Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/dung-day-tu-nhung-ngay-nghiet-nga-466362/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//gia-dinh-xa-hoi/201403/dung-day-tu-nhung-ngay-nghiet-nga-466362/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Đứng dậy từ những ngày nghiệt ngã - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 26/03/2014, 09:52 [GMT+7]

Đứng dậy từ những ngày nghiệt ngã

(Congannghean.vn)-“Nếu không có gia đình, bạn bè và những người đồng cảm với cảnh ngộ động viên thì em sẽ chẳng có được ngày hôm nay. Nếu như mình ngày ấy mềm lòng, phó thác cho số phận thì sự sống với em cũng đã vào tay của tử thần. Phải sống để không phụ công bố mẹ đã đặt tất cả niềm hy vọng vào đứa con gái duy nhất của gia đình…”. Nguyễn Thị Thúy Hằng, người vì cứu bạn mà bị bỏng toàn thân khi còn là sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp ngày nào tâm sự với chúng tôi như vậy.

Ngày định mệnh

Thoạt đầu, nhìn gương mặt thanh tú của Nguyễn Thị Thúy Hằng (SN 1989), ai cũng nghĩ cuộc đời em chẳng đáng phải chịu cảnh đời thiệt thòi như vậy. Là con gái duy nhất của gia đình sinh sống ở thị trấn Nam Đàn, từ khi sinh ra, dù khó khăn đến mấy, bố mẹ Hằng vẫn gắng gượng nuôi em ăn học nên người. Học hết lớp 12 Trường THPT Nam Đàn I, Hằng thi đậu vào khoa Công nghệ sinh học, Trường Đại học Lâm nghiệp. Ngày em nhập học, bố mẹ mừng rơi nước mắt nhưng vẫn ẩn chứa nỗi âu lo phải lăn lộn thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống sinh viên cho con mình. Còn về phần Hằng, được sự động viên của gia đình, cô cũng cố gắng học thật tốt để không phụ lòng bố mẹ. Thế nhưng, nếu không có ngày định mệnh ấy thì cuộc đời Hằng sẽ không phải trải qua những tháng ngày tưởng chừng như tuyệt vọng.

Buổi ấy, vào sáng thứ 4 ngày 28/4/2010, khi đang là sinh viên năm thứ 3, trong lúc cùng với các bạn lên phòng thí nghiệm của Trường Đại học Lâm nghiệp thực hành, khoảng 8 giờ sáng, Hằng thấy qua ô cửa kính phòng bên chập điện gây cháy, cô không ngần ngại, đắn đo liền xông sang kéo bạn ra rồi cả 2 cùng nhảy từ tầng 2 xuống đất. Khi tỉnh dậy thì thấy toàn thân mình không thể cựa quậy. Một tuần sau, khi biết tin người bạn do vết thương quá nặng đã không qua khỏi khiến Hằng đau đớn hơn. Bố mẹ Hằng khi biết tin con gái gặp nạn, dù đau xót nhưng vẫn động viên con cố gắng vượt qua.

Gần 1 năm nằm điều trị ở Viện bỏng Quốc gia với độ bỏng trên 80%, bố mẹ Hằng đã phải chấp nhận bán hết gia sản, thậm chí vay mượn khắp nơi để cho con gái mình tai qua nạn khỏi. Nhà nghèo, bố thường xuyên ốm đau, chỉ mỗi mình mẹ Hằng là người luôn bên cạnh, nhiều lần em định tìm đến cái chết nhưng vẫn không thể buông xuôi được. Phải sống để bù đắp sự hy sinh của bố mẹ. Hàng tháng trời ròng rã, Hằng đã nghĩ đến mẹ, đến bố và tấm lòng của mọi người nên phải sống, phải đứng dậy. Cái Tết năm 2011, Hằng và mẹ phải chấp nhận ở lại đón giao thừa trong bệnh viện vì vết thương chưa thể đi lại được. Gia cảnh kiệt quệ, kinh phí chữa trị lên đến hàng trăm triệu đồng, nhiều lúc nằm trong bệnh viện, 2 mẹ con Hằng chỉ biết động viên nhau trong nước mắt. Những lúc như vậy, Hằng lại gắng gượng để vượt qua hoàn cảnh, sớm trở lại trường thực hiện nốt mong ước của bố mẹ.

Công việc hàng ngày của Hằng tại Trung tâm công tác xã hội
Công việc hàng ngày của Hằng tại Trung tâm công tác xã hội

Vòng tay nhân ái của người giám đốc

Cuối năm 2010, khi vết thương đã dần bình phục, nhờ sự động viên, giúp đỡ của thầy cô và bạn bè trong Trường Đại học Lâm nghiệp, Nguyễn Thị Thúy Hằng lại tiếp tục thực hiện ước mơ giảng đường bằng chiếc máy tính xách tay do nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng tặng. Hàng ngày, dù nằm trên giường bệnh nhưng qua internet, Hằng đã trả bài và tự học để có thể theo kịp kiến thức còn dang dở. Với nghị lực bản thân, đến tháng 6/2011, Nguyễn Thị Thúy Hằng đã tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại giỏi. Với bạn bè, Hằng ngày đó như một tấm gương vượt qua hoàn cảnh, chiến thắng bản thân mình.

Ngày ra trường, với thành tích học tập của Hằng, bố mẹ cô như phần nào được động viên sau bao tháng ngày con gặp nạn. Thế nhưng, gần 2 năm cầm tấm bằng loại giỏi của mình gõ cửa các cơ quan, đơn vị cũng chỉ nhận được cái lắc đầu chỉ vì thân hình của Hằng không bình thường. Đau đớn lại chồng lên mặc cảm, Hằng như chìm trong bóng tối mịt mù mà không tìm ra được lối thoát. Nhìn cảnh bố mẹ ốm yếu, việc làm chưa có, ngày ngày trôi qua đối với Hằng như thêm một ngày đứng trên bờ tuyệt vọng. Mãi đến tháng 4/2013, số phận đã mỉm cười với Nguyễn Thị Thúy Hằng khi được ông Lê Trung Thực - Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An cưu mang, nhận vào làm việc.

“Những ngày tháng chờ đợi sau khi nộp hồ sơ ở rất nhiều đơn vị nhưng vẫn không một tia hy vọng, em cảm giác như chính mình là người thừa trong xã hội này. Nhưng khi tìm hiểu qua báo, đài thông tin có một người giám đốc giàu lòng nhân hậu, hiện đang cưu mang, nuôi dưỡng những số phận kém may mắn, em đã cầm hồ sơ đến để thử vận mệnh của mình. Và rồi cuối cùng, em cũng đã tìm được việc làm cho mình nhờ tấm lòng nhân ái của Giám đốc Lê Trung Thực. Nếu không có thầy Thực tạo công ăn việc làm, cuộc đời em sẽ không biết đi đâu, về đâu nữa” - Nguyễn Thị Thúy Hằng kể lại.

Còn nói về hoàn cảnh Hằng, ông Lê Trung Thực - Giám đốc Trung tâm công tác xã hội tỉnh Nghệ An tâm sự: Trường hợp của Nguyễn Thị Thúy Hằng có hoàn cảnh rất đặc biệt. Ngày Hằng cầm hồ sơ đến trung tâm, nếu như là con người bình thường như bao người khác thì tôi không thể nhận vào làm việc, vì hoàn cảnh của đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, không thể đủ tài chính để trả lương. Nhưng ngày ấy, nếu mình không tiếp nhận Hằng thì vô tình sẽ khiến một số phận thêm tuyệt vọng vì họ đã phải chịu quá nhiều thiệt thòi rồi.

.

Ngọc Thái