(Congannghean.vn)-Giữa phố thị ồn áo, náo nhiệt, những đôi tình nhân đang lựa chọn những món quà để dành tặng nhau trong ngày lễ tình yêu Valentine, chúng tôi lại tìm đến Bảo tàng Quân khu 4 - một nơi gần như tách biệt với không khí sôi động của phố phường nhưng lại đang lưu giữ rất nhiều câu chuyện tình lãng mạn. Đó là bộ sưu tập thư tình của người lính trong chiến tranh, những lá thư nơi tiền tuyến gửi hậu phương… Những tình cảm trong sáng, thủy chung không đơn thuần là tình yêu trai gái, tình cảm vợ chồng mà trên hết đó còn là tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
Những bức thư tình vượt thời gian
Bảo tàng Quân khu 4 hiện đang lưu giữ gần 18.000 kỷ vật, hình ảnh, tư liệu chiến tranh của quân và dân trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thiếu tá Ngô Thị Nga, nhân viên kiểm kê, bảo quản Bảo tàng Quân khu 4 cho biết: Chúng tôi có một bộ sưu tập khoảng vài nghìn lá thư tình thời chiến, đó là những bức thư tình của người lính gửi cho người yêu, vợ chưa cưới, những bức thư người chồng gửi vợ, vợ gửi chồng. Đó là những lá thư của liệt sĩ Cao Xuân Khuông, liệt sĩ Đậu Sĩ Hùng, liệt sĩ Nguyễn Đức Mậu, liệt sĩ Lê Binh Chủng…
Đưa cho chúng tôi xem những lá thư của ông Nguyễn Xuân Sinh, quê ở Thanh Chương viết gửi cho người vợ sắp cưới, chị Ngô Thị Nga kể cho chúng tôi chuyện tình của ông. Những lá thư cả tháng mới đến được tay người nhận nhưng lúc nào cũng chan chứa yêu thương, nhớ nhung da diết, tiếp thêm cho người lính sức mạnh để vững tin chiến đấu. “Nhận được thư em sau một đợt đi công tác dài ngày đã làm xua tan tất cả sự mệt nhọc sau 1 đêm thức trắng xuyên rừng, lội suối, vượt đèo về đơn vị… Thư em đã mang đến cho anh một tình cảm nồng thắm thiết tha, chân thực của một người vợ hiền sắp cưới ở hậu phương…”. Trên chiến trường không lúc nào ông không nghĩ tới cha mẹ già và người vợ sắp cưới của mình và cũng chính người vợ hiền tương lai ấy đã viết thư động viên ông yên tâm chiến đấu: “6 tháng rồi không nhận được thư anh, nhiều lúc em buồn và nhớ anh lắm, nhưng em sẽ cố gắng chịu đựng. Anh ra đi theo tiếng gọi Tổ quốc, anh hãy yên tâm công tác để hoàn thành ước mơ của mình, xứng đáng là người con của Đảng, công việc ở nhà cứ để em lo…”. Hiện nay, tuy tuổi cao sức yếu nhưng hai ông bà đang có một cuộc sống rất hạnh phúc, viên mãn với con cháu.
Những bức thư tình da diết gửi về từ chiến trường |
Tình yêu đôi lứa gắn liền tình yêu Tổ quốc
Tình yêu thời nào cũng đẹp. Trong chiến tranh, những cảm xúc nhớ thương, hờn giận nhường chỗ cho những lý tưởng sống cao đẹp. Tình yêu người lính gắn liền với tình yêu Tổ quốc thiêng liêng.
136 lá thư của liệt sĩ Nguyễn Đức Mậu gửi về cho vợ là chị Hoàng Thị Síu được trưng bày ở Bảo tàng là những tình cảm yêu thương sâu sắc, mãnh liệt đã toát lên một lý tưởng sống, quyết tâm chiến đấu và chiến thắng: “Vì nhiệm vụ chống Mỹ cứu nước nên anh và em cũng phải cố gắng vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống để dành lại cuộc đời hạnh phúc cho toàn dân, trong đó có cả của anh, của em nữa chứ…”.
Không ít những bức thư anh chia sẻ với chị lý tưởng của mình: “Ra đi anh sẽ cố gắng hoàn thành nhiệm vụ trở về, vì đó là trách nhiệm chống Mỹ cứu nước cao hơn cả em ạ! Vắng anh, em phải xem anh luôn ở bên em, chúng ra cùng nhau giúp thêm nghị lực để chiến thắng tất cả… Nhớ em nhiều lắm nhưng tạm xếp trong lòng chứ biết làm sao được… Ai chẳng muốn, chẳng thèm khát cuộc sống như thế, nhưng nhiệm vụ cứu nước cũng đành hi sinh một phần nhỏ của chúng mình…”. Đó là sự sẵn sàng hi sinh, sẵn sàng hiến dâng cho Tổ quốc qua những dòng thư anh viết khi chị Síu có ý định xung phong lên đường vào tuyến lửa. Dù biết anh có thể mất chị nhưng không một chút đắn đo “Việc em hỏi anh có đi bộ đội thì có bao giờ anh ngăn cấm đâu, anh sẽ đồng ý giơ cả hai tay…”.
Rồi những lá thư căn dặn hậu phương giúp đỡ, viện trợ cho đồng đội mình nơi địa phương như lá thư dặn vợ phá nhà để cho xe bộ đội qua của liệt sĩ Đậu Xuân Hùng, liệt sĩ Cao Xuân Khuông, liệt sĩ Lê Binh Chủng…
Chị Ngô Thị Nga luôn nâng niu lá thư như một tài sản vô giá |
Nỗi niềm những người đi tìm kỷ vật
Để chuẩn bị cho triển lãm kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra vào tháng 5 sắp tới, cán bộ Bảo tàng đang thu thập những kỷ vật mới. 24 năm công tác, thiếu tá Ngô Thị Nga đã gắn bó và “nặng” tình với công việc thu thập, bảo quản kỷ vật chiến tranh. Có lần chị được điều chuyển công tác sang Cục Chính trị Quân khu 4 nhưng do quá yêu nghề nên làm được nửa năm chị lại xin về với công việc cũ.
Với nhiều người đây là một công việc nhàm chán, nhưng với chị đó là cả một niềm đam mê. Tình yêu với những kỷ vật đã khiến chị mải mê với những cuộc hành trình tìm kỷ vật, rồi lại tỉ mỉ với từng công đoạn tẩm hóa chất, ép thô… để bảo quản chúng. Công việc đòi hỏi những người bảo quản, kiểm kê như chị phải tiếp xúc với hóa chất hằng ngày nhưng lúc nào chị cũng nâng niu, gìn giữ bởi đối với chị đó là những tài sản vô giá.
.