Gia đình xã hội
Mái nhà tình thương nơi phố núi
(Congannghean.vn)- Cuối năm, chúng tôi đến thăm "nhà cai nghiện" tại cộng đồng của phố núi Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu (Nghệ An), cảm nhận được khát vọng từ bỏ ma túy của những người không may "ngã" vào ma túy, mắc nghiện. Sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể đã tiếp thêm sức mạnh giúp số phận họ tìm lại được chính mình.
Địa chỉ hướng thiện
Theo lời giới thiệu của đại tá Thái Doãn Hiệu - Trưởng Công an huyện Quỳ Châu, chúng tôi đến UBND thị trấn Tân Lạc. Một căn phòng trong khuôn viên của Trạm y tế được chọn làm điểm cai nghiện tại cộng đồng của thị trấn từ 2 năm nay, mỗi đợt có từ 1 - 3 trường hợp tham gia. Với cách làm này, Tân Lạc đã huy động sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ Công an, Mặt trận Tổ quốc, Nông dân, Cựu chiến binh, Phụ nữ, Đoàn thanh niên và chính mỗi gia đình có người nghiện trong việc hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần để duy trì hoạt động của mô hình.
Theo ông Đậu Trường Sơn - Trưởng Công an thị trấn Tân Lạc, mấy năm gần đây, các loại tội phạm như đánh bạc, trộm cắp và ma túy còn diễn biến phức tạp; đáng lo ngại là tệ nạn ma túy. Qua khảo sát, ngoài các đối tượng trong diện quản lý và tù tha còn có trên 20 người nghiện ma túy. Để có giải pháp ngăn chặn tình trạng này, địa phương đã phối hợp với cơ quan liên quan tiến hành xét nghiệm các đối tượng nghi sử dụng ma túy, từ đó lập hồ sơ đưa đi cai nghiện tập trung và cộng đồng.
Tuy nhiên, cái khó đối với địa phương là hầu hết các đối tượng mắc nghiện đi làm ăn xa, không tham gia vào bất cứ đoàn thể nào nên công tác theo dõi và tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, đối tượng nghiện ngày càng có xu hướng “trẻ hóa” do nhiều thanh niên đua đòi, không chịu lao động, lại không có sự quản lý của bố mẹ, sự kỳ thị của những người xung quanh, bản thân họ không làm chủ trước sự cám dỗ của ma túy nên tỷ lệ tái nghiện còn cao.
Một góc thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu |
Để mô hình cai nghiện tại cộng đồng ở Tân Lạc có được những kết quả rõ nét, mang lại hiệu quả cho chính bản thân người nghiện và cả xã hội là một sự nỗ lực lớn của địa phương, bởi từ trước khi triển khai để đến có một "mô hình", ngay từ đầu đã gặp phải không ít khó khăn. Nguyên do chính là không ít gia đình và bản thân người nghiện chưa hiểu rõ về hoạt động của mô hình cai nghiện tại cộng đồng nên có tâm lý dè dặt, nghi ngại. Trước tình hình đó, chính quyền cùng các ban, ngành thị trấn đã quán triệt, phổ biến các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về công tác cai nghiện; tuyên truyền tác hại của ma túy và hiệu quả bước đầu của mô hình đến cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đến với các gia đình có con em nghiện ma túy.
Ban chỉ đạo cai nghiện ma túy thị trấn gồm 9 thành viên là lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền và trưởng các ban, ngành đã định kỳ họp, đánh giá tình hình tệ nạn ma túy, về kết quả, khó khăn để từ đó rút kinh nghiệm cho thời gian tiếp theo. Đảng ủy, chính quyền thị trấn Tân Lạc đã chú trọng quan tâm phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác các đối tượng có biểu hiện sử dụng, tàng trữ, mua, bán trái phép chất ma túy; trên cơ sở khảo sát các trường hợp nghiện, nghi nghiện để giáo dục, răn đe tại khu dân cư. Công an thị trấn với vai trò nòng cốt trong việc chủ động, tăng cường kiểm tra, phát hiện, lập danh sách, hồ sơ theo dõi quản lý người nghiện tại cộng đồng.
