo. Còn những trường hợp già cả, neo đơn, bệnh tật… không có khả năng lao động thì xếp vào loại bảo trợ xã hội, đưa họ vào trung tâm bảo trợ.
Còn ai có sức lao động nhưng lười nhác, quen dựa dẫm, ỷ lại, trông chờ vào Nhà nước, vào cộng đồng, ngoài sự giáo dục, nhắc nhở, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể phải giám sát chặt họ, nói thẳng cho họ biết rằng, không làm thì “đừng ăn”, không thể “nuôi” mãi, “nuôi bao cô” kẻ lười nhác. Và, nếu cứ cố tình “nuôi” sẽ làm cho người tích cực, người siêng năng, có lòng tự trọng cũng sẽ lười nhác theo để hưởng chính sách.
Mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không còn xa nữa, trong khi hàng năm Nhà nước phải bỏ ra cả hàng nghìn tỉ đồng để giảm nghèo, nhưng xem ra càng đầu tư, hộ nghèo càng tăng. Vì vậy, cần phải sửa đổi ngay vấn đề cơ chế chính sách, để thay đổi tư duy giảm nghèo…
Phùng Văn Mùi