Trong đêm giao thừa, những công nhân vệ sinh vừa không ngơi tay thu dọn rác trên đường phố vừa gửi lời chúc mừng năm mới đến các đồng nghiệp của mình. Họ trở về nhà khi đồng hồ đã điểm 5h sáng ngày đầu tiên của năm mới. Bữa ăn ngày mùng 1 Tết của họ là chiếc bánh chưng đã cắt sẵn mang theo bên người khi dừng chân tại một góc phố nào đó.
23h30, khi trời đất chuẩn bị đón thời khắc giao thừa, dòng người còn sót lại trên phố đang nhanh chóng hối hả trở về tổ ấm gia đình thì những công nhân vệ sinh vẫn cần mẫn, miệt mài thu gom, dọn dẹp rác trên đường phố. Đối với họ, đón Tết ngoài đường đã trở thành điều quen thuộc từ nhiều năm nay. Tết cũng là lúc cao điểm của công việc, phải tăng ca ngày đêm với khối lượng công việc cao gấp nhiều lần so với ngày thường.
Công tác 4 năm tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội cũng đồng nghĩa với việc 4 năm qua chị Lê Thị Nhân, tổ 17, Xí nghiệp 2 không năm nào có cái Tết trọn vẹn. 2 năm đầu tiên, kết thúc ca làm buổi tối 30 Tết lúc 21h thì 5h sáng mùng 1 chị đã có mặt trên phố để bắt đầu đi nhặt và gom rác. 2 năm tiếp theo, chị Nhân cùng các đồng nghiệp của mình đón giao thừa trên phố. Họ kết thúc công việc khi kim đồng hồ đã chỉ 5h sáng của ngày đầu tiên của năm mới.
Theo lẽ thường, người phụ nữ sẽ là người sửa soạn mâm cỗ cúng giao thừa và mùng 1 Tết. Thế nhưng, với những người làm công việc như chị Nhân sẽ là ngoại lệ. “Mình may mắn là năm nào ông bà ngoại cũng giúp sửa soạn mâm cỗ cúng giao thừa và mùng 1”, chị Nhân cho chúng tôi biết. Chồng chị Nhân mất vì bệnh ung thư gan khi con gái út mới được 1 tuổi, một mình chị đi làm nuôi 2 con ăn học. Đến nay, cháu trai lớn đang học lớp 6 còn cháu gái út đã học lớp 1.
“Ông bà chuẩn bị mâm cúng giao thừa xong thì thằng lớn thay mặt cha mẹ làm lễ cúng gia tiên. Không được đón giao thừa sum họp bên mâm cỗ gia đình ngày Tết nghĩ nhiều khi cũng chạnh lòng lắm nhưng biết làm sao được. Cả 2 đứa nhỏ đều trông cậy hết vào mình”, vừa lau những giọt mồ hôi trên trán, chị Nhân vừa tâm sự.
Đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, những công nhân môi trường đô thị vẫn đang miệt mài làm việc. |
Chuyện chị Nhân vắng mặt ở nhà những ngày Tết đã là chuyện bình thường. Mặc dù không được đón giao thừa ở nhà nhưng chị Nhân cũng nhận được những niềm vui nho nhỏ. Nhiều người dân thông cảm với công việc của những công nhân vệ sinh ngày Tết như chị Nhân nên họ đã dành 10.000 đồng, 20.000 đồng để mừng tuổi cho chị.
Sáng sớm mùng 1, chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Tình, tổ 1, Xí nghiệp 3, Công ty Môi trường đô thị Hà Nội đang thu dọn rác tại phố Nguyễn Đình Chiểu. Năm nay, tuy không phải làm đêm giao thừa nhưng 5h sáng mùng 1 Tết, Tình đã cùng các công nhân bắt đầu ca làm việc mới. Tình cho biết, ca trực của anh ngày 30 Tết là từ 5h sáng đến 10h tối, còn trong ngày mùng 1 bắt đầu từ 5h sáng đến 2h chiều. Và thế là, sáng mùng 1 Tết, khi đứa con nhỏ mới tròn 1 năm tuổi còn đang thiếp ngủ trong chăn, vợ anh đã dậy sớm, chuẩn bị 1 chiếc bánh chưng là bữa ăn trưa mùng 1 cho anh.
“Những năm trước, khi phải làm cả trong đêm giao thừa, không được sum họp cùng gia đình, mấy công nhân cùng một tổ chúng em vừa làm vừa gửi lời chúc mừng năm mới đến nhau giữa không khí xuân đang tràn ngập”, anh Tình nhớ lại. Và thế là không ai bảo ai, mọi người lại cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình để đảm bảo cho Thủ đô một năm mới thật khang trang, sạch sẽ đón Tết.
Theo ông Lê Trung Dũng, Trưởng phòng Truyền thông Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội thì năm nay, để phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014, Công ty đã huy động tối đa lực lượng, với 100% thiết bị và 100% công nhân lao động tham gia dọn vệ sinh. Công ty đã cấp áo chống rét cho 2.500 lao động trực tiếp làm việc ngoài đường.
Trong đêm giao thừa, khi màn bắn pháo hoa chào mừng năm mới kết thúc, công tác thu gom rác sẽ được tiếp tục cho đến 4h-5h sáng. Đối với các điểm bắn pháo hoa trên địa bàn các quận nội thành, Công ty môi trường tăng cường lực lượng, đặc biệt tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm bố trí 200 công nhân quét dọn thủ công, thu nhặt rác, cành cây gãy; huy động 4 xe ép rác, 4 xe quét hút; 6 xe rửa đường để làm cho đường phố sạch đẹp sau mỗi đêm.
Vào ngày mùng 1 Tết, bắt đầu từ 5h sáng, công nhân Công ty lại tiếp tục công tác nhặt rác. Đến mùng 2 Tết thì toàn thể công ty lại đi làm như những ngày bình thường. Công việc của các công nhân môi trường vào những ngày đầu năm chủ yếu là nhặt rác, thu gom rác trên đường phố và tại các điểm vui chơi, lễ hội hoặc tại các di tích lịch sử, nơi tập trung đông người. Công ty đã sẵn sàng tiếp nhận và xử lý toàn bộ lượng phế thải tập kết về bãi trong dịp Tết, với lượng khoảng 5.500 - 6.000 tấn/ngày, tăng từ 1,3 - 1,5 lần so với ngày thường.
Do tính chất công việc, những người công nhân vệ sinh môi trường đã sẵn sàng gác niềm vui, hạnh phúc riêng để miệt mài lao động, làm việc. Công việc thầm lặng của họ giúp cho người dân trên địa bàn Thủ đô được đón những cái Tết an toàn, lành mạnh, vui tươi