Nhân rộng mô hình, chú trọng sau cai
Theo một thành viên Ban Chỉ đạo cai nghiện thị trấn, các trường hợp đến với “nhà cai nghiện” có cả tự nguyện và bắt buộc nên công tác quản lý, giám sát được chú trọng đề cao. Các "học viên" khi vào đây được cai tập trung trong thời gian 6 tháng. Kết thúc giai đoạn cắt cơn và phục hồi sức khỏe sẽ được theo dõi nghiêm ngặt tiếp trong thời gian 5 - 7 ngày, với chế độ 24/24 giờ, sau đó mới đưa về gia đình quản lý, theo dõi dưới sự chứng kiến của chi bộ, ban cán sự và đoàn thể xóm, bản. Hết thời gian này, nếu học viên không có biểu hiện tái nghiện thì được thị trấn quyết định công nhận "Hoàn thành chương trình cai nghiện".
Hiện tại, trên địa bàn thị trấn Tân Lạc có trên 20 người nghiện và cũng từng ấy trường hợp được các đoàn thể giúp đỡ, cai nghiện tại cộng đồng. Các “học viên” sau khi ra khỏi "nhà cai nghiện cộng đồng" ở Tân Lạc, đa số đều cắt cơn hoàn toàn và phục hồi thể lực, trở thành những người có cuộc sống, việc làm ổn định. Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Văn Tịnh (khối 3), sau khi cai nghiện đã chăm chỉ lao động, kiếm thêm thu nhập bằng nghề thợ nề; hay như anh Nguyễn Quốc Việt (khối Tân Hương)...
Các thành viên Ban Cai Nghiện cộng đồng thị trấn Tân Lạc khảo sát người nghiện |
Để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả công tác cai nghiện tại cộng đồng cũng như tại gia đình ở 9 khối, xóm của thị trấn Tân Lạc, ông Nguyễn Thế Công - Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Mô hình này bước đầu mang lại hiệu quả và tạo được sự tin tưởng cho cán bộ và nhân dân, từ đó thu hút được người nghiện vào cai, giúp giảm tải cho các trung tâm cai nghiện tuyến trên, góp phần ổn định ANTT địa bàn.
"Với đặc điểm là địa bàn rộng, chạy dọc theo Quốc lộ 48, huyện Quỳ Châu nói chung và thị trấn Tân Lạc nói riêng được xem là tuyến đường trung chuyển ma túy từ vùng biên giới huyện Quế Phong qua, nên việc mua, bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy của các đối tượng nghiện trên địa bàn vẫn còn tồn tại, dẫn đến việc phòng, chống tệ nạn ma túy ở đây rất khó khăn. Trước khi nhập vào thị trấn, nhiều xóm, bản thuộc xã Châu Hạnh và vùng lân cận là nơi sinh sống của đại bộ phận người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp nên dễ bị lôi kéo. Thêm vào đó, từ khi phong trào thanh niên đi làm ăn xa phát triển mạnh, khi trở về mang theo "cái chết trắng” cho chính những người thân của mình bằng cách tham gia mua, bán ma túy. Vì vậy, với những trường hợp đến với "mái nhà", điểm cai nghiện của thị trấn sẽ là tín hiệu khả quan đối với cuộc chiến phòng, chống tội phạm ma túy cũng như các giải pháp hạn chế người nghiện của địa phương. Với mô hình này, đã huy động được sự vào cuộc của chính quyền và cộng đồng giúp đỡ người lầm lỡ cai nghiện, tái hòa nhập cộng đồng sau cai", ông Công cho biết thêm.
Thời gian tới, thị trấn tiếp tục xác định, lấy gia đình, dòng họ, cộng đồng để tổ chức quản lý cai nghiện gắn liền với tạo công ăn việc làm cho đối tượng, kết hợp chú trọng nâng cao các hoạt động văn hóa văn nghệ lành mạnh, thu hút, tập hợp họ vào sân chơi bổ ích để tránh xa các tệ nạn; tránh sự phân biệt kỳ thị để người nghiện có cơ hội hòa nhập cộng đồng, hoàn lương, trở thành người có ích. Mái nhà với tình thương của cả cộng đồng sẽ là nơi chắp cánh cho nhiều mảnh đời lầm lỗi vững bước hướng về tương lai phía trước.
Xuân Thống